(KTSG Online) - Giá tiêu dùng của Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh nhất trong 3 năm, trong khi chi phí sản xuất thậm chí còn giảm sâu hơn. Điều này làm gia tăng thách thức mà Bắc Kinh đối mặt trong quá trình phục hồi kinh tế.
- Vấn đề của kinh tế Trung Quốc: thiếu lạm phát!
- Giá thịt heo giảm sâu, đe dọa đẩy Trung Quốc quay lại giảm phát
Hôm 9-12, Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 0,5% trong tháng trước so với một năm trước đó. Đây là mức giảm CPI lớn nhất kể từ tháng 11-2020 và mạnh hơn hơn mức giảm 0,2% mà các nhà kinh tế dự đoán trong cuộc khảo sát của Bloomberg. CPI cơ bản, loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm dễ biến động, tăng 0,6% trong tháng 11.
Trong khi đó, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), đo lường giá cả bán từ cổng nhà máy, giảm 3%, so với dự báo giảm 2,8%. Chỉ số này đã rơi vào tình trạng giảm phát trong 14 tháng liên tiếp.
Trung Quốc vật lộn với tình trạng giá cả sụt giảm trong năm nay, trái ngược với nhiều nơi khác trên thế giới, nơi các ngân hàng trung ương đang tập trung vào cuộc chiến chống lạm phát.
Bloomberg Economics dự đoán, rủi ro giảm phát của Trung Quốc tiếp tục kéo dài đến năm 2024 do không có đủ chất xúc tác để chống lại cơn suy thoái của thị trường nhà ở, vốn đang kìm hãm nhu cầu và giá cả.
Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận định áp lực giảm phát ở Trung Quốc gia tăng do nhu cầu trong nước yếu. “Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách tài khóa cần hỗ trợ nhiều hơn”, ông nói,
Giảm phát là mối nguy hiểm đối với Trung Quốc vì nó có thể dẫn tới vòng xoáy đi xuống của hoạt động kinh tế. Người tiêu dùng có thể ngừng mua hàng vì kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm, gây áp lực thêm cho mức tiêu dùng tổng thể. Các doanh nghiệp có thể giảm sản xuất và đầu tư do nhu cầu không chắc chắn trong tương lai.
Giảm phát cũng có thể khiến các chính sách tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế kém hiệu quả hơn. Khi giá cả giảm, thu nhập của doanh nghiệp cũng giảm, khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc trả nợ. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã tìm cách hạ thấp rủi ro giảm phát. Tháng trước, một cố vấn của PBoC bình luận rằng áp lực đó chỉ là “tạm thời”.
Bắc Kinh gần đây đã chuyển sang sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy nhu cầu trong nước, chẳng hạn cho phép tăng thâm hụt ngân sách và khuyến khích các ngân hàng giúp chính quyền địa phương tái cấp vốn cho các khoản nợ với lãi suất thấp hơn để tăng khả năng chi tiêu của họ.
Có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ tăng cường chính sách hỗ trợ tài khóa trong năm tới để thúc đẩy phục hồi. Hôm 8-12, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc tuyên bố các chính sách như vậy sẽ được tăng cường “một cách thích hợp”, cho thấy mục tiêu tăng trưởng năm tới có thể đầy tham vọng.
Tuy nhiên, việc chi tiêu bổ sung của chính phủ để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu đến từ các lĩnh vực khác là rất khó khăn. Trong tháng 11, doanh số bán nhà mới của 100 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã giảm 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu của Trung Quốc vẫn yếu, chỉ tăng 0,5% trong tháng trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ trong những năm gần đây. Các nhà kinh tế cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định mức tăng trưởng này báo hiệu xuất khẩu đã chạm đáy.
Số liệu CPI yếu một phần là do giá thịt heo sụt giảm. Nguồn cung thịt heo dồi dào và mức tiêu thụ chậm chạp đã đè nặng lên thị trường, khiến chính phủ phải thực hiện can thiệp để hỗ trợ giá. Loại thịt này chiếm tỷ trọng lớn trong rổ CPI của Trung Quốc.
Trung Quốc đặt mục tiêu lạm phát hàng năm khoảng 3% trong năm nay và gần như chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu này. Các nhà kinh tế có quan điểm trái chiều về triển vọng giá cả trong năm 2024 ở Trung Quốc. Một số cho rằng giá tiêu dùng có thể tăng với tốc độ khoảng 1% khi tâm lý được cải thiện, trong khi những người khác dự báo giảm phát sẽ tiếp tục kéo dài trong nửa đầu năm.
Theo Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc đại lục của hãng dịch vụ bất động sản Jones Lang LaSalle, kích thích tài khóa chủ động sẽ là một phần quan trọng trong các mục tiêu chính sách của Trung Quốc trong năm tới. Nhưng bà cho rằng các biện pháp này cần phải “đạt được sự cân bằng giữa thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng cũng như hạn chế rủi ro nợ” của chính quyền địa phương.
Theo Bloomberg