Chủ Nhật, 3/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đường đua ví điện tử: chuyển mình hoặc chấm dứt

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Gần 10 năm sau khi triển khai tại Mỹ, dịch vụ thanh toán của Apple đã có mặt tại Việt Nam vào tháng 8-2023. Duy trì chính sách không thu phí của các bên khi thực hiện giao dịch, Apple Pay đang góp phần gia tăng sức nóng cho đường đua ví điện tử, đặt các công ty điều hành ví vào tình thế phải chuyển đổi, tối ưu hóa mô hình kinh doanh của mình, tìm kiếm thêm nguồn thu mới hoặc sẽ phải rời thị trường.

Thanh toán bằng ví điện tử hiện khá phổ biến tại Việt Nam. Ảnh minh họa: DNCC

Cuộc đua nhộn nhịp người chơi

Những kết quả nghiên cứu, thống kê vẫn cho thấy tiền mặt vẫn là "ông vua" tại Việt Nam, nhưng sức hấp dẫn của mảng công nghệ tài chính (fintech) ở Việt Nam vẫn được duy trì trong nhiều năm qua. Giá trị giao dịch tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng lên mốc 22 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025 từ mức 9 tỉ đô la của năm 2020, theo một nghiên cứu của công ty tư vấn YCP Solidiance.

Báo cáo e-Conomy SEA 2022 đưa ra dự đoán, tại Việt Nam, thanh toán kỹ thuật số đang trở nên phổ biến và dự kiến sẽ đạt tổng giá trị giao dịch 143 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025.

Một nghiên cứu từ MasterCard vào năm 2022 cũng cho thấy, 94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm qua. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và kể cả những nước phát triển hơn, tỉ lệ này cũng chỉ ở mức 88%.

Đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã cấp giấy phép cho ít nhất 43 đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, không khó hiểu khi "sân chơi" này ngày càng đông đúc và khốc liệt. Trong số này, có 34 đơn vị cung cấp ví điện tử, rất nhiều trong số đó nuôi tham vọng lặp lại được các thành công như của Alipay hay WeChat Pay ở Trung Quốc.

Tại một sự kiện, khi thông tin về hợp tác giữa VPBank và Garmin Pay, ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc VPBank cho biết: “Garmin Pay nằm trong chiến lược đẩy mạnh số hóa, công nghệ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt khi xu hướng thanh toán Tap & Pay đang ngày càng phát triển, nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng của VPBank. Garmin Pay sẽ là một hình thức thanh toán mới, mang lại sự an toàn, tiện lợi và thuận tiện cho người dùng”.

Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Ivan Lai, Giám đốc khu vực của Garmin, cho biết, Garmin Pay sẽ sớm mở rộng hợp tác với nhiều ngân hàng khác tại Việt Nam để có nhiều người sử dụng dịch vụ này hơn.

Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức thẻ Visa trong năm 2023, người dùng Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt trong thói quen thanh toán, cụ thể tăng 64% mức độ sử dụng thanh toán không tiếp xúc.

Có mặt trước Garmin Pay, Apple Pay được cung cấp tại Việt Nam vào tháng 8-2023, và theo đó, người sử dụng iPhone, Apple Watch, iPad và Mac có thể sử dụng dịch vụ thanh toán này tại hàng ngàn địa điểm chấp nhận thanh toán bằng Apple Pay, với sự hỗ trợ của một số ngân hàng Việt Nam. Tất cả cửa hàng, địa điểm cung cấp dịch vụ có sử dụng máy quẹt thẻ POS hỗ trợ thanh toán không chạm NFC (có in biểu tượng không dây) đều sử dụng được Apple Pay.

Tại Việt Nam, đa số máy POS hoạt động trên thị trường là loại mới, hỗ trợ tính năng thanh toán không chạm, có NFC. Vì vậy, không khó tìm các điểm thanh toán bằng Apple Pay và dịch vụ với công nghệ gần tương tự khác như Google Pay hay Samsung Pay.

Nhanh chân hơn các ví điện tử nêu trên, ví điện tử WeChat Pay của Trung Quốc đã vào Việt Nam từ cuối năm 2017 thông qua hợp tác với ví điện tử trong nước là VIMO để chấp nhận thanh toán cho du khách trung Quốc. Ví điện tử VIMO là trung gian thanh toán đầu tiên tại Việt Nam cho phép du khách Trung Quốc sử dụng ví điện tử WeChat Pay thanh toán bằng tiền Việt Nam tại các cửa hàng chấp nhận VIMO.

Áp lực chuyển đổi để tồn tại và phát triển

Trong một cuộc trao đổi với báo giới, liên quan đến sự xuất hiện của các ví ngoại có gây khó khăn cho các ví nội hay không, bà Lê Lan Chi, Giám đốc điều hành của ví điện tử ZaloPay, lấy một ví dụ là Apple Pay chỉ chấp nhận hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng quốc tế, thẻ thanh toán và thẻ ghi nợ. Do đó, Apple Pay sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến ví điện tử trong nước, bởi tỷ lệ người dùng sử dụng các loại thẻ này trong nước vẫn chưa chiếm đa số, và các ví nội địa vẫn có ưu thể ở việc kết nối với thẻ ATM nội địa.

Việc các ví điện tử nội địa hỗ trợ cả thẻ nội địa và liên kết tài khoản ngân hàng đang giúp tạo ra lợi thế cho họ, bởi người sử dụng chưa có thẻ thanh toán quốc tế sẽ chọn ví điện tử nội địa.

Cuộc cạnh tranh giũa các ví điện tử ngày càng được gia tăng sức nóng bởi sự tham gia của các thành viên mới. Theo phân tích của các chuyên gia, điều mà các đơn vị vận hành ví điện tử quan tâm nhất là cách thức để có được khách hàng sau các chiến lược khuyến mại và liên kết với ngân hàng, chuỗi cửa hàng. Thực tế cũng cho thấy, người dùng thường chọn các ứng dụng ví điện tử mang đến cho họ nhiều lợi ích về tài chính nhất.

Khác với Alipay hay WeChat Pay khi có thể tận dụng hệ sinh thái hàng triệu người dùng của Alibaba và WeChat, các ví điện tử Việt Nam phải phát triển người dùng từ hệ sinh thái của mình. Trong cuộc cạnh tranh này, VNG hiện đang có lợi thế lớn khi sở hữu hệ sinh thái gồm Zalo - ứng dụng nhắn tin với hơn 100 triệu lượt người dùng - và ví điện tử ZaloPay.

Để có thêm người dùng và đối tác bán hàng, các ví điện tử tại Việt Nam phải "đốt tiền" cho hoạt động marketing và khuyến mại (chiết khấu). Bước tiếp theo của cạnh tranh sẽ là chạy đua phát triển một hệ sinh thái đủ hấp dẫn để giữ chân cả người dùng và đối tác bán hàng.

Vào tháng 3-2021, Chính phủ cho phép triển khai thí điểm tiền di động (Mobile Money) trong thời gian hai năm. Quyết định này bật đèn xanh để các mạng viện thông có thể triển khai dịch vụ Mobile Money của riêng mình.

Nếu như đối với ví điện tử, quy định hiện tại yêu cầu người dùng phải liên kết với một tài khoản thanh toán tại ngân hàng, Mobile Money có thể sử dụng chỉ cần tài khoản số điện thoại di động, ngay cả khi họ không dùng smartphone. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh 70% dân số "chưa được ngân hàng phục vụ đầy đủ" ở Việt Nam, theo TechInAsia.

