(KTSG Online) – Việc thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” để phòng chống dịch Covid-19 đã khiến công suất chế biến của các nhà máy thủy sản giảm một nửa, kéo giá tôm nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sụt giảm theo.
Theo người nuôi tôm ở ĐBSCL, so với thời điểm trước khi xảy ra đợt bùng phát dịch Covid-19, giá tôm nguyên liệu ở nhiều địa phương ĐBSCL hiện đã đồng loạt giảm, khoảng 15.000-20.000 đồng/kg (tuỳ loại).
Ví dụ, ỏ tỉnh Bạc Liêu, tôm thẻ chân trắng được doanh nghiệp chế biến thuỷ sản mua vào đối với trường hợp có kiểm kháng sinh, loại 20 con/kg có giá 210.000 đồng/kg; loại 25 con có giá dao động từ 152.000-157.000 đồng/kg; loại 30 con/kg có giá từ 130.000-132.000 đồng/kg; loại 40 con/kg là 114.000 đồng/kg; loại 50 con/kg là 99.000 đồng/kg; loại 60 con/kg là 94.000 đồng/kg và 100 con/kg là 66.000 đồng/kg.
Trong khi đó, đối với trường hợp mua không qua kiểm tra kháng sinh, tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg có giá 89.000 đồng/kg; 60 con là 84.000/kg; 70 con là 79.000 đồng/kg và 100 con là 64.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Trà Vinh, tôm sú chạy oxy (tôm còn sống) loại 20 con/kg có giá 200.000 đồng/kg; loại 30 con/kg là 160.000 đồng/kg... Tôm thẻ chân trắng chạy oxy loại 30 con/kg là 130.000 đồng/kg; loại 40 con/kg là 110.000 đồng/kg...
Ông Nguyễn Văn Tuấn, thương lái mua tôm ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, cho biết giá tôm nguyên liệu hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. “Doanh nghiệp chế biến thuỷ sản ngưng hoạt động hoặc giảm công suất, trong khi nông dân vào vụ buộc phải thu hoạch, khiến giá tôm nguyên liệu sụt giảm”, ông Tuấn giải thích. Ông cho rằng, việc đi lại thu mua gặp rất nhiều khó khăn cũng tác động khiến giá tôm sụt giảm.
Báo cáo của Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tình hình chế biến, xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp phía Nam tiếp tục gặp khó khăn.
Theo đó, đến ngày 16-8, đã có 123 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở 19 địa phương phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải tạm dừng sản xuất, tức còn lại 326 cơ sở hoạt động. “Tuy nhiên, do thiếu công nhân và chia ca để phòng, chống dịch nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng chỉ thị 16”, báo cáo của Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính mới đây cho biết, hiện chỉ còn khoảng 30% doanh nghiệp thuỷ sản tại các tỉnh phía Nam đảm bảo được điều kiện thực hiện “3 tại chỗ”, tức có 70% doanh nghiệp không đáp ứng đã phải ngưng sản xuất.
Ông Hoè cũng cho biết việc huy động nguyên liệu thuỷ sản cho chế biến, xuất khẩu chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài do việc thực hiện giãn cách.
Việc huy động nguồn nguyên liệu vào nhà máy sụt giảm, trong khi sản phẩm của người nông dân buộc phải thu hoạch khiến giá tôm sụt giảm.
Giá tôm sụt giảm thời điểm hiện nay rất có thể sẽ dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu cho những tháng cuối năm, bởi sản xuất không có lãi, người nông dân không tái đầu tư tiếp.
VASEP cũng đưa ra dự báo, quí 4 năm nay, nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt trầm trọng và giá bán sẽ phục hồi, nhất là với tôm cỡ lớn, do vậy, đơn vị này cho rằng việc đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất là cần thiết.
Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, bảy tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 2,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối thị trường CPTPP đạt 582 triệu đô la Mỹ, tăng 15% so với cùng kỳ; sang Mỹ đạt 584,6 triệu đô la Mỹ, tăng 34%; sang EU (Liên minh châu Âu) đạt 320 triệu đô la Mỹ, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái...