Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Được ‘giải cứu’ song giá mua bán điện tái tạo thấp hơn cả đề xuất của EVN

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau 2 năm chờ đợi, doanh nghiệp điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió) đã được áp dụng khung giá điện mới. Khung giá điện này là cơ sở để doanh nghiệp đàm phán giá bán điện với EVN và có thể thu hồi vốn đầu tư. Tuy nhiên mức giá Bộ Công Thương đưa ra thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa: TL

Theo TTXVN, Bộ Công Thương vừa quyết định khung giá phát điện mặt trời, điện gió cho các dự án chuyển tiếp, vận hành sau khi chính sách giá FIT ưu đãi các loại hình năng lượng này hết hiệu lực từ cuối năm 2020 và 2021. Nhưng mức giá này đã thấp hơn nhiều so với mức giá ưu đãi trước đó được Chính phủ áp dụng, thậm chí thấp hơn cả mức giá Tập đoàn điện lực quốc gia Việt Nam (EVN) từng đưa ra.

Cụ thể, mức giá trần của dự án điện mặt trời chuyển tiếp khoảng 1.185-1.508 đồng/kWh và điện gió 1.587-1.816 đồng/kWh, tùy loại hình.

Như vậy, ở giai đoạn chuyển tiếp, mức giá bán điện mặt trời của các dự án điện tái tạo cho EVN sẽ thấp hơn từ 200-400 đồng/kWh và điện gió là 100 đến gần 300 đồng/kWh.

Giá FIT ưu đãi 20 năm với dự án điện mặt trời sẽ là 9,35 cent/kWh (khoảng 2.200 đồng/kWh) và 7,09-8,38 cent (1.644-1.943 đồng/kWh); dự án điện gió là 8,35-9,8 cent (1.927-2.223 đồng/kWh).

Theo quyết định về khung giá điện của Bộ Công Thương giá trần (giá cao nhất của khung giá phát điện) chưa gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với điện mặt trời trên mặt đất là 1.184,9 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh, điện gió đất liền là 1.587,12 đồng/kWh và điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.

 

2 năm qua, giá mua bán điện cố định (FIT) được Chính phủ ưu đãi đối với các dự án điện mặt trời vận hành áp dụng trước ngày 31-12-2020 và các dự án điện gió vận hành trước ngày 31-10-2021. Các dự án vận hành sau thời gian này không được hưởng giá FIT, mà phải mua bán điện bằng hợp đồng với EVN. Chính vì vậy rất nhiều doanh nghiệp điện gió, mặt trời cho biết họ không thể bán điện cho EVN do không đàm phán được hợp đồng và không có giá mua bán điện.

Trước đó, tháng 11-2022 EVN từng đề xuất phương án giá phát điện với mặt trời chuyển tiếp gần 1.188-1.570 đồng/kWh, điện gió khoảng 1.591-1.945 đồng, tùy loại hình.

Cổng thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hết năm 2021, số dự án điện gió, mặt trời đã vận hành chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống, trong đó có 16.545 MW điện mặt trời mặt đất, mái nhà và 4.126 MW điện gió. Hiện có 5 dự án hoặc phần dự án điện mặt trời công suất hơn 452 MW chờ xác định giá điện và 62 dự án điện gió với tổng công suất gần 3.480 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN.

Bên cạnh đó, còn một số dự án đang đầu tư, triển khai dở dang đang chờ cơ chế, giá chuyển tiếp. Sau rà soát, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho làm tiếp 726 MW của 11 dự án, phần dự án điện mặt trời trước năm 2030, để tránh lãng phí xã hội.

Theo TTXVN, đại diện Bộ Công thương cho rằng, mức giá mới có thể chưa như kỳ vọng của các nhà đầu tư, song sau hơn 2 năm chờ đợi với các dự án điện mặt trời không kịp vận hành thương mại đúng hạn để hưởng giá FIT, mức giá này cũng giúp họ có thể thu được phần nào vốn.

5 BÌNH LUẬN

  1. Đây là tin buồn cho chiến lược phi carbon hóa 2050 mà ta đã cam kết cùng thế giới. Không rõ thế giới sẽ nhìn vào ta với thái độ nào trong thời gian đến ? Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là giá cả năng lượng tái tạo. Đó chỉ là phần nổi. Hàng loạt những “phần chìm” khác cần phải giải mã sao cho rõ ràng, công khai minh bạch, từ đó mới phát huy được nội lực, và huy động ngoại lực ngày càng lớn.

  2. Còn để EVN độc quyền về điện lực thì người dân và các Cty làm điện sạch không có sự lựa chọn và cạnh tranh công bằng.
    Cần phải tư nhân hóa điện lực như các nhà mạng thì VN mới phát triển được.

  3. Lào muốn HOÁN ĐỔI điện theo mùa vụ với các nước láng giềng
    Cực kỳ tốt và rất phù hợp vì Trường Sơn Đông và Tây trái vụ nhau và sát cạnh nhau thuận lợi nhất. Ui! Nếu thế thì điện VN giá bèo (chính xác hơn là điện m.Trung nếu được giữ lại thu hút đtư, thay vì kéo đi xa). Hiện EVN mua điện các nhà máy thủy điện miền Trung 500-600đ/kwh
    “Its government is set to continue negotiating and promoting ties with neighbouring countries to EXCHANGE electricity via the “grid to grid” system so as to help tackle power shortages during the dry season and store extra power in the wet season.”
    https://en.vietnamplus.vn/laos-electricity-exports-grow-75-in-2022/245662.vnp#:~:text=Vientiane%20(VNA)%20%E2%80%93%20Laos%20earned,up%2071.77%25%20from%20this%20year.

  4. Không hiểu nổi, với giá chưa tới 1200đ/1kw thì xem như bóp chết các dự án đã đầu tư. Bộ công thương áp một cái giá rẻ nhất trong các loại hình sản xuất điện cho điện mặt trời là bước lùi trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Đùng 1 cái giá từ 2200đ giảm xuống 1200đ thì không nhà đầu tư nào dự đoán được.

  5. 1 Dự án đầu tư ĐMT chỉ để lo phần thủ tục pháp lý đã mất gần 2 năm, thời điểm khuyến khích là 2018, thời hạn khuyến khích 2 năm, dính 2,5 năm Covid. Bao nhiêu công sức của các nhà đầu tư đều bỏ sông bỏ biển. Đơn giá đưa ra như vậy thì bao giờ NĐT mới thu hồi được vốn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới