Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giá phân bón giảm xuống mức thấp nhất trong 19 tháng

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá phân bón đang giảm nhanh sau khi chạm các mức cao kỷ lục trong năm 2022 khi chi phi khí đốt tự nhiên, nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón, và nhu cầu của nông dân cùng giảm. Tuy nhiên, nguồn cung phân bón trên toàn cầu được dự báo vẫn còn hạn chế trong nhiều tháng nữa.

Các bao phân bón được di chuyển bằng cần trục tại một nhà máy phân bón ở Cherepovets, Nga. Ảnh: Bloomberg

Hôm 6-1, chỉ số phân bón Bắc Mỹ do công ty Green Markets theo dõi giảm 4%, xuống còn 672,82 đô la Mỹ / tấn non (short ton, tương đương 907 kg), mức thấp nhất kể từ tháng 6-2021. Chỉ số này đã tăng lên mức kỷ lục 1.270 đô la / tấn non sau khi Nga đưa quân qua biên giới Ukraine vào cuối tháng 2-2022, khiến thị trường chất dinh dưỡng cây trồng của thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Giá phân bón giảm mang lại sự nhẹ nhõm cho nông dân trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước nghèo sau khi họ đối mặt với chi phí gia tăng đối với mọi thứ liên quan đến trồng trọt, từ phân bón và nhiên liệu cho đến thiết bị sản xuất và nhân công. Với áp lực chi phí giảm bớt, nông dân có thể mở rộng diện tích trồng trọt và bón nhiều phân hơn, thúc đẩy sản lượng và cuối cùng, giúp giảm chi phí lương thực cho người tiêu dùng vốn đang trải qua các mức lạm phát cao trong lịch sử.

Nhà phân tích Alexis Maxwell của Bloomberg Intelligence nhận định thị trường phân bón hiện đang trong chu kỳ giảm giá trên toàn cầu do nông dân hạn chế mua và giá khí đốt tự nhiên, nguyên liệu đầu vào cho hầu hết phân bón nitơ, giảm.

Maxwell nói: “Chúng tôi dự đoán giá phân bón sẽ giảm xuống mức thấp hơn nữa trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên thị trường Mỹ có thể chứng kiến giá phân bón cao hơn các khu vực khác trong quí đầu tiên khi nông dân tranh mua”.

Dù đã giảm xuống mạnh so với mức đỉnh trong năm 2022 nhưng giá phân bón vẫn ở cao so với các mức trong lịch sử. Giá giảm một phần phản ánh nhu cầu yếu khi nông dân giảm bón phân cho cây trồng do nguồn cung bị hạn chế và giá đắt đỏ.

Thị trường phân bón bị ảnh hưởng bởi các vấn đề từ phía nguồn cung, bao gồm khủng hoảng sản xuất ở châu Âu, tình trạng gián đoạn xuất khẩu do lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và Belarus, và các hạn chế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc.

Năm ngoái, giá khí đốt tự nhiên (nguyên liệu để sản xuất amoniac) tăng vọt ở châu Âu, dẫn đến việc hoạt động sản sản xuất amoniac bị cắt giảm trên diện rộng. Amoniac ( NH3) là nguyên liệu chính để sản xuất ra loại phân bón chứa nitơ như urê, DAP, NPK.  Tính đến tháng 10-2022, khoảng 70% công suất sản xuất amoniac của châu Âu đã bị cắt giảm hoặc ngừng hoạt động. Tuy nhiên, chi phí khí đốt đã giảm mạnh trong những tháng gần đây nhờ châu Âu tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để dự trữ cũng như thời tiết ấm bất thường trong mùa đông ở khu vực. Điều này có thể cho phép một số cơ sở sản xuất phân đạm bị đóng cửa ở châu Âu hoạt động trở lại.

Nguồn cung phân bón cũng bị gián đoạn do chiến tranh. Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ và một số nước đồng minh phưng Tây đã tung ra một loạt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga và Belarus, hai nhà cung cấp phân bón quan trọng. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đặt ra những miễn trừ đối với lĩnh vực thực phẩm và phân bón để tránh những tác động tiêu cực đến an ninh lương thực toàn cầu. Các miễn trừ này cho phép Nga tiếp tục xuất khẩu phân bón. Dù vậy, xuất khẩu kali từ Belarus đã giảm hơn 50% do các hạn chế sử dụng lãnh thổ EU cho mục đích quá cảnh hàng hóa. Đặc biệt, Lithuania đã cấm sử dụng mạng lưới đường sắt của mình để vận chuyển phân kali của Belarus đến cảng Klaipeda, nơi thường xử lý 90% lượng hàng kali xuất khẩu của Belarus.

Mối lo ngại về nguồn cung trở nên trầm trọng hơn khi Trung Quốc gia hạn các hạn chế xuất khẩu đối với phân bón cho đến cuối năm 2022 để duy trì nguồn cung trong nước. Trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón DAP từ Trung Quốc, chiếm 30% thương mại DAP toàn cầu, giảm gần 50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu urê của Trung Quốc giảm khoảng 60% trong cùng thời kỳ.

Hồi cuối tháng 12, Nga kéo hạn các hạn ngạch xuất khẩu đối với một số loại phân bón để bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước khi nông dân Nga chuẩn bị bước vào vụ mùa mới. Theo đó, Nga cho phép các nhà sản xuất phân bón xuất khẩu tối đa gần 11,8 triệu tấn phân bón trong 5 tháng đầu năm 2023. Một số loại phân bón chứa nitơ sẽ bị giới hạn xuất khẩu ở mức 5,87 triệu tấn trong giai đoạn này, trong khi đó, các sản phẩm phân bón nitơ tổng hợp bị giới hạn xuất khẩu ở mức 4,9 triệu tấn.

Các hạn ngạch xuất khẩu này áp dụng cho những thị trường bên ngoại Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) bao gồm các nước thành viên Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga.

Nga là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, tập trung vào các thị trường như Mỹ và Brazil. Nhập khẩu phân urê Nga của Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2022 giảm 42% so với cùng kỳ năm 2021. Mỹ  không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc nhập khẩu phân có chứa nitơ của Nga, nhưng một số nhà nhập khẩu đã chuyển sang mua phân bón từ các nước khác sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine.

Theo Bloomberg, World Bank

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới