Thứ Sáu, 18/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Fomo, Romo, Jomo và Yolo 

Lê Hữu Huy Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Xuân) - “Vấn đề đặt ra là làm thế nào để duy trì sự tập trung trong một thế giới đầy sự lựa chọn và cám dỗ. Chúng ta liên tục bị tấn công bởi những lời mời, theo nghĩa rộng nhất của từ này, thông qua mọi thứ, từ quảng cáo trên đường phố đến phương tiện truyền thông xã hội. Chúng ta liên tục được mời làm điều gì đó, suy nghĩ điều gì đó, trải nghiệm điều gì đó, mua thứ gì đó, tiêu dùng thứ gì đó.

Cuộc đua tranh để giành lấy sự chú ý của chúng ta rất khốc liệt và khi bị ngập tràn bởi lượng thông tin quá lớn, đôi khi chúng ta không phân biệt được điều gì quan trọng với điều gì không quan trọng. Phần lớn cuộc đời của chúng ta giờ đây dành để rèn luyện bản thân, bằng cách này hay cách khác, để trải nghiệm nhiều nhất có thể.

Là một loài sinh vật, chúng ta đã tạo ra một xã hội với cảnh quan văn hóa, một thị trường sinh thái, dựa trên những lời mời gọi, cám dỗ, lựa chọn và đề nghị đặc biệt, nhưng chúng ta hiếm khi thực hành nghệ thuật tự kiềm chế, nói không và từ chối”.

Những vũ điệu vần “O”

Ở trên là nhận định của giáo sư tâm lý học người Đan Mạch Svend Brinkmann trong phần giới thiệu quyển sách của ông mang tên The Joy of Missing Out (viết tắt là JOMO, tạm dịch: Niềm vui khi bỏ lỡ) được xuất bản bằng tiếng Đan Mạch vào năm 2017 và dịch sang tiếng Anh hai năm sau đó.

Năm chiều kích trong lý luận về JOMO

(*)“Purity of heart is to will one thing”
Nguồn: The Joy of Missing Out, Svend Brinkmann, Polity Press, 2019

JOMO là một cách chơi chữ có vần điệu làm phản đề cho FOMO, viết tắt của The Fear of Missing Out (tạm dịch: Nỗi sợ khi bỏ lỡ) - một thuật ngữ mạng phổ biến thường gắn với hình ảnh một người phụ nữ nhìn chằm chằm vào máy tính xách tay, khuôn mặt được màn hình chiếu sáng lên khi cô lướt qua các mạng xã hội.

Theo Giáo sư Brinkmann, nhiều người cho rằng cuộc sống này rất ngắn ngủi nên chúng ta phải nhìn thấy, thực hiện và trải nghiệm mọi thứ càng nhiều càng tốt - ngay bây giờ và trước khi quá muộn. Lối suy nghĩ này cũng dễ bắt gặp trên các hình xăm của giới trẻ phương Tây với thành ngữ Latinh Carpe diem (Nắm lấy ngày hôm nay) hay YOLO (You Only Live Once - Bạn chỉ sống có một lần) đã và đang bị lạm dụng trên các phương tiện truyền thông xã hội. Con người chúng ta luôn nói với nhau rằng tốt nhất là làm điều gì đó mà chúng ta có thể hối tiếc vì đã không làm. Hậu quả là chúng ta luôn sống trong tình trạng FOMO với nỗi sợ triền miên phải bỏ lỡ thứ gì đó. Với việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội một cách thụ động, con người đã bị mắc hội chứng FOMO, tức là luôn ở trong trạng thái bị ép buộc phải so sánh bản thân mình với người khác.

Nhưng rồi nỗi sợ mà tác giả Brinkmann chia sẻ trong quyển sách của ông có lẽ đã biến mất với nhiều người trong chúng ta khi đại dịch Covid-19 khởi phát từ gần hai năm nay. Giờ đây, nhân loại phải đối diện với một sự thật nghiệt ngã mà nữ biên tập viên Sarah Green Carmichael của hãng tin Bloomberg gọi là The Reality of Missing Out (Thực tế khi bỏ lỡ), viết tắt là ROMO. Nói về cảm nhận trong thời gian phong tỏa do dịch Covid-19, bà Carmichael cho rằng chúng ta đã không còn FOMO bởi chúng ta biết rằng không còn ai khác có thể vui vẻ, ở bất cứ đâu, với bất kỳ ai. Việc chia sẻ trên mạng xã hội những bức ảnh về kỳ nghỉ và buổi hòa nhạc được người ta sử dụng để dung dưỡng FOMO đã bốc hơi. Những gì chúng ta có bây giờ là một cái gì đó rất khác. Không phải FOMO, mà là ROMO.

Với ROMO, những câu hỏi trước đây đại loại như: “Cuộc sống của tôi có nhàm chán không?” đã được thay thế bằng những cái mới và lớn hơn: Có an toàn khi ra ngoài mua sắm không? Tôi có bị mất việc làm không? Liệu những người tôi thương yêu có nguy cơ tử vong không? Và khi nào những điều này sẽ kết thúc?

“Chúng ta không nhất thiết phải vật lộn với cuộc sống và chống lại hoàn cảnh của mình mọi lúc. Đúng, chúng ta nên chống lại kẻ thù; chúng ta nên chống lại bệnh tật và những kẻ đã cướp mất niềm vui của chúng ta nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chiến đấu và vật lộn từng giờ từng phút”.

Mục sư Joel Osteen

Độc giả ở quê nhà và bạn bè thân hữu gần xa của tôi chắc hẳn đã không thoát khỏi những cung bậc cảm xúc thăng trầm khác nhau trong những vũ điệu có vần “O” nói trên trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 suốt hai năm qua. Với riêng tôi, điều may mắn là dẫu có nhiều nỗi mất mát không đo đếm được trong hoàn cảnh tha hương nơi đất khách quê người, tôi đã tìm được những phương cách để tồn tại và phát triển cho bản thân. Và JOMO là một trong những phát hiện của tôi trên hành trình đầy cô đơn đó.

Tận hưởng niềm vui tìm lại được

Quả là trớ trêu nhưng cũng thú vị khi thời gian bó buộc trên đảo Sư tử trong hoàn cảnh đại dịch đã giúp tôi tận hưởng niềm vui tìm lại được những gì mà mình đã từng “bỏ lỡ”, tức là chưa thấy hay cảm nhận trọn vẹn. Những giây phút lang thang ở vùng dân cư Tanjong Pagar và khu tài chính Raffles Place giúp tôi nhớ lại những kỷ niệm xưa khi mới chân ướt chân ráo đến Singapore cách đây hai mươi lăm năm. Gần đó là phố Tàu và tôi lại khám phá nhiều địa chỉ ẩm thực, nhiều hàng quán hay món ăn mà tôi chưa trải nghiệm với giá cả bình dân nhưng chất lượng không thua kém nhà hàng 5 sao.

Thăm thú các ngõ ngách trong khu dân cư gần căn hộ mình đang ở, tôi mới phát hiện ra cái đường ray xe lửa trước đây nay đã thành con đường dành riêng cho người đi bộ hay đạp xe thư giãn. Trên đường từ nhà tôi đến siêu thị Sheng Siong có vài cây mít hay sapôchê sai trái mà không ai dám hái vì luật không cho phép mà bây giờ tôi mới để ý thấy. Thỉnh thoảng tôi lại được ngắm nhìn những chú sóc chạy nhảy trên hàng cây ven đường, những chú mèo béo múp nằm dọc theo hành lang các khu nhà chung cư được chủ nuôi bằng đồ hộp nhìn thấy chuột chạy loanh quanh mà chẳng có phản ứng gì.

Rồi có một hôm tôi bắt gặp một con mèo có thân hình thon gọn và cái đuôi rất dài đi loanh quanh sân vận động nơi tôi chạy bộ mỗi ngày, sau này tôi mới biết đó là con cầy hương (civet). Thật hay vì một loài thú quý hiếm vậy mà vẫn có thể sinh tồn trên một đảo quốc có mức độ đô thị hóa cao nhất nhì thế giới.

Một niềm vui khác mà tôi đã “bỏ lỡ” là thú đọc sách trong tâm trạng thư thả và thoải mái mà không bị áp lực về thời gian khi bận bịu với công việc kinh doanh và những chuyến công tác nước ngoài thường xuyên như trước đây. Đại dịch đã cho tôi thời gian đọc hết những quyển sách mình đã mua trước khi Covid-19 diễn ra. Tôi lại có dịp đọc lại những quyển sách mà giờ đây thấy cảm nhận của bản thân dưới tư cách một độc giả đã khác trước hoặc có những ý tưởng hay lời khuyên của tác giả mà tôi chưa hiểu thấu đáo hay hoàn toàn trân trọng.

Một trong số đó là Become a better you, 7 keys to improving your life every day của mục sư Tin lành Joel Osteen. Trong chương 20 có tựa đề: Embrace the place where you are (Chấp nhận nơi bạn đang sống), tác giả viết: “Chúng ta tạo ra nhiều bất hạnh và thất vọng cho chính mình bằng cách liên tục chống lại và vật lộn với các tình huống và hoàn cảnh xảy ra trong cuộc sống của chúng ta”. Joel Osteen nêu một câu hỏi mà con người khi không hài lòng điều gì đó thường thốt lên: “Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?”. Ông khuyên độc giả hãy học cách thư giãn và chấp nhận nơi mình đang ở mặc dù bây giờ có thể không phải là một nơi tuyệt vời. “Chúng ta không nhất thiết phải vật lộn với cuộc sống và chống lại hoàn cảnh của mình mọi lúc.

Đúng, chúng ta nên chống lại kẻ thù; chúng ta nên chống lại bệnh tật và những kẻ đã cướp mất niềm vui của chúng ta nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chiến đấu và vật lộn từng giờ từng phút”. Theo Joel Osteen, mọi thứ có thể không hoàn hảo trong cuộc sống, nhưng nếu không học cách hạnh phúc nơi chúng ta đang ở, chúng ta sẽ không bao giờ đến được đích mà mình muốn đến.

Nếu như cuộc sống này là một phép lạ, tôi tin rằng đại dịch Covid-19 rồi sẽ đến hồi kết. Nhưng cho dù đại dịch này có chấm dứt hay không thì hạnh phúc của con người sẽ tùy thuộc vào cách mà chúng ta hành xử và đối đãi với nhau và với bản thân trong mọi tình huống.

Dù sao thì cuộc sống của tôi ở Singapore sau khi đại dịch Covid-19 khởi phát một thời gian cũng trở nên trật tự và ngăn nắp và tôi đã hình thành những thói quen tốt để đảm bảo có sức khỏe và làm việc hiệu quả. Mặc dù không đến mức rập khuôn thành công thức máy móc như cách nói của nhà thơ người Anh William Blake: “Think in the morning. Act in the afternoon. Eat in the evening. Sleep in the night” (Sáng nghĩ. Trưa làm. Tối ăn. Khuya ngủ), trong lòng tôi cũng bắt đầu phát sinh nỗi sợ rằng cuộc sống của mình có nguy cơ lặp đi lặp lại đơn điệu thường ngày. Những chuyện tôi đang làm dường như đang trở thành những nốt nhạc được sắp xếp trong giai điệu của những bài hát có điệp khúc bắt đầu nhàm chán.

Thật vậy, lắm lúc tôi cảm thấy cuộc sống của mình ở Singapore có phần vô vị vì chẳng được đi đây đi đó và đánh mất đi quá nhiều thứ tôi đã “sở hữu” trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra. Có những buổi sáng thức dậy mở mắt nhìn ánh sáng và tia nắng xuyên qua cửa sổ phòng ngủ trong căn hộ tầng thứ 17, tôi tự hỏi mình là ai và đang làm gì. Tôi tự hỏi phải chăng đại dịch Covid-19 này là ảo còn những gì diễn ra trong giấc mơ đẹp đêm qua mới là thực.

May mắn là suy nghĩ tích cực và việc phát hiện ra nhiều điều mà mình đã bỏ lỡ ngay tại nơi mình đang sinh sống và làm việc giúp tôi có thêm năng lượng và động lực. Và có lẽ tôi sẽ hạnh phúc hơn khi thực hành lời khuyên của mục sư Joel Osteen rằng mỗi buổi sáng chúng ta nên thức dậy với lòng nhiệt huyết, hào hứng với ngày đó. Chúng ta nên biết ơn vì chúng ta còn sống sót, biết ơn những cơ hội ở phía trước, biết ơn những người xung quanh trong cuộc sống của chúng ta.

Trong hai năm qua, toàn thế giới đã có hơn năm triệu người chết vì Covid-19 và cả nhân loại đã và đang sống trong hoàn cảnh đau khổ về tinh thần và vật chất do hậu quả của đại dịch. Với sự trân trọng và lòng biết ơn, tôi bắt đầu cảm thấy cuộc sống này là một phép lạ. Mỗi ngày nơi đất khách quê người lặng lẽ đến rồi đi nhưng dù sao tôi phải cố gắng tạo nên khác biệt và có ý nghĩa.

Đại dịch đã cho tôi học hỏi nhiều hơn, làm được nhiều việc hơn, viết được nhiều bài báo có nhiều hàm lượng chất xám. Tôi đã có nhiều thời gian dành cho gia đình nhỏ của tôi ở Singapore và ít nhiều đạt được sự cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống. Dù sao cảm giác bản thân chưa thành đạt ở độ tuổi ngoài năm mươi cũng là điều tốt và tôi sẽ hạnh phúc khi thấy mình trưởng thành hơn nhờ đại dịch sau khi vượt qua những nỗi sợ kiểu FOMO, đối diện với những thực tế nghiệt ngã như ROMO, tận hưởng những niềm vui theo triết lý JOMO và hành động tích cực trên tinh thần YOLO.

Một đời người không đủ dài cho tất cả những điều chúng ta muốn hoàn thành, và có lẽ tất cả những gì chúng ta có thể làm là ưu tiên cho những gì mà chúng ta thấy là quan trọng. Nếu như cuộc sống này là một phép lạ, tôi tin rằng đại dịch Covid-19 rồi sẽ đến hồi kết. Nhưng cho dù đại dịch này có chấm dứt hay không thì hạnh phúc của con người sẽ tùy thuộc vào cách mà chúng ta hành xử và đối đãi với nhau và với bản thân trong mọi tình huống.

Tôi sẽ luôn ấp ủ giấc mơ về những điều chưa làm được, chấp nhận thực tại, tìm niềm vui trong những điều nhỏ bé nhất.

2 BÌNH LUẬN

  1. Tôi muốn lựa chọn thêm: SOSO: Sage Opinion/ Simple Operation (Tư duy sâu sắc/ Sống đời đơn giản). Đó là công thức để con người trưởng thành trong mọi hoàn cảnh, không chỉ hữu ích cho mình mà cả cho xã hội. Một khi tự tách mình ra khỏi thế giới xung quanh với kỳ vọng trở thành một ngôi sao nào đó, cũng chính là lúc chúng ta tự cô lập và đánh bại chính mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới