Thứ Hai, 20/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

G20 kêu gọi chống lạm phát và thận trọng khi rút các biện pháp kích thích kinh tế

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm 18-2, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) ra tuyên bố chung kêu gọi các nước hành động chống lạm phát nhưng đồng thời nhất trí phải thận trọng khi rút các biện pháp kích kinh tế để tránh gây tác động lan tỏa quá lớn sang các nước đang phát triển.

Tuyên bố chung được đưa ra sau hai ngày họp kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Indonesia. Tuyên bố chung nhấn mạnh các nước G20 sẽ tiếp tục giám sát các rủi ro lớn trên toàn cầu, bao gồm các căng thẳng địa chính trị đang gia tăng và các tổn thương tài chính và kinh tế vĩ mô.

G20 cho rằng “tình trạng gián đoạn nguồn cung, mất cân đối cung cầu và giá cả hàng hóa tăng, bao gồm giá năng lượng, góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát ở một số nước và gây ra rủi ro tiềm tàng cho triển vọng kinh tế toàn cầu”.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của G20 tại Jakarta, Indonesia hôm 17-2. Ảnh: AP

G20 nhất trí tiếp tục thúc đẩy khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng toàn cầu và các ngân hàng trung ương của họ sẽ hành động khi cần thiết để đảm bảo ổn định giá cả.

Cũng theo tuyên bố chung, G20 cam kết “sử dụng tất cả mọi chính sách sẵn có để ứng phó tác động của đại dịch Covid-19” trong bối cảnh đà lây lan nhanh của biến thể Omicron có thể phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu.

G20 nhất trí tăng cường nỗ lực xây dựng các chương trình hỗ trợ tái cơ cấu nợ đối với các nước có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương để củng cố khả năng chống chịu tài chính của họ. Đồng thời, G20 cam kết thận trọng rút bỏ các chính sách kích thích khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Một số ngân hàng trung ương lớn ở phương Tây, bao gồm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang chuẩn bị tăng lãi suất và rút lại các biện pháp kích thích để hạ nhiệt lạm phát khi nền kinh tế của họ bật dậy mạnh mẽ sau cơn suy thoái do đại dịch gây ra.

Tuy nhiên, có những lo ngại cho rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá mạnh mẽ có thể khiến đà phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu đi chệch hướng và gây ra những làn sóng chấn động đến các nước đang phát triển.

Lạm phát đã đẩy giá lương thực, năng lượng và các nhu yếu phẩm quan trọng khác tăng cao vào thời điểm nhiều nước vẫn đang xoay xở kiểm soát dịch bệnh. Điều đó đặt ra thách thức lớn cho các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu khi họ hướng đến lộ trình tăng chi phí đi vay để hạ nhiệt lạm phát nhưng đồng thời phải tránh làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế mới chớm.

Phát biểu với các phóng viên trong một cuộc họp báo trực tuyến, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia, Perry Warjiyo cho biết các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của G20 nhất trí rằng họ cần kiểm tra kỹ lưỡng các động thái Mỹ và các nước khác như tăng lãi suất và rút các biện pháp kích thích khác nhằm chống lạm phát.

Ông nói: “Chúng tôi thống nhất rằng để hỗ trợ hệ thống tài chính toàn cầu, chúng tôi cần một chính sách bình thường hóa được phối hợp chặt chẽ và cân nhắc kỹ lưỡng. Điều này rất quan trọng để chính sách như vậy chỉ tác động tối thiểu đến thị trường tài chính toàn cầu và các nước đang phát triển”.

Ông nhấn mạnh điều rất quan trọng là phải bảo đảm đà phục hồi hiện nay có thể đưa nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại trong dài hạn, bao gồm cả việc khắc phục các hậu quả để lại của đại dịch.

Đà lây lan nhanh của biến thể Omicron tiếp tục làm dấy lên lo ngại đối với triển vọng của nền kinh tế toàn cầu, vốn đang chật vật ứng phó với tình trạng gián đoạn nguồn cung do tác động của đại dịch.

Theo Kyodo News, AP, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới