Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá cà phê tăng mạnh: Mừng hay lo?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá cà phê tăng mạnh: Mừng hay lo?

Phạm Kỳ Anh

(TBKTSG Online) – Giá cà phê thị trường trong nước lên lại mức 38,5 triệu đồng/tấn, khắp nơi chộn rộn vì mua bán có phần khởi sắc. Giá kỳ hạn tăng mạnh. Do thiếu hàng hay các nhà đầu cơ tạo tình huống để tối đa hóa lợi nhuận hàng đã gom từ trước? 

Giá tăng: đi ngược thời cuộc?

Giá cà phê tăng mạnh: Mừng hay lo?
Biểu đồ: Giá kỳ hạn robusta ICE London tăng mạnh (nguồn: theice.com)

Thị trường tài chính toàn cầu chuẩn bị cho một kịch bản ngoài mong muốn: có dấu hiệu Hy Lạp không trả nổi nợ cho các chủ nợ, trước mắt là 1 tỉ euro cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đáo hạn vào cuối tháng này. Lối vào cho tiền và vốn vào Hy Lạp bị bít lại. Nghe rằng ngân hàng nước này đang thấm đòn. Hy Lạp còn hay ở với khối sử dụng đồng euro (eurozone) đang được tính từng ngày. Nếu xảy ra kịch bản xấu, đồng euro ít nhiều rung rinh, các chủ nợ phải bán tháo thứ gì có thể bán được để bảo toàn vốn như tài sản thế chấp… Khả năng đồng euro mất giá, đồng đô la Mỹ tăng, kéo theo đồng bản tệ các nước mới nổi mất giá.

Cuối ngày 19-6-2015, bà Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lại khẳng định ý muốn tăng lãi suất cơ bản của ngân hàng Mỹ trong năm nay, dù nhiều chuyên gia tài chính thế giới thuyết phục Mỹ kéo lùi ý định này đến năm 2016.

Mức lãi suất ngân hàng Mỹ hiện đang thấp, quanh mức 0%. Tuy nhiên, Fed để ngỏ chuyện sẽ chỉnh lãi suất vào lúc nào, bao nhiêu, nhanh chậm thế nào… Chính đây là cớ cho các quỹ đầu tư và đầu cơ tài chính tạo sóng làm ăn kiếm lợi về mình. Tờ Đông Á nhật báo của Hàn Quốc sáng nay 20-6 nói rằng các chuyên gia tài chính Hàn Quốc và trên thị trường tài chính dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất từ tháng 9-2015 đến cuối năm một hay hai lần. Nếu Fed tăng lãi suất, giá trị đồng đô la Mỹ có cơ hội tăng theo.

Hai sàn kỳ hạn cà phê vốn rất nhạy với các thay đổi trên thị trường tiền tệ, có lẽ khó tránh khỏi những biến động bất lợi do cuộc chiến tranh tiền tệ gây ra.

Vì thế mà giá kỳ hạn robusta ICE London mấy ngày qua tăng cực mạnh, từ 1.722 đô la/tấn tuần trước lên 1.866 đô la/tấn, tăng 144 đô la/tấn khi đóng cửa ngày giao dịch cuối tuần 19-6-2015 (xin xem biểu đồ trên).

Chuyện gì xảy ra trên thị trường cà phê?

Giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên nhảy lên 38,5 triệu đồng/tấn, tăng 1 triệu đồng/tấn chỉ sau một tuần giữa những tin bất lợi cho giá nông sản nói chung, cà phê nói riêng.

Tin các nơi cho biết nhiều người đã tranh thủ bán một phần tồn kho với mức này để tránh rủi ro sợ giá xuống lại. Một số doanh nghiệp bán hàng giao vào kho với giá chốt sau thì vừa qua cũng đã quyết định chốt bán phần nào.
Nhưng chỉ có thị trường robusta nhộn nhịp. Sàn arabica ICE New York vẫn “im re”. Đóng cửa cuối tuần, giá arabica tại Mỹ, thường là đầu tàu kéo giá robusta, giảm 4,30 cts/lb, tức mất 95 đô la/tấn so với bảy ngày trước đó.

Trên sàn kỳ hạn robusta London, các quỹ đầu cơ đã thành công khi tạo nên một tình huống thiếu hàng cục bộ một cách bất ngờ. Tuy đã trữ được gần 190.000 tấn hàng robusta đạt chuẩn để sẵn tại các kho thuộc thị trường kỳ hạn quanh các cảng châu Âu, các quỹ đầu cơ còn thu gom nhiều hợp đồng mua khống cực mạnh trên sàn khi giá tháng này sắp đến tháng giao hàng để siết người thiếu hàng.

Ai lỡ bán hàng thực và hàng giấy ở các mức thấp trước đây nhưng chưa có hàng sẵn, sẽ phải mua lại với giá cao hơn đến 150/200 đô la/tấn để thực hiện cam kết giao hàng. Chính sự cần kíp phải giao ngay, giá tháng 7-2015 đã nhảy lên cao hơn giá tháng 9-2015 và các tháng sau. Hiện tượng này được gọi là “vắt giá” hay “siết giá” (squeezing price). Thường khi thị trường kỳ hạn có giá bị vắt, giá tháng giao ngay cao hơn tháng giao sau, cấu trúc giá trong thế đảo nghịch (inverted price).

Tháng giao dịch

Giá đóng cửa

Chênh lệch so với tháng sau

7-2015

1866

+93

9-2015

1773

-10

11-2015

1783

 

 

Nhìn vào bảng giá đóng cửa ngày 19-6, giá tháng 7-2015 cao hơn giá tháng 9-2015 đến 93 đô la/tấn, trong khi giá tháng 9-2015 lại thấp hơn giá tháng giao hàng 11-2015. Trong điều kiện bình thường, giá tháng giao càng xa càng cao hơn vì chênh lệch ấy được dùng làm chi phí tài chính, lưu kho, hao hụt, bảo quản, lãi suất ngân hàng… Thế mà, nay tháng giao ngay 7-2015 (spot month) lại cao hơn rất nhiều so với tháng sau.

Đấy chính là lời gọi mời ai có hàng sẵn trong tay hãy tranh thủ giao ngay để hưởng giá tốt hơn là đợi giao sau.

Sàn robusta: “Lò” siết giá

Đợt vắt giá này được tạo nên nhờ các công cụ kinh doanh trên sàn kỳ hạn để tối đa hóa lợi nhuận hàng đã mua ghim sẵn để bán siết giá đối với ai thiếu hàng. Trước đây, siết giá xảy ra bình quân sáu, bảy năm mới có một lần, nhưng từ khi sàn sàn kỳ hạn London mở rộng cửa cho loại chất lượng dễ hơn để có điều kiện gom hàng dễ hơn, vài ba năm lại xảy ra hiện tượng này một lần. Đợt vắt giá gần nhất xuất hiện cách nay ba năm trên sàn kỳ hạn robusta ICE London.

Câu hỏi đặt ra ở đây là năm ngoái, khi nước sản xuất và xuất khẩu arabica lớn nhất thế giới có tin đồn hạn hán, mất mùa trầm trọng, tại sao trên sàn arabica ICE New York không xảy ra hiện tượng vắt giá?

Phải chăng đấy là do cách mua bán? Phải chăng tin Brazil mất mùa là giả tạo?

Tại Brazil, một lượng lớn hàng hóa nằm trong tay các hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp. Cơ may tạo vắt giá hưởng lợi cho các quỹ đầu cơ là rất hiếm vì một lượng hàng lớn chực sẵn để tung ra thị trường khi giá cao như một cách can thiệp để bảo vệ khách hàng trong chuỗi cung ứng.

Ngược lại, nước ta, tuy là nước sản xuất cà phê chỉ bằng một nửa của Brazil, với một nền sản xuất cà phê manh mún, tồn trữ hàng hóa không tập trung, nên khó có lượng hàng lớn để tạo nên “cú đấm” khi cần can thiệp. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp thường quá nhạy với và tin theo lời đầu cơ, lợi bất cập hại, làm nhiều khách hàng quan trọng trong chuỗi cung ứng phải đứng xa khỏi ngành cà phê nước nhà.

Nên chăng hãy xem lại chuỗi cung ứng của ngành cà phê nước ta. Chọn sàn kỳ hạn để bồng bềnh từng phút từng giây theo giá trên sàn kỳ hạn, hay chọn các nhà rang xay vì chính họ là những người trả lương chủ yếu cho hạt cà phê mình sản xuất.

Có lẽ ngành cà phê tồn tại lâu dài và bền vững hay không, rất tùy thuộc vào cách chọn “mua có bạn bán có phường” của ngành nông sản quan trọng này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới