Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải pháp giúp nông dân ĐBSCL thoát khỏi ‘vòng kim cô’ cây lúa

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ – cho rằng việc giao chỉ tiêu GDP từ chính quyền cấp trên xuống cấp dưới với đơn vị là tấn lúa khiến nhiều nông dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải trồng lúa mà không được làm những việc khác, từ đó dần mắc trong “vòng kim cô” mang tên cây lúa.

Quan điểm này được GS Võ Tòng Xuân nêu tại tọa đàm “Đồng bằng sông Cửu Long: Thuận thiên bền vững, vượt đại dịch” sáng 16-12.

Loay hoay trong “vòng kim cô” cây lúa

Ông Xuân cho biết “vòng kim cô” mang tên cây lúa là việc giao chỉ tiêu GDP từ chính quyền cấp trên xuống cấp dưới với đơn vị là tấn lúa – thay vì tiền – khiến chính quyền nhiều địa phương ép bà con nông dân trồng lúa mà không được làm những việc khác.

Cũng theo ông Xuân, không chỉ ông, mà rất nhiều cán bộ địa phương cũng nói đó là “vòng kim cô”.

“Khi tôi đi các vùng ven biển như Bạc Liêu, lúa trong mùa khô thì đang chết cháy, thiếu nước, nhưng kế bên những người có lúa cháy này là những người nuôi tôm lại rất sung sướng. Cùng một xóm nhưng có người than khổ, có người thì rất sung sướng. Tôi mới hỏi mấy cán bộ địa phương cho bà con nuôi tôm nhưng mà đây là huyện bắt buộc phải trồng lúa”, ông Xuân nhớ lại.

Nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

Tương tự, TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright – cho rằng quan điểm chú trọng an ninh lương thực khiến chính quyền và người dân ĐBSCL duy trì diện tích trồng lúa trong thời gian dài, bất chấp những khó khăn do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. Theo đó, nguồn vốn đầu tư công được tập trung để xây đập ngăn mặn, thay vì hạ tầng giao thông. Còn các nguồn tài nguyên gồm nước ngọt, đất phù sa bị tận khai do có tới 3 vụ lúa với diện tích gieo trồng lớn. Thậm chí, tình trạng sử dụng phân bón, hóa chất và khai thác nước ngầm phục vụ gieo trồng quá nhiều đã khiến đất đai sụt lún.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng sự hạn hẹp về khái niệm “tài nguyên” và “an ninh lương thực” cũng khiến khu vực này bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. “Việc quy an ninh lương thực thành an ninh về lúa, quy an ninh về lúa thành diện tích về lúa phải giữ khiến khu vực này khó chuyển đổi sang các hoạt động kinh tế khác”, ông Tự Anh nói tại một hội thảo trực tuyến do Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tổ chức.

Cũng theo ông Tự Anh, với cây lúa thì nước ngọt là tài nguyên, nhưng với tôm và cá thì nước mặn và nước lợ là tài nguyên. Việc khu vực này ưu tiên trồng lúa đã khiến các lĩnh vực khác không thể phát triển, dù tôm và cá mang lại lợi ích kinh tế rất lớn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự ra đời của Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng sự chuẩn bị của các bộ, ngành để chuyển sang giai đoạn phát triển ĐBSCL thuận theo thiên nhiên đã giúp đời sống người nông dân khu vực này có nhiều thay đổi.

GS Võ Tòng Xuân cho biết các địa phương đã mạnh dạn cùng nông dân phát triển cây kỹ thuật, hệ thống canh tác sau khi có Nghị quyết 120. Theo đó, người dân vùng biển có thể đưa một vụ tôm hoặc hai vụ tôm vào vụ lúa của mình.

Ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) – cho biết Nghị quyết 120 cũng đã mang tới nhiều thay đổi nước sạch tại khu vực này. Theo đó, công trình cống Cái Lớn, Cái Bé đã chủ động điều tiết, kiểm soát nước mặn và ngọt trên diện tích hơn 300.000 ha khu vực Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu giúp người nông dân có nước ngọt, nước sạch phục vụ nuôi trồng thuỷ sản và sinh hoạt hàng ngày. Còn dự án lớn Bắc Bến Tre đã khắc phục được tình trạng nước mặn tiết ra sông.

Nâng cao khả năng liên kết vùng

Để giúp khu vực ĐBSCL phát triển tốt hơn, GS Võ Tòng Xuân kiến nghị Chính phủ triển khai quy hoạch vùng với những nội dung cụ thể hơn theo định hướng thuận thiên.

“Có những nơi mùa mưa chứa nước nhiều quá nhưng mùa khô lại không có. Vậy thay vì 3 vụ lúa vừa tốn kém nước ngọt hiếm hoi, thì mùa khô chuyển sang trồng xoài chẳng hạn. Những cách làm đó tới đây sẽ được các ngành, bà con nông dân ngồi lại cùng với doanh nghiệp có đầu ra lớn bàn bạc để Nghị quyết 120 thành công hơn”, ông Xuân nói.

Cao tốc TPHCM – Trung Lương kết nối TPHCM với ĐBSCL. Ảnh: H.P

Với giải pháp liên kết vùng, GS. Trần Thục – Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu – cho rằng phải có quy hoạch tích hợp, quy hoạch toàn bộ ĐBSCL để các tỉnh, thành phố có quyền tích hợp cho địa phương mình và các vùng liên kết giữa các tỉnh.

TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng cần thay đổi cơ chế đánh giá địa phương và lãnh đạo địa phương bằng tăng trưởng GDP, thu – chi ngân sách, xuất – nhập khẩu và các chỉ tiêu có tính cục bộ địa phương khác nhằm hạn chế tâm lý chỉ lo cho địa phương mình quản lý, thay vì toàn vùng.

Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét việc tạo ra một cơ chế liên kết vùng chặt chẽ hơn, thậm chí xây dựng một chính quyền vùng để tạo ra một chỉnh thể kinh tế đủ lớn thực hiện việc phát triển kết cấu và hạ tầng kinh tế hoàn chỉnh, hiện đại.

“Cơ chế điều phối thực sự có hiệu lực phải tạo ra được các quyết định về tài khóa, quy hoạch, đầu tư và ở vị trí có động cơ theo đuổi lợi ích toàn vùng chứ không bị chi phối bởi các lợi ích cục bộ địa phương”, ông nói.

Cũng theo TS. Vũ Thành Tự Anh, mô hình phát triển bền vững cho đồng bằng sông Cửu Long nên được xây dựng trên 4 trụ cột, gồm kinh tế, xã hội, môi trường và quản trị.

Với hạ tầng, GS Võ Tòng Xuân kiến nghị Chính phủ và các địa phương tập trung phát triển hạ tầng kết nối vùng và kết nối với TPHCM.

“Giao thông có thông suốt thì kinh tế mới phát triển. Một giáo sư người Mỹ nhận được giải Nobel Hoà bình nói 3 điều kiện tiên quyết để nước nghèo có thể phát triển được: thứ nhất là đường sá giao thông, thứ hai là đường sá giao thông, thứ ba cũng là đường sá giao thông”, ông Xuân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường – cho biết hạ tầng kết nối giao thông đang là khâu yếu nhất trong kết nối vùng ĐBSCL hiện nay.

Để giải quyết việt này, Chính phủ chi 198.000 tỉ đồng để đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối với các công trình gồm cao tốc Cần Thơ  – Kiên Giang, cao tốc Trung Lương – Cần Thơ – Mỹ Thuận trong giai đoạn 2016-2020.

Với giai đoạn 2020 – 2025, Chính phủ đã quyết định đầu tư 266.000 tỉ đồng trung hạn và hỗ trợ Bộ Giao thông Vận tải khoảng 198.000 tỉ đồng để thực hiện kết nối giao thông.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Thọ cho biết cơ quan này đang nghiên cứu định hình không gian hạ tầng để xây dựng khu công nghiệp và đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và hệ sinh thái phù hợp.

“Thủ tướng đã phê duyệt các nhiệm vụ này. Nếu thực hiện tốt, tôi nghĩ hiệu quả đầu tư công sẽ rất tốt và có thể thu hút được nhiều nguồn lực khác, bao gồm cả các nguồn lực quốc tế”, ông Thọ cho biết.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cây lúa truyền thống của bà con nông dân Nam Bộ không thể từ bỏ mà phải nâng lên tầm cao mới: 1. Lúa chất lượng cao chứ không chạy đua về năng suất cao. 2. Lúa + Màu ở những nơi thổ nhưỡng phù hợp. 3. Thay thế cây lúa ở những nơi cần thiết để chuyển sang nông sản khác hiệu quả cao hơn. 4. Tiêu chí quan trọng nhất không phải vì cây lúa mà phải vì cuộc sống tốt hơn, cả tinh thần và vật chất, cho người nông dân, nếu không sẽ không đi đến mục đích cuối cùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới