Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

FTX – sàn giao dịch xây trên cát

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thế giới tiền mã hóa liên tục xảy ra các vụ sụp đổ, gây chấn động thị trường, gần đây nhất là vụ sàn giao dịch FTX phá sản, đốt cháy tiền tỉ của nhiều người.

Để mua bán các loại tiền mã hóa như bitcoin, ether hay dogecoin, người ta cần vào các sàn giao dịch tiền mã hóa mở tài khoản và nạp tiền thật như đô la Mỹ, euro hay bảng Anh rồi mới bắt đầu mua bán. FTX là một sàn như thế, được thành lập năm 2019; đầu năm nay được thị trường định giá đến 32 tỉ đô la Mỹ. Sự phát triển nhanh chóng của FTX chủ yếu nhờ quảng cáo; sàn giao dịch này chi mạnh tay cho các nhân vật nổi tiếng như cầu thủ, diễn viên, ca sĩ để “khuyên” mọi người muốn tham gia “chơi” tiền mã hóa thì địa chỉ đầu tiên cần đến là FTX. Họ thậm chí còn thuê diễn viên hài nổi tiếng quảng bá cho FTX trên một quảng cáo đắt tiền phát giữa các trận đấu Super Bowl.

Người sáng lập FTX, Sam Bankman-Fried cũng tận dụng mọi cơ hội để làm mọi người mỗi khi bàn đến tiền mã hóa thì gắn kết với sàn giao dịch FTX qua mạng xã hội và hoạt động vận động hành lang tại Quốc hội Mỹ. Điều đặc biệt, chiến lược của anh này là nói ngược với thế giới tiền mã hóa - họ muốn tháo bỏ mọi ràng buộc quản lý nhà nước thì Bankman-Fried kêu gọi Chính phủ Mỹ phải nhanh chóng nhảy vào thị trường tiền mã hóa, đặt ra những luật lệ nhằm ổn định thị trường một cách lâu dài.

Lúc đồng tiền mã hóa TerraUSD, một loại tiền neo giá vào đô la Mỹ bị sụp đổ, người nắm giữ đồng tiền này và đồng luna mất tổng cộng 42 tỉ đô la, Bankman-Fried lại là người đứng ra giải cứu một số công ty phát hành tiền mã hóa bị liên lụy, lúc đó được xem như một nhân vật cứu rỗi tiền mã hóa. Thế nhưng chính anh ta và FTX mới là nơi cần được cứu rỗi vì một mô hình kinh doanh đầy thủ thuật, dùng “mỡ nó rán chính nó”, trước sau gì cũng rơi vào chỗ sụp đổ.

Người chơi tham gia sàn giao dịch FTX chuyển tiền vào để mua tiền mã hóa, nếu FTX cứ để nguyên tiền của họ, chỉ ăn hoa hồng thì đã không có chuyện gì xảy ra. Đằng này FTX lấy tiền của khách đem cho vay, dưới dạng một loại tiền mã hóa do chính họ phát hành, dưới tên gọi FTT. Nếu cho các nhà đầu tư vay tuy có rủi ro nhưng không thể một sớm một chiều mất trắng. Bankman-Fried lại thành lập một công ty mang tên Alameda và FTX rót tiền cho Alameda vay vô tội vạ. Hai bên neo giữ vào nhau qua đồng FTT mà giá trị không có gì bảo đảm.

Mối quan hệ phức tạp giữa FTX và Alameda của cùng một con người thành lập bị tờ báo chuyên về tiền mã hóa CoinDesk phanh phui. Mấy ngày sau, Changpeng Zhao là CEO của Binance, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới tuyên bố sẽ bán toàn bộ tiền mã hóa FTT trị giá 580 triệu đô la để quản lý rủi ro. Có thể Zhao lo ngại cho giá trị đồng tiền mã hóa do FTX phát hành nhưng cũng có thể Zhao đang trả đũa Bankman-Fried do không đồng ý cách anh này “lobby” chính phủ quản lý tiền mã hóa. Chính trong tuyên bố bán, Zhao nói anh ta không “ủng hộ người vận động chống lại người cùng ngành sau lưng họ”.

Thấy Binance bán FTT, người khác cũng bán theo và bắt đầu rút tiền ra khỏi FTX. Giá trị đồng tiền mã hóa FTT suy sụp, bay mất 90% giá trị, Alameda rúng động, FTX chao đảo - tất cả như những tòa lâu đài xây trên cát, chỉ cần một góc bị sụp, tất cả sụp đổ theo. Ngày đầu tiên, khách hàng của FTX đã rút ra 4 tỉ đô la; hôm sau con số đăng ký để rút ra vọt lên 6 tỉ đô la nhưng FTX không thể chi trả. Các đồng tiền giao dịch trên FTX bị ảnh hưởng lây, giá bitcoin sụt thê thảm. Các động thái như Binance tuyên bố sẽ mua lại FTX rồi sau đó rút lời chỉ là những tình tiết làm câu chuyện thêm gay cấn.

Cuối cùng FTX nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào thứ Sáu, ngày 11-11-2022, kể cả Alameda và 130 công ty con khác; Bankman-Fried từ chức. Người nào giao tiền cho FTX để mua tiền mã hóa có thể mất trắng, trong đó có cả các quỹ đầu tư lớn, quỹ hưu trí, thậm chí cả quỹ Temasek của Singapore nữa. Ủy ban Chứng khoán Mỹ đang điều tra FTX về các hoạt động và sản phẩm cho vay, cách thức quản lý quỹ đầu tư của khách hàng.

Có thể thấy phong trào đa dạng hóa danh mục đầu tư để có thêm các loại tiền mã hóa như một cách bắt kịp xu hướng nay sẽ xẹp xuống. Chính sự tham gia của các quỹ nhiều tiền, muốn nhanh chóng làm ra lãi nhờ tiền mã hóa đã góp phần thổi phồng giá trị của chúng. Các nhà đầu tư cá nhân ắt cũng sẽ dè dặt hơn khi rót tiền vào các sàn giao dịch như Binance, chưa kể sẽ có không ít người muốn rút ra để bảo toàn vốn. Người ta thường ví von thời điểm này là mùa đông của thế giới tiền mã hóa. Sau vụ sụp đổ của FTX, nói đây là kỷ nguyên băng hà thì có lẽ sẽ đúng hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới