Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giá cà phê tăng nhờ “căng” xuất khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá cà phê tăng nhờ “căng” xuất khẩu

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Việc các nhà xuất nhập khẩu kẹt vốn chưa mua cà phê đã đưa lịch thu hái của vụ mùa này gần về lại nông lịch cũ. Nhờ thế, giá trong tuần tăng, tuy cuối tuần có giảm về dưới 40.000 đồng/kg. Hàng ra thị trường ít vì nông dân đang bận thu hái đã làm khác đi “nhịp điệu sinh học” của thị trường so với các năm trước: vội mua vội bán trước khi hạt cà phê trên cây đủ chín là một yếu tố làm cà phê bị hái sớm so với nông lịch.

Giá cà phê tăng nhờ “căng” xuất khẩu
Biểu đồ 1: Giá đóng cửa TTKH robusta Liffe so với giá nội địa đến 2-12-2011 (tác giả tổng hợp)

Vụ mùa sớm hay muộn?

Quanh một vòng các tỉnh Tây Nguyên, tuy cà phê chưa chín nhiều, nông dân đã bắt đầu thu hái một cách khá ôn tồn.

Tinh đến nay, nông dân hai tỉnh có sản lượng cà phê dẫn đầu toàn quốc là Daklak và Lâm Đồng thu hái một cách điềm đạm, chỉ trừ những nơi có rủi ro về nạn hái trộm. Do cà phê vẫn còn nhiều trên cây, trong những ngày này, giá có tăng, nạn trộm cắp càng hoành hành. Tệ hại nhất là tại nhiều nơi, bọn trộm đã chặt cây, bẻ cành để ăn cắp cà phê, gây thiệt hại lớn cho một số nông dân không chỉ mất của cho năm nay mà còn mất sản lượng vào nhiều vụ sau.

Thực ra, tại một số vùng, trái cà phê trên cây trái xanh vẫn nhiều hơn chín đỏ. Hóa ra, trong các năm trước và chỉ cách đây vài tháng, khái niệm “sớm trễ” của vụ mùa hoàn toàn không dựa vào nông lịch mà chỉ dựa vào sức bán của các nhà kinh doanh.

Công bằng mà nói, nếu đúng nông lịch, cà phê đáng ra phải thu họach trong thời gian từ cận Tết cho đến sau Tết (tức từ giữa tháng 12 âm lịch hàng năm). Song, tại các năm trước, các nhà kinh doanh nước ngoài và nội địa “tự tung tự tác” chào mua chào bán quá sớm, ép giao hàng khi cà phê chưa chín hẳn, đã mở đường cho một bộ phận nông dân bán cà phê non phải thu hái sớm để giao hàng. Đấy âu cũng là một trong những nguyên nhân tại sao cà phê nước ta hay bị mang tiếng hái non và chất lượng không đồng đều.

Nói cho sòng phẳng, tại nhiều nơi, tỉ lệ cà phê xanh non vẫn còn nhiều. May nhờ xuất khẩu từ đầu năm nay có chậm lại, nên nông dân không cần phải “nóng ruột” hái nhanh để bán.

Như vậy, thu họach gần đúng nông lịch như trường hợp của niên vụ này đã giúp hạt cà phê tránh được các cơn áp thấp nhiệt đới, tận dụng được phơi sấy tự nhiên (mặt trời), và kích cỡ hạt cũng như tỉ lệ đen vỡ giảm hẳn, hứa hẹn một vụ mùa có chất lượng tốt.

Nên chăng, khái niệm vụ mùa ra sớm hay đến muộn trước đây cần phải được hiểu như là cà phê “bị ép hái sớm” hơn là sớm muộn theo chu kỳ tự nhiên của cây cà phê robusta tại Tây Nguyên.

Giá tăng, do đâu?

Thiếu vốn, thiếu tín dụng, lãi suất ngân hàng cao của cả bên nhập khẩu lẫn xuất khẩu đã tạo thêm điều kiện cho nông dân thu hái khá đúng lịch. Giá thị trường kỳ hạn (TTKH) robusta Liffe và giá nội địa cũng như giá xuất khẩu trong tuần qua đều tăng, nông dân nhiều nơi hết sức phấn khởi.

Tuy nhiên, hiện nông dân đang rất bận công thu hái, nên chưa chú ý nhiều đến chuyện bán ra. Rõ ràng, lượng hàng được đưa vào thị trường chưa nhiều, song do nhiều nhà xuất nhập khẩu đã lỡ bán, họ phải vội mua vào vì sợ giá tăng cao hơn, đó cũng là một yếu tố tích cực giúp giá trong tuần này tăng.

Mặt khác, báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) nói rằng lượng xuất khẩu tháng 10-2011 của các nước thành viên chỉ 7,109 triệu bao (bao 60 kg), giảm 8,7% chủ yếu do lượng arabica từ các nước Brazil và Colombia ít đi; còn lượng robusta xuất khẩu trong kỳ đạt 2,235 triệu bao, giảm 1,4%.

Trong khi đó, thông tin từ Liffe cho biết lượng tồn kho đạt chất lượng Liffe đến hết ngày 28-11 lại giảm thêm 12.100 tấn, xuống 299.750 tấn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, lượng tồn kho này vẫn còn cao xấp xỉ 38% tức 217.510 tấn (xin xem biểu đồ 2 bên dưới). Được biết, đây là lần đầu tiên từ 7 tháng nay, lượng tồn kho đạt chất lượng Liffe giảm xuống dưới 300.000 tấn tức 30.000 lô (10 tấn/lô).

Biểu đồ 2: Lượng robusta đạt chất lượng Liffe (certs) từ 1994 đến nay

Hiện nay, chỉ có Brazil là có thể cạnh tranh xuất khẩu hàng robusta với nước ta. Song, nhờ giá arabica cao trên TTKH cũng như nội địa, Brazil để lại robusta nhằm tiêu thụ nội địa. Indonesia phải chờ đến tháng 5-2012 mới có hàng mới, trong những ngày này, vẫn phải nhập hàng robusta từ Việt Nam. Chính vì thế, robusta của nước ta hầu như độc tôn trên thị trường, không ai có thể cạnh tranh.

Nên công tác điều độ hàng robusta xuất khẩu sao để giữ giá cho nông dân hưởng lợi xem ra khá thuận tiện. Còn nếu như để xuất khẩu ồ ạt làm cho giá xuống, thì đấy chính là lỗi do chính mình gây nên, khó trách ai được sau này. Hơn bao giờ hết, ngành cà phê cần có một nghiên cứu cung – cầu nghiêm túc và các giải pháp xuất khẩu đúng đắn mới có thể chủ động được giá xuất khẩu và giá kỳ hạn. Xuất hàng nhiều và có kế họach khác rất nhiều so với xuất khẩu ồ ạt.

Thoát vòng xoáy tài chính là tìm độc lập cho mình

Giá cả 2 TTKH arabica và robusta trong thời gian qua dao động lên xuống khá mạnh cũng còn có lý do khác vì lượng giao dịch quá ít, nên một khi có ai có ý đồ kéo giá lên hay đạp giá xuống, chỉ cần đưa ra mua bán dăm bảy lô một lần trên TTKH là có thể thay đổi cục diện.

Đây cũng chính là thời điểm đúng và tốt nhất để ngành cà phê cùng bàn bạc làm sao để thoát khỏi cái vòng xoáy của các lực lượng đầu cơ tài chính thế giới đang tung hoành trên các TTKH cà phê nhằm giành quyền độc lập quyết định giá cho hạt cà phê của mình. 

Đến sáng hôm nay thứ Bảy 3-12, giá nội địa quay về mức dưới 40.000 đồng/kg, mất 500-700 đồng/kg so với hôm qua do giá kỳ hạn robusta Liffe cơ sở tháng 1-2012 ngày cuối tuần đóng cửa giảm 38 đô la/tấn chốt tại mức 1955 đô la/tấn, nhưng lại cao hơn 64 đô la/tấn so với thứ sáu cuối tuần trước (xin xem biểu đồ 1 phía trên cùng).

Giá xuất khẩu lọai R2, 5% đen bể trong mấy ngày nay quanh mức trừ 30-40 đô la/tấn, tăng 10 đô la so với đầu tuần. Tuy nhiên, theo một vài nhận định, mức này khó mà đứng yên hay tăng lên cao nữa một khi hàng nội địa dồi dào hay khi giá Liffe tăng cao. Trong các năm trước, muốn mua được mức chênh lệch rẻ (hay còn gọi là trừ lùi – differential), một số tay đầu cơ cố tình đẩy giá kỳ hạn tăng để kéo giá chênh lệch so với Liffe giãn ra để tranh thủ gom hàng.

Bao lâu, giá nội địa còn bị “phiên” theo giá TTKH Liffe thì vẫn chưa được gọi là là chủ động hay độc lập. Vì, giá bán ra bao nhiêu là tùy thuộc vào người sản xuất khi giá bán do họ định đọat có lợi cho đầu tư tái sản xuất vụ sau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới