Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

ETC: giải pháp 4.0 nhưng triển khai thành… 1.0

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mô hình thu phí tự động không dừng một khi được áp dụng sẽ cho phép xử lý việc thu phí xe trên cao tốc theo thời gian thực (real-time) nhưng thực tế không phải như vậy. Hàng loạt lỗi xảy ra.

Trạm thu phí BOT Long Phước vẫn bị tắc nghẽn tại nhiều thời điểm dù đã chuyển sang thu phí ETC 100% sau ngày 1-8-2022. Ảnh: Minh Hoàng

Sau một tuần áp dụng thu phí tự động không dừng (ETC) hoàn toàn tại 10 tuyến cao tốc trên toàn quốc, tình trạng trục trặc kỹ thuật vẫn chưa hết. Với hiện trạng kỹ thuật hiện tại, nguy cơ ùn ứ xe tại trạm BOT vào vẫn còn hiện hữu và thực tế đã cho thấy điều này với tỷ lệ lỗi trong tuần vận hành đầu tiên lên đến 20%(*).

Đến cuối tuần qua, tại một số thời điểm trạm thu phí cao tốc TPHCM - Dầu Giây còn kẹt xe kéo dài nhiều ki lô mét. Lý do chính là hệ thống thu phí áp dụng mô hình kiểm tra tiền trong tài khoản ETC ngay khi xe vào trạm thay vì chỉ ghi nhận thông tin tem ETC của xe và trừ tiền sau.

Mô hình này đòi hỏi phải xử lý theo thời gian thực (real-time), khi lưu lượng xe tăng cao thì hàng loạt yếu tố kỹ thuật như tem dán trên xe bị lỗi, đường truyền dữ liệu bị trục trặc, kết nối hệ thống quản lý tem ETC (back end) giữa hai nhà cung cấp dịch vụ bị chập chờn, thiết bị đọc tem hoạt động không ổn định là trạm thu phí không thể mở barie cho xe qua.

Cũng do mô hình kỹ thuật này, các trạm BOT phải đưa ra khuyến cáo xe qua làn ETC chỉ được chạy tối đa 30 ki lô mét/giờ để máy đọc tem có đủ thời gian xử lý và mở barie. Việc giảm tốc độ từ 60-80 ki lô mét trên cao tốc xuống mức khá chậm này cũng là nguyên nhân góp phần gây ùn xe và kèm theo đó còn có cả nguy cơ va quẹt.

Từ giành khách đến “hành” khách

Tính đến nay, đã có hai lần hạn chót do Chính phủ đặt ra cho việc áp dụng thu phí không dừng là cuối năm 2019, cuối 2020 trôi qua và đều không thực hiện được. Chỉ đến khi Chính phủ tuyên bố cứng rắn đến cuối tháng 7 năm nay trạm BOT nào không triển khai ETC sẽ buộc xả trạm thì hạn chót lần này mới đạt kết quả.

Có thể thấy thời gian để triển khai thu phí không dừng không phải là ngắn. Đáng tiếc là với một công nghệ 4.0 như ETC thì quá trình triển khai vẫn chỉ ở mức 1.0.

Trong hai năm gần đây, hai nhà cung cấp dịch vụ ETC là Công ty TNHH thu phí tự động (VETC - cung cấp tem thương hiệu eTag) và Công ty cổ phần giao thông số (VDTC - cung cấp tem thương hiệu ePass) chủ yếu chạy đua dán tem ETC, còn các khâu chuẩn bị khác cho đồng bộ dường như không được chú trọng.

Cuộc chạy đua dán tem này đã dẫn đến tình trạng nhân viên của hai công ty VETC và VDTC làm sai quy định để đạt chỉ tiêu bằng mọi giá như tạo tài khoản “ảo”, không yêu cầu hủy tài khoản ETC cũ mà vẫn tạo mới và dán đè lên tem công ty đối thủ, gửi tem đại trà cho khách hàng tự dán sai quy cách.

Hậu quả của cuộc đua này đã tạo ra một số lượng không nhỏ xe có tem nhưng tem bị lỗi kích hoạt không đọc được, tài khoản ETC không đúng tên chủ xe, tài khoản không nạp tiền được và những xe này khi đi vào trạm thu phí sẽ bị chận lại gây kẹt xe.

Điều này thể hiện rõ nhất là khi đến hạn chót lần cuối là ngày 1-8 năm nay, lỗi kỹ thuật vẫn còn khá nhiều dẫn đến tình trạng kẹt xe kéo dài nhiều ki lô mét trong những ngày trước và sau ngày triển khai thu phí không dừng hoàn toàn.

Số liệu ghi nhận ở một số trạm bị ùn tắc BOT như An Sương (quốc lộ 1), các cao tốc TPHCM - Dầu Giây, Hà Nội - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ cho thấy, lỗi chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là tài khoản không hợp lệ, có dán tem nhưng chưa kích hoạt.

Thời đại công nghệ 4.0 nhưng với công ty VDTC - ePass, chủ xe ở khu vực chung quanh TPHCM muốn hủy tài khoản thì phải đi tới 60-70 ki lô mét tới tận Trảng Bom (Đồng Nai) hay cầu Rạch Miễu (Bến Tre) là những nơi VDTC có trạm thu phí. Phiền phức hơn nữa sau khi VDTC tiếp nhận yêu cầu hủy thì khách hàng phải chờ thêm cả tuần mới có kết quả xử lý(**).

Lúc đăng ký mở tài khoản ePass thì hoàn toàn trực tuyến, chỉ cần gởi hình giấy tờ xe qua email hay Zalo cho nhân viên VDTC là xong, đến lúc hủy tài khoản thì bị hành tơi tả. Thế nhưng, điều khó hiểu là cho đến nay VDTC vẫn chưa bị Tổng cục Đường bộ “thổi còi” về kiểu hành xử chèn ép khách hàng như vậy.

Vô lý hơn nữa là trường hợp những chủ xe bị đăng ký “ảo” dù không dùng tem ePass của VDTC muốn hủy cũng phải đến các trạm thu phí nói trên. Việc “hành” chủ xe như vậy chỉ chấm dứt sau khi Tổng cục Đường bộ hôm 28-7 ra quy định, chủ xe có tài khoản ETC “ảo” chỉ cần làm cam kết sẽ được hủy và đổi nhà cung cấp dịch vụ.

Sao không cho trả sau như các dịch vụ khác?

Như đã nói trên, mô hình kỹ thuật dựa trên nguyên tắc phải kiểm tra tiền khi vào trạm đã góp phần gây ùn ứ các làn thu phí ETC vì lỗi tem, lỗi tài khoản, xe qua trạm phải chạy rất chậm. Đây là hạn chế nằm ở tầm nhìn và tư duy dịch vụ của người thiết kế chứ không phải hạn chế về khả năng công nghệ. Nếu ngay từ đầu hệ thống ETC được thiết kế có tính đến phương án trả sau thì tình trạng ùn tắc trong thời gian vừa qua đã không trầm trọng như vậy.

Về mặt công nghệ, việc quản lý khách hàng ETC đơn giản hơn so với khách hàng điện, nước, điện thoại, Internet cả về cách thu tiền lẫn rủi ro từ phía khách hàng. Dịch vụ ETC có hai nhóm khách hàng chính: doanh nghiệp vận tải hàng hoá, hành khách và xe cá nhân.

Với nhóm khách hàng doanh nghiệp, áp dụng mô hình trả sau rất thuận lợi. Nhà cung cấp như VETC hay VDTC ký hợp đồng với doanh nghiệp thì cứ định kỳ đối soát xe qua trạm và số tiền rồi xuất hóa đơn và thu tiền.

Các dịch vụ như điện, nước, Internet, điện thoại… vẫn thu tiền sau một tháng thì ETC sao lại không thể làm như vậy? ETC có thể đặt chu kỳ đối soát thu tiền ngắn hơn, chẳng hạn 10-15 ngày thì doanh nghiệp vẫn chấp nhận được.

Với xe cá nhân, nếu e ngại khó quản lý được như doanh nghiệp thì hãy áp dụng nguyên tắc “thấu chi” một số tiền cố định, chẳng hạn như khoảng 200.000 đồng, đủ cho một lần qua trạm.

Việc chế tài xe thiếu nợ phí ETC trong trường hợp trả sau hoàn toàn nằm trong tay nhà cung cấp dịch vụ. Khi doanh nghiệp hay cá nhân nào cố tình không thanh toán nợ phí, xe của họ sẽ bị từ chối phục vụ không cho qua tất cả trạm BOT trên toàn quốc.

Xa hơn nữa thì cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Giao thông Vận tải có thể áp dụng mô hình như cưỡng chế thu tiền “phạt nguội” hiện nay: Xe thiếu nợ phí ETC bắt buộc phải trả hết nợ mới được cho đăng kiểm.

Doanh nghiệp hay chủ xe sẽ không muốn bị chận lại không cho vào cao tốc hay không thể đăng kiểm xe vì đây là lợi ích thiết thân của họ. Với hệ thống liên thông dữ liệu hiện nay thì việc thông tin “nợ xấu” này hoàn toàn trong tầm tay hai nhà cung cấp dịch vụ VETC và VDTC.

Việc thay đổi mô hình thu phí ETC từ chốt chận đầu vào sang hậu kiểm thu sau sẽ góp phần giải phóng các trạm BOT khỏi việc ùn ứ xe. Khi xe vào trạm, hệ thống chỉ cần đọc tem ETC để ghi nhận dữ liệu của xe, việc tính toán sẽ diễn ra trong thời gian xe đi trên cao tốc và trạm đầu ra sẽ trừ tiền trong tài khoản ETC hay ghi nợ thu sau đối với doanh nghiệp.

Với mô hình trả sau đối với xe của doanh nghiệp hay thấu chi đối với xe cá nhân, xe qua trạm sẽ không cần chạy quá chậm như hiện nay hay bị chận lại vì tài khoản ETC không đủ tiền. Dòng xe lưu thông qua trạm sẽ nhanh, giao thông sẽ thông thoáng hơn.

Điều này đặc biệt cần thiết đối với các tuyến cao tốc có lưu lượng xe rất cao như TPHCM - Dầu Giây (45.000-50.000 xe/ngày), Pháp Vân - Cầu Giẽ (60.000-65.000 xe/ngày) vì lượng xe tăng vọt vào các kỳ lễ Tết, cách thu phí dù hoàn toàn tự động như hiện tại vẫn khó mà đáp ứng xuể.

Mô hình trả sau còn có một ưu điểm nữa là nhà cung cấp dịch vụ có thể trừ tiền trực tiếp từ ví điện tử, thẻ ngân hàng hay thẻ tín dụng của chủ tài khoản ETC dễ dàng, tương tự như các dịch vụ xe công nghệ Grab, Gojek đang làm. Các chuyên gia của Bộ Giao thông Vận tải và hai nhà cung cấp dịch vụ sẽ không phải than thở khó làm vì “chỉ có 0,2 giây để tính tiền xe qua trạm” như bây giờ.

------------

(*) https://www.baogiaothong.vn/hon-83000-loi-ngay-dau-chi-co-thu-phi-khong-dung-tren-cao-toc-d561301.html

(**) https://thesaigontimes.vn/tai-khoan-etc-dang-ky-de-nhung-huy-kho/

4 BÌNH LUẬN

  1. ETC là một ví dụ cho thấy năng lực triển khai các giải pháp vận hành công nghệ của ta rất tệ. Đây chỉ là công nghệ cũ mà thế giới đã làm từ lâu chứ không phải mới quá đến nỗi không tiếp thu được. Mọi chuyện rắc rối đều bắt đầu từ cung cách quản lý giao thông theo kiểu “cao tốc ao làng” mà ra. Bài học về tương quan giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, ai ai cũng biết nhưng chả ai làm đúng bài cả.

  2. Bài báo đã phân tích khá rõ các hạn chế của các công ty dịch vụ thu phí. Các giải pháp cũng rất đáng để các công ty và cơ quan chức năng làm theo.
    Ngoài ra tôi thấy, theo tôi mục đích của các công ty chỉ nhắm đến lợi ích của việc “tạm thời chiếm dụng” số tiền trong tài khoản của các chủ xe. Đây có lẽ là nguyên nhân chính mà các công ty thu phí không nghiên cứu toàn diện và tổng thể trong đó có bao gồm việc cho chủ xe trả sau.

  3. Bài bao phan tích chính xác! Tư duy và cách thực hiện chỉ 1.0 trong thời buổi 4.0. Không có phương án dự phòng cho những trường hợp lỗi (chắc chắn sẽ sảy ra khi thực hiện lần đầu) làm Cả xã hội và khách hàng phải chịu trận kẹt xe và mất thời gian chờ đợi mà vẫn phải trả tiền cho “dịch vụ cao tốc”

  4. Một công nghệ thế giới áp dụng từ rất lâu về Việt Nam vẫn không hoạt động được? Ai phải chịu trách nhiệm? Ai phải từ chức? Quá yếu kém, đó là tại sao mà đất nước bị trì trệ, không những giao thông mà nhiều lĩnh vực khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới