Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giá dầu kỳ vọng phục hồi vào cuối năm do nguồn cung thắt chặt

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá dầu thô trên thị trường quốc tế giảm mạnh trong thời gian gần đây, với giá dầu ở Mỹ giảm về dưới mức 80 đô la Mỹ/thùng do mối lo kinh tế toàn cầu suy thoái. Nhưng giới phân tích ở các ngân hàng đầu tư lớn như JPMorgan và Goldman Sachs vẫn giữ lập trường lạc quan và dự báo giá dầu sẽ hồi phục trong quí cuối năm vì họ nhận thấy nguồn cung dầu đang ngày càng thắt chặt hơn.

Các yếu tố khác có thể hỗ trợ giá dầu trong những tháng tới bao gồm khả năng nhóm OPEC+ cắt giảm thêm sản lượng dầu, nhu cầu của Trung Quốc phục hồi, xu hướng sử dụng các sản phẩm dầu mỏ để sản xuất điện, thay thế cho khí đốt đắt đỏ.

Giảm đầu tư dầu khí sẽ gây tai họa cho nước Mỹ

2. Tuần trước, tại một diễn đàn ở Thụy Sĩ, Amin Nasser, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Arabia Saudi Aramco, nói rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là do tình trạng thiếu đầu tư cho ngành dầu khí trong nhiều năm. Ảnh: Reuter

Tuần trước, tại cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng về nhà ở và các vấn đề đô thị, Thượng viện Mỹ, Giám đốc điều hành Ngân hàng JP Morgan Jamie Dimon cảnh báo việc các ngân hàng cắt giảm tài trợ cho các dự án dầu khí sẽ là “con đường đưa nước Mỹ đến địa ngục”.

Ông cho rằng nước Mỹ cần đầu tư thêm, thay vì giảm đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Ông nói: “Chúng ta đã không hiểu đúng vấn đề. Thế giới cần 100 triệu thùng dầu và khí đốt mỗi ngày. Và chúng ta cần duy trì con số đó trong 10 năm. Để làm được điều này, chúng ta cần đầu tư thích đáng vào tổ hợp dầu khí. Việc đầu tư này cũng có lợi cho nỗ lực giảm khí thải carbon. Nhưng như chúng ta đã thấy, vì giá dầu và khí đốt cao, nhiều nước đã quay trở lại với than đá”.

Phát biểu của Dimon được đưa ra trong bối cảnh các ngân hàng ngày càng phản đối các quy định phi carbon hóa ngày càng nghiêm ngặt. Với một số ngân hàng, bao gồm cả JP Morgan, đang cân nhắc rút khỏi Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu đưa phát thải carbon về mức zero ròng (GFANZ), trong đó, các tổ chức tài chính hàng đầu toàn cầu cam kết tăng tốc phi carbon hóa nền kinh tế.

Cũng trong tuần trước, tại một diễn đàn ở Thụy Sĩ, Amin Nasser, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Arabia, Saudi Aramco, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, cảnh báo việc nhiều năm thiếu đầu tư cho các dự án phát triển dầu khí mới đã bắt đầu gây hậu quả với một thị trường dầu đang thiếu nguồn cung.

Những tưởng những cảnh báo như vậy sẽ tạo động lực tăng giá trên thị trường dầu. Nhưng thực tế, giá dầu giảm gần như trong suốt tuần trước. Tuy nhiên, giá dầu giảm không phải vì các yếu tố cơ bản liên quan đến cung cầu hiện nay mà do giới đầu tư lo sợ cơn suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ ập đến vào năm tới.

Tin xấu là ngay cả trong thời kỳ suy thoái, giá dầu vẫn có thể tăng cao và đây chính xác là điều mà một số ngân hàng đầu tư đang dự báo.

Giá dầu được dự báo phục hồi trong quí 4

JP Morgan là một trong những nhà dự báo lạc quan nhất. Trong một báo cáo vào tuần trước, các nhà phân tích của JP Morgan nhận định giá dầu chuẩn quốc tế Brent sẽ phục hồi lên mức 101 đô la Mỹ/ trong quí 4 so với mức dưới 90 đô la Mỹ hiện nay. Lý do cho dự báo này là nguồn cung dầu trên thị trường sẽ thắt chặt hơn.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs thậm chí còn lạc quan hơn. Hồi đầu tháng này, các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent có thể đạt 125 đô la Mỹ/thùng vào năm tới mặc dù các cường quốc G7 và Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất áp trần đối với giá dầu xuất khẩu của Nga để duy trì nguồn cung nhưng sẽ kéo giá dầu đi xuống.

Ngân hàng Morgan Stanley khiêm tốn hơn một chút về kỳ vọng giá dầu khi dự kiến giá dầu Brent sẽ ở mức 95 đô la/thùng trong quí cuối cùng của năm.

Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ cũng giảm kỳ vọng về giá dầu vào đầu tháng này vì lo ngại về suy thoái kinh tế cũng như việc dầu Nga tiếp tục chảy sang các nước nhập khẩu lớn ở châu Á. Tuy vậy, dù đã điều chỉnh giảm, mức giá dầu Brent trong tháng 12 tới theo dự báo của UBS vẫn ở mức cao, 110 đô la Mỹ/thùng. Các nhà phân tích của ngân hàng này lưu ý giá dầu Brent có thể sẽ tăng lên 125 đô la Mỹ/thùng vào cuối quí 3-2023.

Theo UBS, giá dầu tăng trở lại không phải nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi mà là nhờ nhu cầu lớn hơn đối với các sản phẩm dầu mỏ để sản xuất điện và do thị trường tổng thể thắt chặt hơn khi Mỹ kết thúc chương trình bán dầu từ kho dự trữ chiến lược.

Trong quí hiện tại, giá dầu đã giảm khoảng 20% với lý do không liên quan đến động lực cung và cầu. Thay vào đó, giá dầu giảm sâu liên quan rất nhiều đến chính sách của các ngân hàng trung ương và đặc biệt là động thái thắt chặt tiền tệ quyết liệt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát bằng cách liên tiếp tăng lãi suất, đẩy giá đô la lên mức cao nhất trong 20 năm, khiến hàng hóa bao gồm dầu thô, được định giá bằng đồng tiền này, trở nên đắt hơn.

Nga đề xuất OPEC+ giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày

1. Tại cuộc họp của nhóm OPEC+ vào đầu tháng 10 tới, Nga dự kiến đề xuất giảm sản lượng của nhóm này 1 triệu thùng/ngày. Ảnh: Reuters

Về yếu tố cơ bản, G7 đang thúc đẩy áp trần giá dầu của Nga, mặc dù Moscow tuyên bố sẽ không bán dầu cho bất cứ nước nào tham gia liên minh giới hạn giá dầu của Nga.

Về phần mình, EU đang thảo luận về một gói trừng phạt khác nhằm vào Moscow sau khi bốn khu vực miền đông Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Liên bang Nga.

Trong khi đó, nhóm OPEC+, một liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bên ngoài do Nga dẫn đầu, vẫn sản xuất thiếu hụt so với các mục tiêu và điều này có thể sẽ tiếp tục. Ngoài ra, một số nhà phân tích kỳ vọng OPEC+ sẽ quyết định cắt giảm sản lượng nhiều hơn, tiếp tục siết chặt nguồn cung toàn cầu.

Hôm 27-9, Reuters dẫn một nguồn tin cho biết trong cuộc họp của OPEC + vào đầu tháng 10 tới,  Nga có thể đề xuất OPEC+ giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày.

Tại Mỹ, tồn kho dầu trong kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Thị trường dầu đang không cân bằng và nguồn cung ngày càng thắt chặt vì có rất ít nguồn cung mới để bù đắp cho sự cạn kiệt trữ lượng dầu tự nhiên ở các mỏ dầu hiện tại.

Đồng thời, với việc EU thắt chặt trừng phạt kinh tế đối với Nga, rất có thể giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng cao, yếu tố mà Ngân hàng UBS cho rằng sẽ khiến giá dầu tăng cao: nhu cầu lớn hơn về các sản phẩm dầu mỏ sử dụng để sản xuất điện thay thế cho khí đốt đắt đỏ.

Martijn Rats, nhà chiến lược dầu mỏ toàn cầu ở Ngân hàng Morgan Stanley nói với Bloomberg: “Hậu quả của việc giảm lượng dầu tồn kho trên toàn cầu là một khi nhu cầu tăng lên, giá dầu sẽ tăng vọt một lần nữa. Hiện tại, nhu cầu đã lùi lại một bước, nhưng bức tranh nguồn cung không thay đổi nhiều so với giới hạn nguồn cung không còn quá xa”.

Tóm lại, nguồn cung thiếu hụt là lý do quan trọng nhất có thể khiến giá dầu sớm phục hồi. Tăng trưởng nguồn cung đang đứng im trong khi nhu cầu sắp tăng lên. Giá dầu tăng mạnh ra sao trong năm sau sẽ tùy thuộc vào nhu cầu tăng mạnh ở mức nào.

Phát biểu tại Hội nghị xăng dầu châu Á-Thái Bình Dương thường niên lần thứ 38 ở Singapore hôm 28-9, các lãnh đạo ngành hóa dầu Trung Quốc nhận định nhu cầu dầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi vào năm sau. Trong năm nay, các hạn chế liên quan đến Covid-19 dự kiến khiến nhu cầu dầu của Trung Quốc lần đầu tiên giảm trong 20 năm qua.

Theo Oilprice, Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới