Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá bảng Anh có thể sẽ bằng hoặc thấp hơn đô la Mỹ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giới đầu tư đang đặt cược rằng đồng bảng Anh sẽ giảm về mức ngang giá hoặc thấp hơn so với đô la Mỹ giữa lúc đồng tiền của nước này rơi về mức thấp kỷ lục so với đông bạc xanh.

Đây là một kịch bản khó tưởng tượng trong những thập niên gần đây vì đồng bảng Anh luôn duy trì khoảng cách đáng kể và từng đạt mức 1 ăn 2 đô la Mỹ vào năm 2008.

Đồng bảng của Anh giảm xuống mức thấp kỷ lục, 1 bảng ăn 1,035 đô la Mỹ vào hôm 26-9. Ảnh: Sky News

Sau khi đồng bảng giảm xuống mức thấp kỷ lục, 1 bảng ăn 1,035 đô la Mỹ vào hôm 26-9, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng giá của đồng tiền sẽ tiếp tục giảm. Tỷ lệ hợp đồng đảo ngược rủi ro kỳ hạn 3 tháng trên thị trường quyền chọn đặt cược đồng bảng giảm giá đang ở mức cao nhất kể từ năm 2016, trong khi các hợp đồng khác cho thấy có 43% xác suất đồng bảng sẽ rơi về mức ngang giá 1 đô la Mỹ trước cuối năm.

Đồng thời, hai ngân hàng Morgan Stanley và Nomura nhận định, đồng bảng sẽ về ngang giá hoặc thấp hơn đô la Mỹ. Các nhà chiến lược tại Ngân hàng Nomura đã hạ mục tiêu với đồng bảng Anh, xuống còn 1 ăn 0,975 đô la Mỹ vào cuối năm và dự đoán nó sẽ phá vỡ ngưỡng ngang giá với đô la Mỹ vào cuối tháng 11. Các nhà chiến lược của Morgan Stanley cũng điều chỉnh dự báo, với nhận định vào cuối năm, đồng bảng sẽ ngang giá với đồng đô la Mỹ.

“Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, vốn đang làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng và bền vững tài khóa của Anh, dù trực tiếp hay gián tiếp, khó có khả năng giúp đồng bảng mạnh lên”, các nhà chiến lược tiền tệ của Morgan Stanley viết trong một báo cáo gửi cho khách hàng hôm 26-9.

Jordan Rochester, nhà chiến lược tại Ngân hàng Nomura, nhận định: “Tôi nghĩ rằng tình hình đồng bảng sẽ trở nên tồi tệ hơn dù tôi không muốn như vậy vì Anh là thị trường mà tôi đang kiếm được tiền”.

Trong năm nay, đồng bảng đã chịu áp lực bởi đà tăng giá bền bỉ của đồng đô la Mỹ một phần là do giá năng lượng cao đang làm tăng thâm hụt thương mại của Anh và chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ ( Fed) đang thu hút tiền mặt về nước Mỹ.

Tuy nhiên, đà giảm giá của đồng bảng càng mạnh thêm sau khi chính quyền của tân Thủ tướng Anh Liz Truss công bố kế hoạch cắt giảm thuế quy mô lớn trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt suy thoái.

Hôm 23-9, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng thông báo gói cắt giảm thuế trị giá 45 tỉ bảng cho đến năm 2027, bao gồm giảm mức thuế 45% cao nhất hiện nay đối với người có thu nhập trên 150.000 bảng mỗi năm, giảm phí trước bạ nhà đất và thuế bảo hiểm quốc gia. Đây là gói giảm thuế lớn nhất trong 50 năm ở Anh. Hai ngày sau đó, ông tuyên bố sẽ còn nhiều biện pháp giảm thuế nữa bên ngoài gói này.

Theo nhận định của hãng tin BBC, nghị trình của Bộ trưởng Tài chính Anh là “đơn giản hóa luật thuế, tăng thu nhập và sức mua của người dân, tăng đầu tư, khuyến khích sáng tạo, tăng năng suất sản xuất”.

Bộ trưởng Kwarteng cho biết để cắt giảm thuế, chính phủ sẽ phải vay thêm 37 tỉ bảng. Chính phủ Anh tính toán, chỉ cần nền kinh tế tăng trưởng thêm 1% nhờ cắt giảm thuế thì nguồn thu cho ngân sách sẽ tăng thêm 47 tỉ bảng. Dù vậy, nhiều người cho rằng cần phải mất nhiều năm, chính sách cắt giảm thuế mới tạo ra động lực tăng trưởng mạnh trở lại cho nước Anh.

Đồng bảng suy yếu sẽ tác động đến chi phí nhập khẩu các mặt hàng được thanh toán bằng đô la Mỹ, bao gồm cả dầu thô và khí đốt, khiến cho nỗ lực kiểm soát lạm phát của Anh càng khó khăn hơn.

Đón nhận ‘hung tin’, trong phiên giao dịch hôm 26-9, đồng bảng có lúc giảm gần 5%, xuống mức thấp kỷ lục 1 ăn 1,035 đô la Mỹ. Trong phiên giao dịch sáng nay (27-9) theo giờ châu Á, đồng bảng phục hồi, tăng 0,9%, lên mức 1 ăn 1,0776 đô la Mỹ.

Đồng bảng từng ở mức 1 ăn 1,4 đô la Mỹ vào giữa năm 2021 và 1 ăn 2 đô la vào năm 2008. Lần gần đây nhất, đồng bảng tiệm cận mức giá tương đương 1 đô la Mỹ là vào năm 1985, trước khi các cường quốc phối hợp để kéo giá đô la Mỹ đi xuống.

Thông tin về kế hoạch giảm thuế cũng khiến trái phiếu chính phủ Anh bị bán tháo, đẩy lợi suất lên mức cao nhất trong hơn một thập niên vì các nhà đầu tư lo ngại việc giảm thuế sẽ làm tăng thêm thâm hụt ngân sách vốn đã khá lớn của chính phủ Anh.

Bằng cách kích thích nền kinh tế, một bước đi trái ngược với nỗ lực của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) nhằm kiềm chế lạm phát, chính phủ Anh có khả năng buộc các nhà hoạch định chính sách phải tăng lãi suất mạnh hơn nữa.

Hôm 26-9, Thống đốc BoE Andrew Bailey đã cố gắng trấn an thị trường khi nói rằng BoE sẽ không ngần ngại tăng lãi suất nếu cần để kiềm chế lạm phát. Nhưng sau tuyên bố này, đồng bảng vẫn tiếp tục giảm giá.

Các nhà phân tích vẫn hoài nghi về việc tăng lãi suất sẽ tạo ra tác động tích cực lớn cho đồng bảng. BoE cho biết sẽ xem xét tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách định kỳ sắp tới. Thông tin này dập tắt các đồn đoán cho rằng BoE sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất khẩn cấp để vực dậy đồng bảng.

Theo Bloomberg, Financial Times

1 BÌNH LUẬN

  1. Không có gì là vĩnh viễn. Cái gì cũng có khả năng xảy ra. Bảng Anh, hoặc euro lâu nay cứ đắt hơn đô la Mỹ, ai cũng cứ cho là tính… quy luật? Nay thì có khả năng bằng và rẻ hơn, cũng không có gì lạ. Có lẽ cái “lạ” nhất chính là sự bảo thủ kéo dài của các nhà kinh tế học?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới