(KTSG Online) - Tổng cụ thống kê vừa có báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quí 4 và cả năm 2022, trong đó đáng chú ý là GDP năm 2022 tăng cao nhất trong 12 năm qua và là năm thứ bảy liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát thành công.
- Thúc đẩy chuyển đổi số để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
- Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quí 4-2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ các năm trước dịch.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,22%; khu vực dịch vụ tăng 8,12%. Về sử dụng GDP quí 4-2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 82,6% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,61%, đóng góp 43,78%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 6,14%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,83%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 26,38%.
Như vậy ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê ghi nhận, GDP bình quân đầu người năm 2022 giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 đô la Mỹ, tăng 393 đô la so với năm 2021. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động (tương đương 8.083 đô la/lao động, tăng 622 đô la so với năm 2021).
Tính chung năm 2022, cả nước có 208.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước; bình quân một tháng có 17.400 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 143.200 doanh nghiệp, tăng 19,5%.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12-2022 đạt 707.100 lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước. Tính chung năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3.661.200 lượt người, gấp 23,3 lần so với năm trước nhưng vẫn giảm 79,7% so với năm 2019.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-12-2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỉ đô la, giảm 11% so với năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỉ đô la, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2022 có 109 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 426,6 triệu đô la, tăng 4,3% so với năm trước; có 26 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 107,4 triệu đô la. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt gần 534 triệu đô la.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với cùng kỳ năm 2021. CPI bình quân quí 4-2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), ghi nhận năm thứ bảy liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát thành công.
Chỉ số giá vàng tháng 12-2022 tăng 0,45% so với tháng trước; tăng 4,16% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 5,74% so với năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12-2022 giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 2,09% so với năm trước.
Luôn có hai mặt. Cần phải tỉnh táo để tránh đua thành tích. Xét về mặt tăng trưởng kinh tế, tốc độ quá cao bao giờ cũng dễ bộc lộ tiêu cực. Một là, luôn đồng nghĩa với rủi ro cao. Hai là, tiềm ẩn những yếu tố bất hợp lý. Ví dụ, GDP cao, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về những tác động tiêu cực, như xâm hại môi trường, đạo đức và xã hội. Hoặc, thu ngân sách cao, cứ tưởng là thành tích tốt. Nhưng nếu xét về mặt chi, thì còn tồn tại rất lớn những khoản “hoãn/chặn/ngâm chi”. Điều này khiến doanh nghiệp và người dân khốn khổ. Ví dụ, hoàn thuế kéo dài, thuế thu nhập cá nhân bất hợp lý, các khoản hỗ trợ chậm giải ngân…