(KTSG Online) - Giá dầu thô trên thị trường quốc tế giảm mạnh về mức thấp nhất trong 6 tháng khi dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô và xăng ở Mỹ bất ngờ tăng vọt. Trong khi đó, nhóm OPEC+, một liên minh giữa Tổ chức nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh ngoài OPEC bao gồm Nga, nhất trí tăng thêm sản lượng 100.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng giá dầu khó giảm sâu trong thời gian tới vì nguồn cung vẫn căng thẳng và mối lo ngại về kinh tế toàn cầu suy thoái có thể bị thổi phồng quá mức.
- Giá cước vận tải sẽ hạ nhiệt khi giá xăng dầu giảm sâu hơn?
- Giá xăng dầu liên tiếp giảm, cước vận tải vẫn đứng yên
Thị trường bất ngờ trước thông tin dự trữ xăng dầu của Mỹ tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch hôm 3-8, giá dầu Tây Texas kỳ hạn ở thị trường New York giảm 3,76 đô la, tương đương 4%, về mức 90,66 đô la Mỹ/thùng, thấp nhất kể từ ngày 10-2, trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2.
Giá dầu Brent kỳ hạn ở London giảm 3,76 đô la, tương đương 3,7%, xuống mức 96,78 đô la/ thùng, cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 21-2.
Giá dầu giảm mạnh khi giới đầu tư đón nhận thông tin từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng mạnh vào tuần trước khi xuất khẩu giảm và các nhà máy lọc dầu giảm công suất. Đồng thời, lượng tồn kho xăng của Mỹ cũng tăng nhanh vì nhu cầu chậm lại.
Lượng dầu thô thương mại dự trữ của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng thêm 4,5 triệu thùng vào tuần trước, so với mức dự báo giảm 600.000 thùng của giới phân tích. Trong khi đó, tồn kho xăng của Mỹ tăng thêm 200.000 thùng, trái ngược với dự báo giảm 1,6 triệu thùng của giới phân tích.
Bob Yawger, Giám đốc phụ trách thị trường năng lượng tương lai tại Ngân hàng Mizuho, nói: “Con số dầu thô tồn kho của Mỹ cao hơn nhiều so với kỳ vọng. Tồn kho xăng tăng là một sự thất vọng đối với thị trường vì thông thường, bạn sẽ không bao giờ thấy tồn kho xăng của Mỹ tăng trong mùa hè”.
Cùng ngày, sau một cuộc họp trực tuyến, các Bộ trưởng Năng lượng của nhóm OPEC+ nhất trí tăng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9 tới. Con số này tương đương 0,1% nhu cầu toàn cầu và thấp hơn nhiều so với mức tăng sản lượng 648.000 thùng/ngày của OPEC+ trong tháng 7 và tháng 8.
OPEC+ giải thích quyết định tăng sản lượng ở mức hạn chế là do tình hình lạm phát tăng cao và số ca nhiễm Covid-19 trỗi dậy ở nhiều nước có thể tác động đến nhu cầu dầu toàn cầu trong mùa thu. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói, OPEC+ đã tăng sản lượng thận trọng sau khi xem xét những bất ổn trên thị trường bao gồm sự xuất hiện các biến thể mới của Covid-19 và các hạn chế của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga.
Các đại biểu của OPEC+ cho rằng công suất dự phòng hạn chế của nhóm này cần phải được giữ lại để sử dụng vào cuối năm nay khi thị trường dự kiến thắt chặt vì Mỹ kết thúc chương trình trích xuất dầu thô dữ trữ chiến lược.
Hazel Seftor, nhà phân tích cấp cao về nguồn cung dầu toàn cầu tại Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, cho biết mức tăng nói trên tạo ra rất ít khác biệt cho bức tranh nguồn cung chung. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng mức tăng có ý nghĩa ở chỗ nó đã thể hiện cam kết của nhóm OPEC + trong việc quản lý thị trường.
Ngoài ra, giá dầu cũng chịu áp lực giảm khi các quan chức Mỹ và Iran xác nhận họ đang tới Vienna (Áo) để nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp về chương trình hạt nhân của Iran. Thông tin này vực dậy những hy vọng đã tan biến về việc Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, cản trở xuất khẩu dầu của Iran.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg, Amos Hochstein, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về an ninh năng lượng toàn cầu, nói rằng giá khí đốt và dầu thô cần phải giảm thấp hơn nữa và để điều đó xảy ra, các nhà sản xuất ở Mỹ và OPEC + cần tăng sản lượng.
Hochstein lưu ý giá xăng trung bình toàn quốc ở Mỹ đã giảm trong 50 ngày liên tiếp, xuống còn 4,16 đô la/gallon (3,78 lít) so với mức cao kỷ lục hơn 5 đô la/gallon được ghi nhận hồi tháng 6.
Giá dầu được dự báo vẫn duy trì ở mức cao
Sau chuyến thăm Saudi Arabia vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden kỳ vọng OPEC+ sẽ tăng mạnh sản lượng nhưng điều đó đã không xảy ra. Vì vậy, Mỹ có thể tìm cách gia tăng nguồn cung dầu thô từ những nơi khác, dù đó là Iran và Venezuela, hai nước đang chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ, theo nhận định của Jacques Rousseau, Giám đốc Công ty Clearview Energy Partners.
Rousseau cho rằng sản lượng của OPEC+ tăng 100.000 thùng/ngày là con số quá nhỏ, vì vậy, thị trường dầu tiếp tục không đáp ứng đủ nhu cầu và giá dầu có thể duy trì ở mức cao trong thời gian tới.
Edward Moya, nhà phân tích tại Công ty môi giới ngoại hối OANDA, nói với AFP: “Mức tăng sản lượng thấp nhất trong lịch sử OPEC+ sẽ giúp ích rất ít cho cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay”. Ông dự đoán giá dầu sẽ giao dịch quanh mức 100 đô la/ thùng ngay cả khi rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu tăng nhanh.
Arun Kumar, Chủ tịch Công ty hóa dầu Bharat Petroleum (Ấn Độ), nhận định giá dầu thô có thể giảm xuống 90 đô la / thùng nếu nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, tiếp tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng suy giảm.
Ông nói: “Giá dầu có thể chạm mốc 90 đô la/thùng trong hai tháng nếu lạm phát của Mỹ tiếp tục căng thẳng và nền kinh tế nước này vẫn tăng trưởng thấp, đồng thời, Trung Quốc không thể tìm ra giải pháp cho những vấn đề kinh tế trong nước”. Tuy nhiên, Kumar cho rằng nhu cầu dầu có thể được hỗ trợ nhờ giá khí đốt cao kỷ lục, thúc đẩy các nước sử dụng dầu để sản xuất điện.
Trong báo cáo công bố hôm 3-8, Fitch Solutions dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 105 đô la/thùng trong năm 2022, 100 đô la/thùng trong năm 2023, trước khi giảm xuống 88 đô la trong năm 2024 và 2025. Báo cáo này giữ nguyên các dự báo đã đưa ra vào tháng trước. Các nhà phân tích của Fitch Solutions cho rằng các mối lo ngại về rủi ro kinh tế toàn cầu suy thoái có thể bị thổi phồng quá mức.
Theo Reuters, CNN, AP