Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Được và mất khi trở thành di sản

TS. Nguyễn Minh Hòa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Có lẽ các cơ quan chức năng cần xem lại việc phong tặng như thế nào cho “thấu tình, đạt lý”…

Chùa Bà Đanh. Ảnh: M.H

Tôi sinh ra và lớn lên ở trung du Bắc bộ. Xã tôi như bao xã khác của tỉnh Phú Thọ có cơ man nào là di sản. Xã có 5 xóm, mỗi xóm là một dòng họ, gồm: Tạ, Triệu, Vũ, Trần, Nguyễn. Mỗi dòng họ có một cái đình rất to thờ ông tổ dòng họ mình đến nơi này khai khẩn lập làng. Đến nay, đình nào cũng gần hai trăm tuổi. Dòng họ Triệu lo được thủ tục để đình của họ mình được phong làm di sản của tỉnh.

Gần đây, các đình bị xuống cấp cả. Kèo xô lệch, mái ngói vỡ nát, cột bị mối ăn. Các dòng họ góp tiền, cùng nhau sửa chữa đình cho chắc chắn hơn. Riêng đình của dòng họ Triệu không được đụng tới vì đó là di sản. Đợi mãi không thấy có quyết định cho tu sửa nhưng hễ làm gì sẽ bị vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Quý hồ tinh hơn quý hồ đa

Người viết từng đặt câu hỏi một lãnh đạo của Cục Di sản văn hóa về việc bà có biết ở Việt Nam có bao nhiêu di sản vật thể và di sản văn hóa phi vật thể không? Câu trả lời là làm sao mà biết được. Quả thật, nếu nói danh mục được xếp hạng di tích, di sản các loại thì Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc.

Một di sản kiến trúc, một lễ hội có sống lâu được với cộng đồng và thời gian tùy thuộc vào sức mạnh “tự thân” của nó, trong đó phải kể đến như sự gắn bó của dân cư với loại hình, giá trị của di sản và sự cần thiết với người dân về cả hữu hình và vô hình.

Nếu phong tặng, những chọn lựa phải xứng tầm và có chính sách trong việc duy tu, bảo dưỡng đối với di sản kiến trúc. Di sản văn hóa phi vật thể thì phải có kinh phí nuôi nghệ nhân, có nhà chuyên môn giỏi giúp dân chọn lọc nâng lời ca, điệu múa, loại hình sản xuất từ “hoa cau vườn nhà” thành “tinh hoa” nghệ thuật. Không phải dân gian là cứ chân lấm bùn nhảy vào chiếu cạp điều sân đình.

Có những loại di sản văn hóa phi vật thể không cần tem nhãn vẫn sống mãi với cộng đồng như múa xòe của người Thái, hát then của người Tày, dân ca quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam bộ, múa rối nước…

Ngoài việc tồn tại hàng trăm năm do nhu cầu của cộng đồng, nó được tiếp sức bởi du lịch, chính du lịch đã làm cho nó hiện diện trong đời sống.

Trước kia có những loại hình văn hóa, lễ hội chỉ xuất hiện một lần trong năm và phục vụ cho một làng, xã mang tính hướng nội thì nay có thể xuất hiện mỗi ngày phục vụ khách du lịch như múa xòe người Thái, cồng chiêng Tây Nguyên, thậm chí có loại hình chỉ phục vụ triều đình thì nay biểu diễn mỗi đêm như nhã nhạc cung đình Huế…

Ngược lại, có những loại hình được phong tặng nhưng sự tồn tại của nó rất mong manh, bởi nó chỉ là thực hành tín ngưỡng, tập quán hay một lối sản xuất riêng có của một nhóm dân cư rất nhỏ, hầu như không có ảnh hưởng trong xã hội.

Đọc trong danh mục phong tặng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều loại hình khó hiểu khi được phong di sản như nghề thủ công làm tàu hũ ky ở Vĩnh Long, nghề trồng rau trà quế ở Hội An, nghề dệt chiếu ở Đồng tháp, nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu, nghề làm gốm, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, nghề đúc đồng, trò chơi kéo co…

Dẫu vẫn biết là nó đáp ứng được tiêu chí là do cộng đồng tự nguyện đề cử nhưng những loại hình lao động sản xuất này hiện diện khắp nơi, không phải một loại hình “độc nhất vô nhị”.

Chẳng hạn, nghề làm tàu hũ ky vốn là của người Hoa mang từ cố quốc sang nên ở đâu có người Hoa là có sản xuất tàu hũ ky. Tương tự với nghề dệt thổ cẩm, các cộng đồng dân tộc ở hầu khắp vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và cả Tây Nam bộ đều có. Nghề gốm, nghề mộc, nghề làm bánh tráng, nấu rượu, làm nhang, chằm nón, nước mắm từ cá khắp Bắc Trung Nam có đến hàng ngàn làng nghề liệt kê không xuể.

Nhiều loại hình được phong tặng nhưng nó không phải là loại hình độc đáo đại diện cho bản sắc một địa phương như trong nghị định về tiêu chí lựa chọn tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể. Dẫu biết phong tục tập quán, lễ hội, phương thức sản xuất, thực hành văn hóa của tộc người nào cũng đáng trân trọng nhưng phong tặng nhiều quá thành ra bị loãng và chính bản thân cộng đồng đó chả biết về cái di sản mà mình được hưởng. Chưa kể, làm sao duy trì những di sản đó tồn tại, chưa nói đến phát triển và lan tỏa.

Để di sản không là gánh nặng

Quay trở lại với câu chuyện khó xử của ngôi đình được phong di sản ở đầu bài viết, mới thoạt nghe thì thấy bình thường, nhưng những ai sống ở miền Bắc mới hiểu được thực tế này. Đến các làng xã ở khu vực đồng bằng, trung du Bắc bộ sẽ thấy đây thực sự là “vùng di sản”, “vùng huyền thoại và cổ tích”. Với bề dày hơn 4.000 năm, nơi đây dày đặc chùa chiền, đình, miếu có tuổi đời hàng trăm năm.

Một xã có bao nhiêu xóm là có bấy nhiêu cái đình của cộng đồng, chưa kể đến phủ miếu tư nhân. Riêng Hà Nội đã có 1.800 di sản văn hóa phi vật thể, 6.000 di tích lịch sử kiến trúc, 1.350 làng nghề truyền thống, 1.792 lễ hội các loại. Lúc ban đầu các làng xã còn háo hức với việc phong tặng di sản, nhưng sau này mọi người không còn ham nữa. Lý do chính từ việc công trình đó được coi là “bất động”, không ai được động chạm gì nếu không được cho phép, dù nó sắp sập xuống.

Chùa, đình, miếu xưa làm bằng gỗ, tường gạch đá ong hay gạch đất nện, vữa là vôi trộn với mật mía, giấy bản. Qua năm tháng, nhất là khí hậu miền Bắc nóng ẩm, mưa dầm thối đất, nắng đổ lửa thì di sản nào cũng bị xuống cấp. Khi một di sản xuống cấp, người xót xa nhất là người dân tại chỗ, bởi nó gắn liền với đời sống tinh thần, tâm linh của nhiều thế hệ.

Trước thực trạng đó các vị bô lão trong làng họp nhau lại tìm cách cứu đình, chùa. Để có thể trùng tu được trước tiên liên quan đến thủ tục pháp lý. Có thể nói đây là một ma trận vô cùng phức tạp trải qua hàng chục khâu và có khi cả năm trời không tới hồi kết. Di tích được xếp hạng phải qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa, Hội đồng di sản quốc gia, Hội đồng Quy hoạch – Kiến trúc, các hội nghề nghiệp khác.

Ở ngôi Đền cổ An Liệt xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, Hải Dương có một cái cổng xây bằng xi măng cổ kính nhưng xiêu vẹo chực sập, người dân đã cho đập bỏ và thay tạm vào đó là cánh cổng sắt như ở cơ quan chờ khi nào có tiền sẽ phục dựng lại như cũ. Ngặt nỗi cái đình này được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1995 nên như thế là vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Có trường hợp hạ giải nguyên cả một cái đình để làm mới lại, cũng không phải là cố tình phá hoại gì, người dân làm khi thấy đình mục nát quá. Muốn cứu theo lớp lang bài bản thì phải có rất nhiều tiền, có máy móc, kỹ thuật, thợ bậc cao mới làm được trong khi chưa biết chờ đến bao giờ.

Chi bằng có gì làm nấy. Cột đình vốn làm bằng gỗ lim to đến hai người ôm, muốn cứu nó thì cần đến máy chuyên dùng để đỡ hệ mái, rồi cắt bỏ phần mục, phun thuốc chống mối mọt, thay gỗ mới vào, sử dụng keo chuyên dụng, còn mua gỗ mới thì đào đâu ra gỗ loại đó… Do vậy, người dân bỏ đi thay bằng cột bê tông cho bền muôn đời, lại còn rẻ.

Các khung kèo bằng gỗ thay bằng sắt, các đầu dao bằng gỗ chạm hình rồng phượng công phu thay bằng bê tông đắp rồng phượng nổi… Đó là trường hợp Đình Lương Xá, Liên Bạt, Ứng Hòa. Bà con ở làng cổ Đường Lâm cũng nhiều lần kêu cứu vì là làng di sản nên xây không được, sửa không xong. Đúng thật là “khổ vì di sản”.

Có lẽ các cơ quan chức năng cần xem lại việc phong tặng như thế nào cho “thấu tình, đạt lý”. Phong rồi mà đưa di sản vào thế kẹt thì không nên, chẳng thà cứ để nó là tài sản của cộng đồng bản địa lại dễ ứng xử. Nếu phong tặng, những chọn lựa phải xứng tầm và có chính sách trong việc duy tu, bảo dưỡng đối với di sản kiến trúc.

Di sản văn hóa phi vật thể thì phải có kinh phí nuôi nghệ nhân, có nhà chuyên môn giỏi giúp dân chọn lọc nâng lời ca, điệu múa, loại hình sản xuất từ “hoa cau vườn nhà” thành “tinh hoa” nghệ thuật. Không phải dân gian là cứ chân lấm bùn nhảy vào chiếu cạp điều sân đình.

Di sản, di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc là của dân, không nên coi là độc quyền của một cơ quan nào đó. Việc động viên, hỗ trợ người dân tự ý thức bảo vệ phát huy giá trị di sản là hết sức quan trọng, bởi chỉ có chính người dân tại các làng xã mới phát huy hiệu quả giá trị di sản.

1 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết của TS Nguyễn Minh Hòa phản ánh đúng thực trạng “dở khóc dở cười” đối với di sản ở ta, trong việc: bảo vệ, trùng tu, phát huy giá trị của di sản…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới