(KTSG Online) – Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách gần nhất, nhưng báo hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới nếu lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt một cách thuyết phục.
- Fed có thể phải đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái để chiến thắng lạm phát
- Vì sao kinh tế Mỹ chưa xuất hiện dấu hiệu suy thoái
Hôm 14-6, Ủy ban thị trường liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thông báo giữ nguyên biên độ lãi suất 5-5,25% hiện tại. Đây là lần đầu tiên, Fed không tăng lãi suất kể từ tháng 3-2022.
“Việc giữ nguyên biên độ lãi suất hiện tại tại cuộc họp này cho phép FOMC đánh giá các thông tin (lạm phát) tiếp theo và ý nghĩa của chúng đối với chính sách tiền tệ”, FOMC cho biết trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, các quan chức Fed báo hiệu họ sẽ tăng lãi suất ít nhất thêm 0,5 điểm phần trăm trong những tháng cuối năm nay.
Trong số 18 nhà hoạch định chính sách của FOMC, 12 người dự kiến lãi suất trong năm nay sẽ ở mức trung bình 5,5-5,75% hoặc cao hơn trong năm nay. Điều này có nghĩa là Fed có thể thực hiện ít nhất hai đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm nữa hoặc một đợt tăng 0,5 điểm phần trăm trước cuối năm nay.
“Áp lực lạm phát tiếp tục tăng cao và quá trình đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% còn một chặng đường dài phía trước”, Chủ tịch Fed, Jerome Powell nói tại cuộc họp báo ở Washington.
Dù vậy, các quyết định trong cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed còn tùy thuộc vào các báo cáo lạm phát trong thời gian tới. Nhưng giới đầu tư đang đối mặt một hiện thực mới: Fed có thể chưa cắt giảm lãi suất sớm. Chủ tịch Fed, Jerome Powell dự báo biên độ lãi suất vào cuối năm 2024 là 4,5-4,75%.
David Russell, Phó chủ tịch của TradeStation, nhận định: “Với thị trường lao động mạnh mẽ, Fed thấy cần phải hành động hơn nữa đè bẹp lạm phát và họ không muốn bỏ lỡ cơ hội này. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Fed tạm dừng tăng lãi suất để họ có thể theo dõi dữ liệu. Điều này làm tăng tầm quan trọng của mỗi báo cáo kinh tế trong thời gian tới”.
Russell dự báo nếu dữ liệu lạm phát tiếp tục cải thiện, Fed có thể thay đổi giọng điệu vào cuối năm nay.
Trong lịch sử, trong một chu kỳ thắt chặt tiền tệ, Fed thường tăng lãi suất đến mức khiến thị trường việc làm rạn nứt, đẩy nền kinh tế vào suy thoái, buộc Fed nhanh chóng đảo ngược tiến trình và cắt giảm lãi suất mạnh. Các nhà đầu tư từng kỳ vọng mô hình này sẽ diễn ra trong năm nay. Hồi tháng 3, ngay sau khi hai ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank sụp đổ, thị trường của các hợp đồng lãi suất tương lai báo hiệu rằng Fed sẽ hạ lãi suất xuống phạm vi 3,75 -4%, hoặc thấp hơn vào cuối năm nay. Nhưng hiện tại, kịch bản đó gần như chắc chắn không thành hiện thực.
Dù thị trường việc làm của Mỹ đã hạ nhiệt một chút, nhưng vẫn có vẻ còn khá mạnh mẽ, với tỷ lệ thất nghiệp thấp và nhiều vị trí việc làm đang chờ được lấp đầy. Trong tháng 5, doanh nghiệp Mỹ tuyển dụng thêm 339.000 việc, trong khi cơ hội việc làm vẫn ở mức cao.
Lạm phát đã chậm lại so mức cao nhất của năm ngoái nhưng vẫn còn cao. Trong tháng 4, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát mà Fed chú trọng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chừng nào thị trường việc làm còn sôi động, ngay cả khi lạm phát hạ nhiệt đáng kể, các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ không thấy có ích gì trong việc cắt giảm lãi suất. Giờ đây, các hợp đồng tương lai lãi suất gợi ý rằng biên độ lãi suất mục tiêu của Fed vào cuối năm sẽ ở quanh mức hiện tại.
Sự thay đổi kỳ vọng đó cũng có ảnh hưởng đến lãi suất dài hạn. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, gần đây đã tăng nhanh hơn lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 tháng. Trên thực tế, nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt và thị trường việc làm vẫn ở trạng thái tốt, xu hướng lãi suất trái phiếu dài hạn tăng nhanh hơn trái phiếu ngắn hạn sẽ tiếp tục duy trì, thậm chí có thể dẫn đến điểm mà lợi tức dài hạn cao hơn lợi tức ngắn hạn. Đó là vì nền kinh tế Mỹ tránh được suy thoái. Tất nhiên, đây là tin tốt cho nền kinh tế, nhưng đối với các nhà đầu tư, việc bị mắc kẹt trong chế độ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn sẽ khiến họ gặp khó khăn hơn trong kinh doanh.
Theo WSJ, Bloomberg