Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đừng dán hai chữ “mồ côi” lên tên gọi

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) Những ngày này, nhiều người bàn luận chuyện bảo trợ những trẻ em bị mất cha mẹ trong dịch bệnh, và nhắc đến các em bằng ba chữ “trẻ mồ côi”. Quả thật mồ côi ở tuổi nào cũng khổ, tuổi càng bé thì càng khổ nhiều.

Xóm Nghệ quê tôi ngày xưa có tục gọi tên khác người. Khi có con trai đầu lòng, người cha được gọi là anh Cu. Nếu con đầu lòng là con gái, anh ta sẽ được gọi là anh Hoe. Cu và Hoe được thêm vào đầu tên gọi. Còn mấy em nhỏ mất cha, dù ở với mẹ hay với ông bà nội khi mẹ đi lấy chồng khác thì đều được gọi là Côi – cái tên vận vào người bao hàm sự thương hại của người khác, gây mặc cảm suốt đời.

Tôi nghĩ những đứa trẻ có thể tự nhận là mình mồ côi, nhưng người khác thì có nên gọi các em như thế, nhất là việc đặt cả tên cho hội nhóm hay trường học, hay các trung tâm nuôi dưỡng các em. Việc này tuy không sai, nhưng ngẫm ra hơi tàn nhẫn?

Dẫu biết theo thời gian, vết thương nào cũng dần lành, chỉ còn lại vết sẹo ghi dấu quá khứ hay một thực tế phải chấp nhận, nhưng tại sao cứ bắt các em khoác mãi chiếc áo mặc cảm và đội lấy chiếc nón thương hại của mọi người? Các em cũng có thể sẽ được lớn lên trong sự đùm bọc, thương yêu của người thân, của cộng đồng. Các em cũng có thể mạnh mẽ vươn lên như những cây thông vi vu hát trong đất trời dù trên thân thể hằn đầy những vết sẹo do con người tạo ra khi lấy nhựa. Chúng ta luôn mong các em sẽ vượt qua những vết sẹo cuộc đời như vậy.

Đề ra các chính sách bảo trợ trẻ em mất cha mẹ vì Covid-19, là điều cần thiết và đáng trân quý. Chỉ xin đừng gọi tên kiểu như “Trường nuôi dạy Trẻ Mồ Côi”. Những người lớn hãy thử đặt mình vào vị trí các em, sẽ muốn dần nguôi ngoai nỗi khổ đau mất cha mẹ để vươn lên nhưng lại cứ bị người ta khoét thêm vào nỗi đau, phải gánh gồng sự kể lể công lao và lòng thương hại; cả đời bị buộc phải nhắc đi nhắc lại hoàn cảnh bởi những cái tên trường khai trong lý lịch, hay khi phải tự giới thiệu mình đang hoặc từng ở đâu khi làm quen ai hay trong các mối giao tiếp khác.

Không phải không có người từng cho rằng việc đặt những cái tên trường, tên trung tâm dán những cái nhãn “khuyết tật”, “câm điếc”, “mồ côi”… là để thuận lợi cho việc xin tài trợ hay kêu gọi quyên góp! Thiết nghĩ đâu thiếu những cái tên hay, tên đẹp có thể đặt và gọi lên, tỷ như “Khát Vọng”, “Hướng Dương”, “Tin Yêu”, “Hào Nghĩa”…, như nhiều cái tên cá nhân và tập thể đã nói thay cho mục đích, ước mơ. Tên trường lại càng phải như vậy. Với những cái tên đáng tự hào, các em được chăm sóc, nuôi dạy nơi những cơ sở đó sẽ có nhiều động lực học tập, rèn luyện, làm việc và sống hết mình vì những mục đích cao cả, những mong ước mãnh liệt.

Có lẽ cũng nên từng bước xem xét, sửa lại hết những cái tên trường trại, tổ chức, hội đoàn cứ như xoáy vào nỗi đau của con người. Hoàn toàn có thể thay tên một “Chi hội Thanh niên Khuyết tật” bằng “Chi hội Thanh niên Nghị lực” chẳng hạn.

Tiếng Việt của chúng ta vô cùng phong phú. Cách nói, cách viết thể hiện tính nhân văn nơi con người và xã hội nên phải cân nhắc nói và viết sao cho hợp tình, đạt lý.

1 BÌNH LUẬN

  1. Mồ côi thì ai cũng giống nhau, mất cha mất mẹ hoặc cả hai, không phân biệt lý do và nguồn gốc. Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm. Đó là tuyên truyền của dân gian đời xưa, chứ thực ra mồ côi kiểu gì con trẻ cũng khổ. Nhưng điều quan trọng là mái ấm gia đình và xã hội, nếu biết tạo điều kiện thì con trẻ sẽ lớn lên và trưởng thành, nhưng không tạo ra bất kỳ biệt lệ nào. Nhà nước nên khuyến khích càng xã hội hóa công tác nuôi dạy trẻ mồ côi thì càng mang lại hiệu quả. Thậm chí, các trường dòng Công giáo có truyền thống nuôi dạy trẻ mồ côi rất tốt và đa phần các em đều ngoan và thành công cả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới