(KTSG Online) – Giá khí đốt ở châu Âu và châu Á tăng mạnh do xung đột Hamas-Israel, nguy cơ đình công ở các nhà máy xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) lớn của Úc và tính tổn thương của cơ sở hạ tầng, bao gồm vụ rò rỉ đường ống ở biển Baltic, bị nghi ngờ do phá hoại.
- Phụ thuộc nguồn cung LNG toàn cầu, châu Âu dễ tổn thương trước cú sốc năng lượng
- Châu Âu tăng cường dự trữ khí đốt ở Ukraine
Hôm 12-10, giá hợp đồng tương lai đối với khí đốt của Hà Lan, giá tiêu chuẩn ở châu Âu, tăng tới 14,2% lên 53 euro/MWh, nâng mức tăng lên hơn 30% kể từ cuộc tấn công của Phong trào Hồi giáo Hamas vào Israel cuối tuần trước. Tại châu Á, giá LNG giao ngay đang được chào bán ở mức cao nhất trong tám tháng.
Giá khí đốt châu Âu hiện ở mức cao nhất kể từ tháng 3 khi các nhà giao dịch lo ngại nguồn cung khí đốt bị ảnh hưởng do gián đoạn đường ống và xung đột giữa Israel và Hamas.
Diễn biến này là cú sốc mới nhất đối với một thị trường đầy biến động kể từ khi Nga đưa quân sang biên giới của Ukraine hồi đầu năm ngoái. Giá khí đốt ở châu Âu đã giảm từ mức đỉnh hơn 300 euro/MWh vào tháng 8-2022 và châu Âu đã lấp đầy phần lớn công suất khí đốt dự trữ để chuẩn bị cho nhu cầu trong mùa đông.
Tuy nhiên, đà tăng giá liên tục của khí đốt hiện nay sẽ đẩy chi phí của các doanh nghiệp và người tiêu dùng lên cao một khi lượng khí dự trữ mùa đông của lục địa này giảm xuống.
Để đối phó với cuộc xung đột, Israel đã cắt giảm sản lượng xuất khẩu khí đốt sang Ai Cập. Trong tuần qua, Phần Lan cho biết họ nghi ngờ vụ rò rỉ đường ống dẫn khí Balticconnector kết nối nước này với Estonia ở dưới biển Baltic là do phá hoại. Cùng lúc đó, các cuộc đình công của công nhân ở các nhà máy xuất khẩu LNG của Úc vẫn chưa được giải quyết.
“Giá khí đốt tăng do nguồn cung thấp hơn, nhưng quan trọng hơn là rủi ro về nguồn cung. Có lẽ mối lo ngại lớn hơn là xung đột Hamas-Israel có thể biến thành xung đột khu vực”, Edward Gardner, nhà kinh tế hàng hóa của Capital Economics, nhận định trong một báo cáo phát hành hôm 12-10.
Hôm 9-10, do lo ngại an ninh, Bộ Năng lượng Israel đã ra lệnh cho tập đoàn năng lượng Chevron của Mỹ tạm thời đình chỉ các hoạt động tại mỏ khí Tamar, dự án nằm gần nhất với Dải Gaza trong số ba dự án khí đốt ngoài khơi của Israel.
Theo Capital Economics, mỏ khí Tamar chiếm khoảng 50% sản lượng hơn 20 tỉ mét khối khí đốt hàng năm của Israel. Phần lớn khí đốt của Israel được tiêu thụ trong nước và khoảng 1/3 được xuất khẩu qua đường ống tới Ai Cập và các thị trường toàn cầu. Ai Cập cũng là nhà cung cấp khí LNG quan trọng cho châu Âu.
“Khi mỏ khí Tamar ngừng hoạt động, Israel sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp tục xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Ai Cập bằng đường ống. Điều này có nghĩa là xuất khẩu LNG của Ai Cập ra thị trường toàn cầu khó có thể phục hồi nhiều sau thời gian tạm lắng theo mùa”, Gardner nói thêm.
Ông lưu ý, hoạt động sản xuất tại mỏ khí đốt lớn khác của Israel, mỏ Leviathan nằm gần Lebanon, cũng có thể bị đình trệ nếu xung đột ở Trung Đông lan rộng.
Đồng thời, các thương nhân ở Bắc Âu lo ngại vụ rò rỉ đường ống Balticconnector dài 77 km ở Biển Baltic giữa Phần Lan và Estonia có thể là kết quả của sự phá hoại.
Tom Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt của hãng nghiên cứu thị trường năng lượng ICIS, cho rằng yếu tố địa chính trị đằng sau vụ rò rỉ đường ống Balticconnector là nguyên nhân chính khiến giá khí đốt tăng.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö đã thảo luận về thiệt hại của vụ rò rỉ đường ống này với Jens Stoltenberg, Tổng thư ký của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Marzec-Manser cho biết, việc nguyên nhân rò rỉ chưa được làm rõ đã khiến thị trường lo lắng.
Trong khi đó, mối đe dọa đình công của công nhân tại các nhà máy LNG của tập đoàn Chevron tại Úc cũng làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung. Điều này cho thấy thị trường khí đốt châu Âu dễ tổn thương trước tình trạng bất ổn của thị trường LNG toàn cầu như thế nào sau khi khu vực thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga. Công nhân ở hai nhà máy xuất khẩu LNG của Chervon, Gorgon và Wheatstone, đang yêu cầu tăng lương và cải thiện các phúc lợi khác, nếu không, họ sẽ tổ chức đình công vào tuần tới. Hai nhà máy này chiếm khoảng 7% nguồn cung LNG toàn cầu.
Theo Financial Times