Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá cà phê tăng đầu vụ: Lịch sử có lặp lại?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá cà phê tăng đầu vụ: Lịch sử có lặp lại?

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Cũng chừng thời gian này năm ngoái, giá cà phê trên các thị trường tăng mạnh. Mấy ngày qua, giá lại sôi nổi không kém dù ở đỉnh thấp hơn năm ngoái. Có gì xảy ra? Phản ứng thế nào với thị trường như thế này?

Giá cà phê tăng đầu vụ: Lịch sử có lặp lại?
Biểu đồ: Diễn biến giá đóng cửa trên sàn kỳ hạn robusta London (tác giả tổng hợp)

Giá tăng trên khắp thị trường

Niên vụ cà phê 2015-16 mới được đúng 10 ngày. Thị trường trở nên sôi động và đầy rủi ro. Nếu như giá cà phê nguyên liệu nhiều nơi trên thị trường nội địa ngày đầu niên vụ mới ở mức 35 triệu đồng/tấn, thì nay đã gần chạm 37 triệu đồng/tấn với dao động khá mạnh. Có ngày giá dao động tăng giảm hơn 0,5 triệu đồng/tấn.

Giá thị trường chòng chành bao nhiêu, tâm lý kinh doanh càng dao động bấy nhiêu. “Vừa mới bán xong sáng hôm qua mươi tấn với giá 36 triệu đồng/tấn thì sáng nay thứ bảy 10-10 giá tăng lên 36,8 triệu đồng/tấn, mất ăn 0,8 triệu đồng/tấn oan uổng chỉ sau một ngày,” ông Tân ở vùng Châu Sơn, thành phố Buôn Ma Thuột tiếc vì lỡ bán nhanh một ngày trước khi giá tăng cao.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thu mua cà phê thấy giá tăng giảm thất thường và đầy rủi ro, đã quyết định tạm thời đứng ngoài thị trường. “Giá gì mà một ngày tăng 700 ngàn đồng, ngày khác giảm 500 đồng mỗi tấn, mua bán ăn thua rất nhanh. Chưa có hợp đồng cung ứng mới, nên tôi chưa dám mua nhiều,” chị Liên, chủ một đại lý thu mua cà phê tại Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho hay.

Trong khi đó, giá chào mua bán cà phê robusta xuất khẩu cơ sở loại 2, đen bể 5% tối đa đang được giao dịch quanh mức từ bằng đến cộng 20 đô la/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB) so với giá niêm yết sàn kỳ hạn Ice London. “Có nhà nhập khẩu thấy giá tăng, bắt đầu rục rịch chào mua giá xuất khẩu thấp, đòi mua giá trừ 10-20 đô la/tấn FOB vì họ tin giá tuần tới có thể còn tăng nữa,” chị Liên ở Đức Trọng nói.

Giá trên các thị trường kỳ hạn những ngày đầu tiên của niên vụ mới tăng tốt với dao động phức tạp. Giá kỳ hạn robusta Ice London đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần hôm qua 9-10 đạt 1.634 đô la/tấn – mức cao nhất kể từ ngày khai trương năm kinh doanh mới, tăng 69 đô la/tấn so với ngày 1-10 dù có lúc đã quay lại dưới mức 1.580 đô la/tấn (xin xem biểu đồ trên); giá arabica trên sàn kỳ hạn New York chốt mức 134,90 xu/cân Anh (cts/lb), tăng 7,55 cts/lb so với cách đây một tuần, tương đương với 166 đô la/tấn.

Tại sao cà phê bán chưa nhiều?

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp kinh doanh lâu năm, nhờ giá tăng trong mấy ngày đầu vụ, hàng tồn vụ cũ còn khá dồi dào nên thị trường vẫn có hàng trao tay dù cà phê vụ mới nhiều nơi còn trên cây, chưa thu hoạch.

Nhiều người cho rằng xuất khẩu cả năm vừa qua tính đến hết tháng 9-2015 chỉ quanh mức 1,2 triệu tấn, nên tồn kho vụ cũ chưa bán vẫn còn có thể đảm đương cung ứng cho các tháng “giáp hạt” đầu niên vụ này. Sở dĩ hàng tồn kho ấy đến nay vẫn chưa ra thị trường nhiều còn có nguyên nhân vì mức độ dao động giá trên thị trường khá mạnh. “Nếu như giá bình ổn lại và ở mức cao 37-38 triệu đồng/tấn trở lên, tôi nghĩ cà phê sẽ không thiếu để mua,” chị Liên phát biểu.

Một chuyên gia thị trường cho rằng không phải bất kỳ khi nào giá hàng hóa như cà phê tăng đều có nghĩa do nhu cầu tiêu thụ tăng. “Mấy hôm nay nhiều nhà nhập khẩu tỏ ra rất bình tĩnh, mua khá cầm chừng, thậm chí có người không mua, chứng tỏ họ chưa có hợp đồng cung ứng để thu mua,” ông giải thích.

Lịch sử lặp lại?

Giá hàng hóa trên các sàn kỳ hạn tăng hay giảm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nên kinh doanh mà chỉ đánh giá vì nhu cầu tiêu thụ thì có thể khiếm diện, dẫn đến sai lầm trong nhận định và có thể đi đến thua lỗ.

Năm ngoái, cũng chừng thời điểm này, giá cà phê trên thị trường bất ngờ tăng mạnh từ 38 triệu đồng/tấn lên ngay 41 triệu đồng/tấn khi có tin Brazil mất mùa do hạn hán. Nhiều người tin vào thông tin ấy, tưởng thế giới sẽ thiếu cà phê nên rủ nhau cất trữ cà phê để hy vọng thị trường càng thiếu hàng, giá càng lên. Nhưng lắm bất ngờ đã xảy ra: không những trong mùa giá càng lúc càng giảm mà cung ứng cà phê ra thị trường vẫn rất dồi dào.

Chỉ nguyên Brazil, nước được cho là bị hạn hán nghiêm trọng, xuất khẩu cà phê trong 9 tháng đầu năm 2015 này đạt 26,55 triệu bao (60 kg x bao), tăng 12,5% so với năm trước, Ủy hội Xuất phẩu Cà phê Brazil (Cecafe) cho biết. Tại Colombia, Hiệp hội Nông dân Cà phê tổng kết niên vụ với số liệu xuất khẩu toàn niên vụ 2014-15 đạt 12,29 triệu bao, tăng 12% so với năm trước.

Đầu niên vụ này, giá cà phê lại tăng. Phải chăng điệp khúc giá đi theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” lại xuất hiện? Không lẽ năm ngoái nhiều người rủ nhau trữ hàng bị sập bẫy, năm nay bẫy này lại giăng?

Để giải thích cho hiện tượng giá cà phê tăng vừa qua, một chuyên gia ngành hàng khuyên nên cân nhắc các yếu tố sau đây:

Đồng real Brazil (BRL) trong mấy ngày qua tăng lại, từ mức 1 đô la Mỹ ăn trên 4,2 BRL thì nay chỉ chừng 3,75 BRL. Đồng BRL tăng giúp giá kỳ hạn cà phê tăng tốt. Tuy nhiên, chưa ai dám chắc chắn đồng BRL không rớt lại để giá cà phê tăng tiếp.

Quyết định tăng lãi suất đồng đô la Mỹ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ một lần nữa bị treo vì chưa hội đủ điều kiện trước một nền kinh tế thế giới còn lắm bấp bênh. Tin này đã “phà hơi” cho giá các sàn hàng hóa lấy đồng đô la Mỹ làm phương tiện giao dịch tăng. Vì vậy trong tuần qua, không chỉ giá kỳ hạn cà phê tăng mà nhiều hàng hóa khác cũng tăng như giá vàng, dầu thô…

Đây là dịp để các quỹ đầu tư đặt cược vào hàng hóa. Nếu giá kỳ hạn dựa vào yếu tố này để tăng, thường không bền vững. Người đặt cược sẽ chạy khỏi sàn khi có một tin đồn ngược chiều.

Đợt ra hoa cà phê vào tháng 9-2015 của Brazil rất đạt nhờ mưa. Nhưng để nuôi hoa đậu trái, cây cà phê tại nhiều vùng cà phê nước này đang cần mưa. Đến nay, mưa vẫn chưa về. Thị trường đang đánh đố: nếu nay mai Brazil có mưa, giá rớt mạnh, nếu không mưa tại Brazil giá còn tăng tiếp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới