(KTSG Online) - Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), đang đề xuất các thẩm quyền mới cho phép ủy ban này buộc các công ty phải ưu tiên thực hiện đơn đặt hàng trong khối vào những thời kỳ xảy ra khủng hoảng chuỗi cung ứng, nếu không, họ sẽ bị phạt tiền.
- Các hãng nội thất châu Âu ‘đau đầu’ ứng phó khủng hoảng chuỗi cung ứng
- Sản lượng container đạt kỷ lục nhưng vẫn không thể giải quyết cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng
Theo một tài liệu dự thảo của EC, có tên gọi “Kế hoạch về công cụ khẩn cấp cho thị trường đơn nhất châu Âu”, trong những trường hợp đặc biệt, EC có thể yêu cầu các công ty ở EU phải đáp ứng đơn đặt mua các hàng hóa liên quan đến khủng hoảng được xếp hạng ưu tiên như vậy của các nước trong khối. Nếu không, họ có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 1,5% doanh thu trung bình hàng ngày trong năm kinh doanh trước cho mỗi ngày không tuân thủ yêu cầu.
EC sẽ công bố dự thảo trên giữa tháng 9. Chín quốc gia EU, bao gồm Bỉ, Đan Mạch và Hà Lan, đã cảnh báo khi đề xuất đang được soạn thảo rằng yêu cầu đó có thể vượt qua thẩm quyền của khối.
Kế hoạch về công cụ khẩn cấp cho thị trường đơn nhất châu Âu sẽ cung cấp cho EC nhiều quyền lực hơn để can thiệp vào chuỗi cung ứng của EU trong một cuộc khủng hoảng. Được thúc đẩy bởi tình trạng hỗn loạn chuỗi cung ứng ban đầu do đại dịch Covid-19 gây ra, kế hoạch mới của EU có những điểm giống như đạo luật sản xuất quốc phòng của Mỹ.
EC nhận định các cuộc khủng hoảng gần đây như đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã cho thấy thị trường đơn nhất châu Âu dễ tổn thương như thế nào.
Theo EC, công cụ can thiệp thị trường như vậy sẽ trở nên quan trọng hơn trong các tình huống khẩn cấp có thể dự báo bao gồm “bất ổn địa chính trị, biến đổi khí hậu và thảm họa tự nhiên, mất đa dạng sinh học và bất ổn kinh tế toàn cầu”.
“Hoạt động của thị trường đơn nhất châu Âu cần được đảm bảo trong trường hợp khẩn cấp”, EC nhấn mạnh.
EC đã đưa ra ý tưởng tương tự khi đề xuất đạo luật chip của EU vào đầu năm nay để giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn tiềm ẩn.
Giám sát chặt chẽ hơn các chuỗi cung ứng sẽ là một phần chính trong kế hoạch của EU. Theo tài liệu dự thảo của EC, cả EC và các nước EU sẽ liên tục kiểm tra các chuỗi cung ứng chiến lược để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Dự thảo khẳng định EU sẽ bảo vệ bí mật những thông tin nhạy cảm về mặt thương mại.
Theo dự thảo, EC không chỉ có quyền phạt các công ty không ưu tiên các đơn đặt hàng trong nội bộ EU, mà còn có thể phạt các công ty “cố ý hoặc do sơ suất nghiêm trọng” cung cấp thông tin không chính xác hoặc gây hiểu nhầm. Tiền phạt vì không cung cấp thông tin đúng không vượt quá 300.000 euro.
Các nước EU cũng có thể được yêu cầu dự trữ một số mặt hàng nếu “chế độ cảnh giác” được kích hoạt. EC, hoặc 14 nước thành viên EU, có thể buộc một nước thành viên EU làm như vậy nếu những nỗ lực của nước đó trong việc đáp ứng mục tiêu dự trữ tự nguyện là không đầy đủ để đảm bảo cho sự chuẩn bị ứng phó tình huống khẩn cấp tiềm năng của thị trường đơn nhất châu Âu.
EC, cơ quan đảm nhận vai trò dẫn đầu trong việc mua vaccine trong đại dịch Covid, sẽ được phép đàm phán mua hàng hóa liên quan đến khủng hoảng nếu ít nhất hai nước thành viên EU yêu cầu. Các nước EU tham gia mua chung không được phép mua riêng các mặt hàng này.
EC cũng muốn có thêm thẩm quyền để ngăn chặn các quyết định đóng cửa biên giới trong nội bộ EU và các lệnh cấm xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu như đã xảy ra trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19, khi các nước như Đức và Pháp cắt nguồn cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân và khu vực miễn thị thực Schengen của 26 nước châu Âu liên tục đóng cửa.
EC viết trong dự thảo rằng các nước EU chỉ nên hạn chế việc di chuyển tự do của người dân nếu không có các lựa chọn thay thế. Những hạn chế này phải “dựa trên bằng chứng” và có thời hạn.
Các nước EU cũng không được phép ban hành các quy tắc đi lại thoải mái hơn cho các nước láng giềng hoặc làm cho việc đi lại trở nên phức tạp không cần thiết đối với người lao động trong trường hợp khẩn cấp.
Tương tự, các nước EU cũng không được áp đặt bất kỳ hạn chế xuất khẩu trong EU đối với bất kỳ “hàng hóa liên quan đến khủng hoảng” nào. EC sẽ có thể buộc một nước EU dỡ bỏ bất kỳ biện pháp nào ảnh hưởng đến việc di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ hoặc con người nếu họ không tuân thủ luật của EU.
Theo Bloomberg