Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về điện gió, điện mặt trời

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, có cơ chế khuyến khích phát triển nhưng chính sách giá vẫn không hợp lý ảnh hưởng đến cân đối cung cầu.

Thủ tướng khảo sát các dự án điện gió tại Bạc Liêu – Trung tâm điện gió lớn nhất Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Theo Baochinhphu.vn, trong chuyến khảo sát các dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc khuyến khích xây dựng thêm điện mặt trời và điện gió nhằm giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt điện, đúng định hướng phát triển năng lượng sạch, xanh.

Tuy nhiên, điện mặt trời, điện gió cũng có những điểm hạn chế như phụ thuộc thời tiết, thường xuyên thiếu hụt trong khung giờ cao điểm, nên thời gian qua, việc phát triển quá nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời trong khi hệ thống truyền tải điện, khả năng vận hành lưới điện chưa đồng bộ đã gây ra tình trạng nguồn cung điện vừa thiếu lại vừa thừa, gây thất thoát, lãng phí điện, chi phí tăng lên.

Có tình trạng các công ty kinh doanh mua điện gió, mặt trời với giá cao, song lại giảm mua thủy điện có giá thấp. Đây là nghịch lý, bởi người dân hiện đang phải trả một giá điện cao, đặc biệt mới đây EVN kiến nghị tăng giá điện theo khung giá mới.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, điện năng lượng tái tạo phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn với công suất lắp đặt tăng nhiều lần so với quy hoạch đề ra. Đến hết 31-12-2020, tổng công suất đặt điện mặt trời mặt đất là hơn 8.570 MW, điện mặt trời mái nhà có công suất đặt lên tới 9.300 MW với hơn 100.000 công trình.

Hiện giá mua điện mặt trời của EVN trong năm 2022 là 1.939-2.164 đồng/kWh (năm 2021 là 1.938-2.162 đồng/kWh) chưa bao gồm thuế VAT. Giá ưu đãi cố định (FIT) cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (1.927 đồng), giá thành sản xuất điện tái tạo vẫn cao hơn so với các nguồn điện truyền thống, gây sức ép tăng giá bán lẻ điện. .

Theo Thủ tướng Chính phủ, có 5 yếu tố cấu thành: nguồn điện, tải điện, sử dụng điện hiệu quả, phân phối điện và giá điện. Trước đây khi công nghệ chưa phát triển, giá điện gió, điện mặt trời có thể phù hợp để khuyến khích đầu tư. Nhưng hiện nay, giá điện tái tạo ở Việt Nam đang cao hơn so với thế giới và các nguồn điện khác do công nghệ điện tiến bộ rất nhanh, chi phí sản xuất đã giảm rất nhiều. Thêm nữa các doanh nghiệp cũng không phải đầu tư hệ thống truyền tải điện, bởi việc này được Nhà nước thực hiện với kinh phí rất lớn.

Do đó, các nhà đầu tư điện tái tạo đang có lãi lớn trong khi Nhà nước, người dân Việt Nam phải chịu giá điện cao.  Thủ tướng yêu cầu phải xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió, điện mặt trời đã triển khai, tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước, nhà đầu tư, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả…

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, giữ môi trường pháp lý ổn định và những điểm không hợp lý cần phải điều chỉnh, vì lợi ích quốc gia.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về điện gió, điện mặt trời. Các bên liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ, đào tạo nhân lực, hỗ trợ vốn, kêu gọi các nhà đầu tư, sản xuất thiết bị trong nước, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo…

1 BÌNH LUẬN

  1. Trong mọi trường hợp, năng lượng tái tạo phải được xem xét áp dụng ưu đãi nhất định về chính sách giá/ phí/ thuế. Bởi lẽ cái giá phải trả cho sự đánh đổi giữa chi phí bảo vệ môi trường và sản xuất điện năng từ dầu/ khí/ than là vô cùng lớn, không thể tính hết, không thể khắc phục được qua nhiều thế hệ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới