(KTSG Online) – Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất nhưng phát tín hiệu sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ, sớm nhất là vào tháng 9 tới. Chứng khoán Mỹ và vàng cùng tăng giá mạnh khi nhà đầu tư lạc quan với triển vọng này.
- Thất nghiệp của Mỹ tăng cao, củng cố triển vọng Fed giảm lãi suất
- Những đồng tiền của châu Á được hưởng lợi khi Fed giảm lãi suất
Kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày, hôm 31-7, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed thông báo giữ nguyên biên độ lãi suất 5,25-5%. Fed đã duy trì biên độ lãi suất này trong suốt một năm qua để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, FOMC cho biết lạm phát hiện “phần nào còn cao”, thay vì “còn cao” như các tuyên bố trong các cuộc họp trước đây.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed, Jerome Powell ghi nhận, nền kinh tế đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc đưa lạm phát về mục tiêu 2%.
“Cảm nhận chung của FOMC là nền kinh tế đang tiến gần hơn đến điểm phù hợp để giảm lãi suất chính sách”, ông nói.
Tuy nhiên, ông lưu ý, việc giảm lãi suất chỉ diễn ra nếu dữ liệu tổng thể sắp tới cho thấy niềm tin ngày càng tăng về tiến bộ lạm phát và thị trường lao động vững chắc. “Nếu đánh giá này được đáp ứng, quyết định giảm lãi suất chính sách có thể được đưa ra ngay trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 9”, ông nói.
Người đứng đầu Fed ghi nhận, chỉ số chi tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã giảm đáng kể từ mức đỉnh 5,6% vào năm 2022 xuống còn 2,6% hiện nay. Ông nói thêm, thị trường việc làm vẫn mạnh nhưng không quá nóng.
Các nhà đầu tư đã định giá đầy đủ về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed vào tháng 9. Quyết định duy trì lãi suất của Fed được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Viện Nghiên cứu ADP công bố báo cáo cho thấy, thị trường việc làm Mỹ tiếp tục hạ nhiệt, giúp giảm áp lực lạm phát trong nền kinh tế.
Theo đó, trong tháng 7, việc làm ở khu vực tư nhân tăng 122.000, chậm lại so với 155.000 vào tháng trước. Con số này cũng thấp hơn mức tăng 150.000 mà các nhà kinh tế dự kiến.
Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng của Pantheon Macroeconomics, nhận xét Fed có thể hành động chậm trễ. “Quan điểm của chúng tôi là Fed đang quá chậm để nhận ra thị trường lao động đang hạ nhiệt và lạm phát cao là vấn đề của ngày hôm qua”, ông nói
Shepherdson dự báo, Fed có thể sẽ tăng tốc độ cắt giảm lãi suất nhanh hơn nhiều so với dự đoán của thị trường nếu dữ liệu thị trường lao động tiếp tục suy yếu và lạm phát vẫn ở mức lành tính.
“Fed đã sử dụng tuyên bố hôm nay để chuẩn bị cho thị trường những đợt giảm lãi suất sắp tới. Khi lạm phát được cải thiện và tỷ lệ thất nghiệp tăng, Fed có thể giảm lãi suất nhưng vẫn giữ lãi suất danh nghĩa cao hơn lạm phát”, Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng của LPL Financial bình luận.
Theo William Dudley, cựu Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực New York, những thay đổi trong tuyên bố của FOMC và thông điệp từ cuộc họp báo của ông Powell về cơ bản báo hiệu Fed giảm lãi suất vào tháng 9 trừ khi triển vọng kinh tế thay đổi đáng kể.
Fed quyết tâm giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế. Nhưng ông Powell cũng nhấn mạnh sự cân bằng mong manh giữa việc cắt giảm lãi suất quá sớm, có thể khiến lạm phát tăng trở lại, và cắt giảm lãi suất quá muộn.
Tuy nhiên, triển vọng giảm lãi suất vào tháng 9 không phải là điều chắc chắn. Các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn cảnh giác với rủi ro đà giảm tốc độ lạm phát sẽ chững lại như hồi đầu năm. Ông Powell nói, ông có thể mường tượng ra kịch bản lãi suất cắt giảm nhiều đợt hoặc không giảm trong thời gian còn lại của năm, tùy thuộc vào diễn biến của nền kinh tế.
Chứng khoán Mỹ phản ứng tích cực sau cuộc họp của Fed. Chốt phiên giao dịch hôm qua, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 1,58% và 2,64%. Cả hai chỉ số này đều tăng mạnh nhất kể từ tháng 2. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12 ở thị trường New York tăng 0,9%, lên 2.473 đô la Mỹ/ounce, vượt qua mức giá đóng cửa cao kỷ lục 2.467 đô la/ounce được thiết lập hôm 16-7.
Theo Telegraph, Reuters