(KTSG) - Điểm đáng tiếc là mặc dù kết quả kinh doanh vẫn duy trì ấn tượng nhưng giá nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn chứng khoán lại liên tục lao dốc. Điều này xuất phát từ bối cảnh khó khăn chung của thị trường cũng như những thách thức mà ngành ngân hàng phải đối mặt trong thời gian tới.
- Cổ phiếu ngân hàng liên tục giảm sàn, VN-Index giảm mạnh
- Cổ phiếu ngân hàng: rủi ro tăng cung và nợ xấu!
Lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng!
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 3 đã gần kết thúc, trong đó ngân hàng là một trong những nhóm ngành vẫn duy trì được kết quả kinh doanh khả quan. Cụ thể, trong chín tháng đầu năm đã có bảy ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trên 10.000 tỉ đồng, bao gồm Vietcombank (24.940 tỉ đồng), Techcombank (20.800 tỉ đồng), VPBank (19.837 tỉ đồng), MB (18.192 tỉ đồng), BIDV (17.677 tỉ đồng), VietinBank (15.764 tỉ đồng) và ACB (13.503 tỉ đồng). Tốp 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất, ngoài bảy ngân hàng nêu trên còn có SHB (9.035 tỉ đồng), HDBank (8.016 tỉ đồng) và VIB (7.800 tỉ đồng).
So với tốp 10 lợi nhuận cùng kỳ, đây vẫn là những cái tên quen thuộc, tuy nhiên thứ hạng đã có một số xáo trộn. Chẳng hạn như việc lợi nhuận VPBank tăng mạnh để vươn lên vị trí thứ 3. Trong kỳ này, VPBank có nguồn thu đột biến từ thỏa thuận độc quyền với bảo hiểm AIA. Hay một sự thay đổi khác trong bảng xếp hạng là lợi nhuận của SHB tăng tới 79% - vượt qua HDBank, VIB để đứng ở vị trí thứ 8.
Đáng chú ý, trong số 28 ngân hàng đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh, chỉ có một ngân hàng báo lỗ trong chín tháng đầu năm là NCB. Ngân hàng này lỗ 199 tỉ đồng trong quí 3 và lỗ 180 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm. Nguyên nhân là NCB đã thực hiện thoái lãi, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với nợ quá hạn, nợ xấu, đồng thời trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại.
Còn trong 27 ngân hàng có lãi, có hai ngân hàng tăng trưởng âm là OCB và Kienlongbank. Cụ thể, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế chín tháng đạt 2.649 tỉ đồng, giảm 29,7%. Lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank ở mức 513 tỉ đồng, giảm 41,6% so với cùng kỳ. Riêng với Kienlongbank, lợi nhuận sụt giảm là do quí 1-2021 phát sinh khoản thu nhập đột biến từ việc bán cổ phiếu STB.
Động lực từ đâu?
Điểm chung trong động lực tăng trưởng lợi nhuận ở những ngân hàng lớn như BIDV, MB, ACB là chi phí dự phòng rủi ro chín tháng đầu năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (BIDV giảm 17%, MB giảm 26%, ACB giảm 94%). Cùng với việc các hoạt động kinh doanh cốt lõi có kết quả tích cực, ba ngân hàng này góp mặt vào nhóm những ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng cao nhất (trên 50%) trong chín tháng đầu năm.
Chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên kết quả kinh doanh tích cực của các ngân hàng hiện nay. Việc đẩy mạnh bán lẻ hay tăng thu dịch vụ (thẻ, bảo hiểm,…) đều cần đến số hóa.
Đi sâu vào kết quả kinh doanh, các ngân hàng cho thấy khả năng xoay sở ấn tượng trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn, đặc biệt là từ quí 3 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại đáng kể và mặt bằng chi phí huy động vốn cao lên. Hầu hết các ngân hàng đều đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu, đặc biệt là thu từ dịch vụ như thẻ, bảo hiểm, thư tín dụng,...
VIB là một trong những ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận trên 40% trong chín tháng đầu năm 2022. Lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 7.800 tỉ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng này đạt hơn 2.400 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm, đóng góp 17% vào tổng thu nhập hoạt động.
Còn tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế chín tháng đầu năm đạt 4.440 tỉ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ và hoàn thành 84% kế hoạch năm. Thu ngoài lãi của Sacombank đóng góp 39% vào tổng thu nhập hoạt động, trong đó tỷ trọng của lãi từ hoạt động dịch vụ đạt gần 24%.
Với Techcombank, ngân hàng này cho biết thu phí từ dịch vụ thẻ tăng trưởng 69,5% - đạt 1.398,8 tỉ đồng, thu phí từ dịch vụ bảo hiểm cũng tăng trưởng 50% so với cùng kỳ với mức phí bảo hiểm quy năm tăng 104% trong quí 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu từ dịch vụ có đóng góp đáng kể, giúp Techcombank báo lãi trước thuế chín tháng đầu năm vượt mốc 20.000 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh sự chuyển dịch nguồn thu nói trên, một sự chuyển dịch đáng chú ý khác là cơ cấu tín dụng cũng giúp nhiều ngân hàng duy trì khả năng sinh lời. Trong quí 2 và quí 3, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay bán lẻ để có NIM (biên lãi ròng) cao, nhằm thích ứng với bối cảnh trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản còn nhiều thách thức.
Tại VIB, tiếp tục lấy mảng bán lẻ là trọng tâm, ngân hàng này đưa dư nợ bán lẻ vượt 200.000 tỉ đồng, là quy mô thuộc tốp đầu các ngân hàng tư nhân hiện nay. Tỷ trọng bán lẻ của VIB đã vượt hơn 90% và là một trong những cái tên dẫn đầu thị phần cho vay ô tô, thẻ tín dụng trên toàn quốc. Ngoài VIB, một ngân hàng khác cũng cho thấy lợi thế của việc tập trung bán lẻ là ACB. Ngân hàng này có danh mục tín dụng tập trung mảng bán lẻ với tỷ trọng 94%. Lợi nhuận trước thuế của ACB chín tháng đầu năm đạt 13.500 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ 2021 và đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch cả năm. ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của ACB đạt trên 27%.
Tại Techcombank, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đã tăng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 222.400 tỉ đồng và chiếm 49% danh mục tín dụng của ngân hàng (tăng từ mức 36,4% cùng kỳ 2021); dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 22,7% so với cùng kỳ trong khi tín dụng cho doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 12,5% so với cùng kỳ.
Chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên kết quả kinh doanh tích cực của các ngân hàng hiện nay. Việc đẩy mạnh bán lẻ hay tăng thu dịch vụ (thẻ, bảo hiểm,…) đều cần đến số hóa. Và ở mặt khác, số hóa cũng góp phần giúp ngân hàng kiểm soát chi phí hoạt động ngày càng hiệu quả.
Cùng với việc nâng cao năng suất lao động của cán bộ nhân viên, tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) của một số ngân hàng tiếp tục cải thiện mạnh mẽ thời gian gần đây. Điển hình như CIR tại VIB đã giảm từ 40% cùng kỳ xuống còn 34%, SHB giảm từ 24,8% xuống 21,2%, Vietcombank giảm từ 34,9% xuống 33,7%,…
Điểm đáng tiếc là mặc dù kết quả kinh doanh vẫn duy trì ấn tượng như trên nhưng giá nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn chứng khoán lại liên tục lao dốc. Điều này xuất phát từ bối cảnh khó khăn chung của thị trường cũng như những thách thức mà ngành ngân hàng phải đối mặt trong thời gian tới như: hạn chế room tín dụng, mặt bằng lãi suất huy động dâng cao, trích lập dự phòng rủi ro có thể tăng… Tuy vậy, sau khi những khó khăn của chu kỳ hiện tại qua đi, rất có thể cổ phiếu ngân hàng sẽ là một trong những nhóm ngành đầu tiên bật tăng mạnh trở lại.