Với những lợi thế về người dùng, nguồn vốn, hạ tầng và thương hiệu, ví điện tử viễn thông Mobile Money của ba nhà mạng hành đầu Viettel, Vinaphone và Mobifone đã đặt các ví điện tử vào một cuộc cạnh tranh hoàn toàn mới. Lúc này, việc chỉ dựa vào hoạt động thanh toán đơn thuần là không đủ để các ví điện tử có thể duy trì được sự tồn tại của mình trên thị trường.

Trong cuộc chơi dài hạn, dù là các công ty fintech hay các nhà mạng, phát triển bền vững ở mảng dịch vụ tài chính đồng nghĩa với việc họ cần phải tìm kiếm thêm nguồn doanh thu từ các dịch vụ tài chính khác.

Các ví điện tử sẽ không thể mãi mãi "đốt tiền" cho marketing và chiết khấu. Ông Zennon Kapron, người sáng lập công ty tư vấn fintech Kapronasia, trong một báo cáo của doanh nghiệp đã cho rằng các công ty cần chuyển đổi từ "chiết khấu, trợ giá" sang "bình thường hóa" trong mô hình kinh doanh của mình. Và các ví điện tử cung cấp dịch vụ thanh toán đơn thuần sẽ khó có thể tồn tại trong tương lai.

Ở thời điểm hiện tại, cho vay trên kênh số đang là điểm đến tiếp theo được nhiều ví điện tử quan tâm. Quy định của Việt Nam không cho phép các tổ chức phi ngân hàng cung cấp trực tiếp các khoản vay. Vì thế, nhiều công ty fintech như MoMo hay ZaloPay chọn cách hợp tác với các ngân hàng để cung cấp khoản vay tiêu dùng trên nền tảng của mình.

Hơn ai hết, các công ty fintech đang chờ đợi một cơ chế "sandbox" được công bố tại Việt Nam. Tương tự như những gì Singapore đã làm, cơ chế "sandbox" cho phép thử nghiệm nhiều dịch vụ tài chính mới tại Việt Nam.

Quản lý dữ liệu và bảo vệ quyền lợi người dùng

Để bảo vệ quyền lợi người sử dụng ví điện tử, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành những chính sách từ vài năm nay, khi thị trường này có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ.

Cụ thể, Thông tư 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN đã cụ thể hóa yêu cầu quản lý, giám sát đối với dịch vụ ví điện tử. Theo đó, các tổ chức cung cấp dịch vụ ví điện tử phải có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan đến khách hàng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cũng phải tuân thủ các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử. Thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin và quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet.

Về bảo vệ thông tin cá nhân, các đơn vị cung cấp ví điện tử phải có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin liên quan đến khách hàng theo quy định của pháp luật (quy định tại Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt và Luật an toàn thông tin mạng). Cụ thể, Điểm b và c khoản 1 Điều 17 Luật an toàn thông tin mạng quy định: các tổ chức có trách nhiệm chỉ sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tại Thông tư 23/2019/TT-NHNN, Ngân hàng nhà nước đã quy định nhiều giải pháp để bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng ví điện tử như: tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán và duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản này không được thấp hơn tổng số dư của tất cả các ví điện tử của khách hàng tại cùng một thời điểm - nhằm đảm bảo đủ khả năng thanh toán cho khách hàng và bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Về tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân, bao gồm cả thanh toán và chuyển cho ví khác, không quá 100 triệu đồng trong một tháng. Cụ thể, tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của 1 khách hàng tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (bao gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở) tối đa là 100 triệu đồng Việt Nam trong một tháng.

Quy định này được đưa ra nhằm quản lý tốt hơn hoạt động ví điện tử, tránh việc khách hàng đăng ký mở ví điện tử tràn lan, không thực chất, phù hợp với thực trạng phát triển thị trường ví điện tử tại Việt Nam.

Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải cung cấp công cụ để Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ví điện tử. Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải quy định và thông báo các điều kiện, điều khoản sử dụng dịch vụ cho khách hàng, hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ, các quy định về xử lý tra soát, khiếu nại...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới