Thứ Ba, 3/10/2023, 01:49
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Giá gạo tăng sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát ở châu Á

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giá gạo tăng sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát ở châu Á

Hải Hà

Giá gạo thế giới tăng đang cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực như từng xảy ra vào năm 2008 – Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Mặc dù nguồn cung gạo tại Thái Lan và Việt Nam hiện khá dồi dào, song việc giá nhiều loại ngũ cốc đang tăng mạnh có thể kéo giá gạo tăng theo, nhất là khi hai khách hàng lớn ở châu Á là Indonesia và và Bangladesh năm nay có nhu cầu gia tăng đột biến đối với mặt hàng gạo.

Nếu lúa gạo tăng giá mạnh cùng chiều với các ngũ cốc khác như ngô và lúa mì, tình hình lạm phát ở châu Á vốn căng thẳng sẽ càng thêm trầm trọng.

Reuters dẫn lời Ker Chung Yang, nhà phân tích hàng hoá thuộc Công ty Phillip Futures ở Singapore cho rằng “việc đổ xô đi mua gạo mới chỉ bắt đầu”. Và thêm rằng Bangladesh mới đây đã điều chỉnh tăng gấp ba mục tiêu nhập khẩu và Indonesia cũng tăng cường lượng mua gạo.

Tại Bangladesh quốc gia 150 triệu dân và là khách hàng mua gạo lớn nhất khu vực Nam Á, các thương gia cho biết hoạt động mua gạo gần đây diễn ra khá sôi động sau khi giá gạo trên thị trường nội địa tăng 50% trong năm vừa qua. Cuối tháng 1 vừa qua, Bangladesh thông báo nâng gấp ba mục tiêu nhập khẩu gạo trong năm kết thúc vào ngày 30/6/2011 lên 900.000 tấn để ngăn giá tăng hơn nữa.

Cuối tháng 1/2011, Indonesia đặt mua 820.000 tấn gạo Thái Lan, gần gấp 4 lần so với mục tiêu ban đầu là 170.000 tấn. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Thái Lan chỉ cung cấp được cho Jakarta 351.000 tấn, bởi không đảm bảo được kỳ hạn giao hàng mà phía Indonesia yêu cầu.

Về phía mình, để đảm bảo đủ nhu cầu, Indonesia chuyển hướng sang mua 400.000 gạo Việt Nam, loại 15% tấm. Giám đốc Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog), Sutarto Alimoeso, cho biết lượng gạo nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam đã đáp ứng được 60% – 70% kế hoạch.

Theo yêu cầu của Chính phủ, Bulog sẽ ngưng nhập khẩu gạo vào cuối tháng 3/2011 và chuyển sang thu mua nội địa. Indonesia có 230 triệu dân và lạm phát hiện đang ở mức cao kỷ lục của 20 tháng.

Các thương gia dự báo sẽ có thêm nhiều quốc gia tham gia mua gạo vì thấy có nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng lương thực mới.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), giá lương thực, thực phẩm thế giới đã liên tục tăng trong 7 tháng qua, lập kỷ lục cao mới vào tháng 1/2011, mà một trong những nguyên nhân chính là do giá ngũ cốc tăng. FAO nhận định xu hướng giá tăng sẽ còn tiếp diễn, theo Reuters.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đều nhận định rằng khả năng khủng hoảng lương thực trầm trọng và giá tái thiết lập đỉnh cao 1.000 đô la/tấn như năm 2008 là rất khó xảy ra, bởi nguồn cung gạo lúc này khá dồi dào.

Nguồn cung từ Việt Nam đang tăng lên, và lượng nhập khẩu vào Philippines – nước nhập khẩu lớn nhất thế giới trong năm 2010 – dự kiến giảm, khiến gạo không có nguy cơ tăng mạnh như lúa mì, đậu tương và các lương thực khác.

Mặc dù vậy, giá lương thực, trong đó có lúa gạo, có cơ hội tăng bền vững bởi nhu cầu từ các khu vực đang phát triển như Đông Nam Á.

Cơ hội đang rộng mở với các nhà sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam nhờ nguồn cung dồi dào, giá cao trên thị trường thế giới và đồng nội tệ giảm giá so với đồng đô la Mỹ khiến cho gạo Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh so với gạo Thái Lan – đối thủ cạnh tranh lớn nhất.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo tính đến giữa tháng 2 đạt 600.000 tấn, đạt giá trị trên 300 triệu đô la.

Còn Thông tấn xã Việt Nam thì cho biết, khối lượng gạo các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu đến hết tháng 1/2011 là hơn 1,5 triệu tấn, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là 2 hợp đồng tập trung với Malaysia và Indonesia.

Dự kiến năm 2011 sẽ tiếp tục là cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam và thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới