Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải mã thâm hụt ngân sách của các nước

Lê Hoài Ân (*) - Nhật Tiên (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu đều phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, hoạt động trợ cấp của chính phủ và các hoạt động đầu tư công đang trở thành điểm tựa tăng trưởng kinh tế chính tại nhiều quốc gia. Nhưng với các gói kích cầu lớn, mối lo về thâm hụt ngân sách gia tăng mạnh có thể làm chính phủ chùn tay. Bài viết này sẽ cho thấy một góc nhìn khác về thâm hụt ngân sách của các chính phủ, qua đó gợi ý cách làm cho Việt Nam.

Xu hướng tỷ lệ thâm hụt ngân sách cao

Các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada có tỷ lệ thâm hụt ngân sách trong năm 2020 tăng vọt so với năm 2017, do các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Các nước sử dụng nợ công để huy động nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt cơ sở hạ tầng tại các vùng kinh tế trọng điểm, mở rộng kết nối giữa các vùng, nâng cao năng lực quản trị số và chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, không phải đến khi đại dịch thì ngân sách của các chính phủ mới bị thâm hụt mà việc thâm hụt vẫn diễn ra từ trước. Thâm hụt ngân sách xảy ra khi các chính phủ đều thực hiện chi tiêu nhiều hơn số thuế thu được. Khái niệm thâm hụt luôn có vẻ rất đáng ngại và mang ý nghĩa thiên về tiêu cực về việc quản lý tài chính. Ở góc độ cá nhân hay doanh nghiệp thì việc chi tiêu vượt quá nguồn thu đều tiềm ẩn những rủi ro đối với an toàn tài chính của cá nhân hoặc đơn vị đó. Các chính phủ luôn ấn định một mức trần nợ công nhằm mục tiêu quản lý an toàn tài chính của quốc gia.

Điểm mấu chốt của chính sách thâm hụt ngân sách của chính phủ là cần đảm bảo những khoản thâm hụt đó có đang tác động vào những khu vực “chưa toàn dụng” của nền kinh tế.

Các nước Đông Nam Á đã áp dụng việc nới lỏng “trần nợ công” để ứng phó với đại dịch, mà gần đây nhất là Thái Lan đã nâng trần nợ công từ 60% lên 70% GDP. Đối với Việt Nam thì trần nợ công là 65% GDP, nhưng ở các quốc gia phát triển thì các con số nợ vượt trên mức 100% GDP là điều rất phổ biến, như chúng ta thấy ở Mỹ và Canada với với tỷ lệ nợ công 100-120% GDP, trong khi đó mức nợ công hiện tại của Nhật Bản lại lên đến 266% GDP.

Ngày 14-10-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật tạm thời nâng mức trần nợ công lên 28.900 tỉ đô la Mỹ, giúp tạm thời tránh nguy cơ vỡ nợ liên bang trong những tháng tới. Hành động nâng trần nợ công mở ra cho Bộ Tài chính Mỹ dư địa để tài trợ cho các hoạt động khác.

Trái ngược với những suy nghĩ tiêu cực về tỷ lệ thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công, Mỹ hay Nhật Bản đều được đánh giá là những quốc gia có những khoản trái phiếu do chính phủ phát hành là an toàn nhất.

Sự khác biệt về ý nghĩa thâm hụt của chính phủ so với các thành phần kinh tế khác

Khác với khu vực tư nhân, chính phủ là những đơn vị phát hành tiền và tiền bút tệ ngày nay hoàn toàn khác so với tiền trong chế độ bản vị vàng của những năm 1970. Để có tiền trợ cấp cho các hộ gia đình cũng như chi tiêu cho hoạt động đầu tư công, các nước không cần phải in tiền mà thay vào đó chính là các khoản nợ được ghi vào bảng cân đối kế toán của chính phủ và tiền từ hệ thống ngân hàng có thể được bơm vào các thành phần hoặc khu vực kinh tế mà chính phủ muốn tác động.

Hãy suy nghĩ về câu chuyện của một người từ quê lên Sài Gòn lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng. Nếu như không có những công cụ lao động thì người đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là không thể phát huy được những tiềm năng trong sức lao động. Công cụ lao động ở đây có thể chính là một chiếc xe máy hoặc một chiếc máy tính xách tay.

Một khoản vay dù chỉ rất nhỏ cho họ, từ mức 20-30 triệu đồng, sẽ có thể tạo ra một sức bật rất lớn trong khả năng tạo ra nguồn thu cho họ trong tương lai. Những khoản kích cầu của chính phủ khi được sử dụng hiệu quả cũng vậy. Hãy nghĩ về những con đường cao tốc hoặc những chiếc cầu bắt qua sông. Những khoản đầu tư đó dù rất lớn và có thể tạo ra các khoản nợ cho chính phủ, nhưng lại có thể khơi thông những giá trị tiềm năng rất lớn của nền kinh tế.

Nâng cấp hạ tầng đường bộ với các dự án cao tốc Bắc – Nam, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trước mắt sẽ giúp Việt Nam có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa từ các vùng nguyên liệu về đến các nhà máy cũng như đến các cảng xuất khẩu.

Điểm mấu chốt của chính sách thâm hụt ngân sách của chính phủ là cần đảm bảo những khoản thâm hụt đó có đang tác động vào những khu vực “chưa toàn dụng” của nền kinh tế.

Đối với những khu vực đã toàn dụng, có thể những tác động của những khoản đầu tư từ nợ công chỉ đang chuyển những lợi ích cục bộ từ khu vực chính phủ sang một khu vực nhất định khác. Hơn nữa, khi các khoản chi tiêu này không thể tạo ra sự gia tăng thêm về năng lực sản xuất của nền kinh tế, nó có thể là nguồn gốc tạo ra áp lực lạm phát.

Đại dịch là một cơ hội để kiến tạo xã hội mới

Dịch Covid-19 thực tế đã và đang tạo ra rất nhiều sự đổ vỡ, không những đối với các cá nhân hay doanh nghiệp, mà còn bộc lộ những hạn chế trong khả năng quản lý nguồn lực trọng yếu của các quốc gia. Diễn biến nền kinh tế sau dịch sẽ là cơ hội để chính phủ có cơ hội để lắp ráp lại từng mảnh vỡ đó theo một cách khác hơn so với mô hình truyền thống, bền vững hơn để sẵn sàng đương đầu với những biến cố lớn hơn có thể xảy ra trong tương lai.

Đối với những quốc gia phát triển như Mỹ, dịch Covid-19 cũng là một cơ hội để họ có thể nâng cấp hạ tầng hiện tại. Tổng thống Mỹ Joe Biden những tháng trước đã đạt được sự thông qua một gói phát triển hạ tầng với quy mô lên đến 1.000 tỉ đô la Mỹ. Ở bên kia đại dương thì Trung Quốc ngay từ những năm trước dịch Covid-19 cũng đã thực hiện những chương trình đầu tư siêu khổng lồ để nâng cấp hạ tầng nền kinh tế.

Đối với Việt Nam, việc đầu tư phát triển hạ tầng sau đại dịch đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn trong dài hạn. Nâng cấp hạ tầng đường bộ với các dự án cao tốc Bắc – Nam, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trước mắt sẽ giúp Việt Nam có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa từ các vùng nguyên liệu về đến các nhà máy cũng như đến các cảng xuất khẩu.

Đường xá lớn hơn không những giúp tốc độ lưu thông lớn hơn mà còn giúp việc lưu thông hàng hóa với quy mô lớn hơn. Các doanh nghiệp khi đó sẽ sẵn sàng chi tiêu đầu tư ở các thành phố vệ tinh xa hơn, qua đó giảm thiểu việc tập trung dân số về các thành phố lớn như TPHCM hay Hà Nội.

Cơ sở hạ tầng là công cụ kích thích nền kinh tế trên toàn thế giới. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một xã hội bền vững hơn và tạo ra một thế giới “tốt hơn bình thường” sau Covid-19. Nếu những điều đó xảy ra thì những mức thâm hụt gia tăng hiện tại của các chính phủ lại là một tín hiệu tích cực.

(*) CFA
(**) BUH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới