Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giải pháp nào giúp giảm giá hàng hoá?

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, đi từ sản xuất đến bán lẻ, luật hóa và minh bạch hoá việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, xây dựng các sàn giao dịch thương mại, hệ thống phân phối là các giải pháp lâu dài giúp hạn chế tác động của giá xăng, dầu với giá bán lẻ hàng hoá.

Người dân mua sắm tại một siêu thị tại Đà Nẵng. Ảnh minh hoạ: Nhân Tâm

Giảm giá cần độ trễ nhưng đến khi nào?

Tại tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm – Thực trạng và giải pháp” chiều 4-8, bà Đinh Thị Nương, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính nhận định, một số mặt hàng vốn chịu tác động từ giá xăng, dầu cần có thời gian để giảm giá sau khi giá xăng, dầu giảm. Doanh nghiệp phải rà soát lại các chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán mới theo giá xăng dầu giảm.

Với giá cước vận tải, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho biết khi giá xăng, dầu - một trong nhiều yếu tố cấu thành giá cước vận tải có biến động thì các đơn vị kinh doanh đều phải tính toán lại chi phí và giá thành. Đồng thời, xem xét tâm lý khách hàng rồi cả các đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, việc thay đổi giá cũng phải trải qua một số thủ tục. Với dịch vụ taxi, ông Ngọc cho biết doanh nghiệp cần tính toán lại chi phí, thực hiện kê khai giá với Sở Giao thông Vận tải, điều chỉnh đồng hồ tính tiền, in lại cái tờ niêm yết giá nên cần thời gian.

Đại diện Bộ GTVT bày tỏ sự đồng tình với quan điểm cần điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ, nhất là giá cước vận tải kịp thời trong bối cảnh giá xăng, dầu - yếu tố chiếm đến 30-40% chi phí cấu thành giá cước vận tả liên tục giảm.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp sẽ có độ trễ nhất định do tâm lý thận trọng vì lo ngại “sau này tăng giá hàng hoá lại cực kỳ khó, người dân phản đối”, nhưng độ trễ không thể kéo dài một vài tháng.

“Rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay”, ông Lực nêu quan điểm.

Để giải quyết tình trạng giá cả hàng hoá neo cao, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế, đề xuất ngoài biện pháp hành chính, cần huy động các hiệp hội bán lẻ, hiệp hội doanh nghiệp Mặt trận Tổ quốc, chợ, khu phố vào cuộc để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự giác giảm một phần theo tiến độ giảm giá xăng dầu, qua đó chia sẻ khó khăn chung với xã hội.

Với lĩnh vực vận tải, ông Trần Bảo Ngọc cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý giá để phối hợp với Bộ Tài chính ban hành những văn bản thật phù hợp.

Bên cạnh đó, rà soát các điều kiện kinh doanh, đặc biệt các điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện nào không còn cần thiết, phù hợp thì cắt giảm để tiết giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh vận tải và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, bà Đinh Thị Nương cho biết, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu và thuế nhập khẩu với xăng động cơ không pha chì nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Ngoài ra, tăng cường việc tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá.

Xây dựng các chuỗi cung ứng, sàn giao dịch

Về dài hạn, ông Phú cho rằng cho rằng cần tập trung giải quyết vấn đề về cung cầu hàng hoá, tránh để đứt gãy chuỗi cung ứng và giảm các khâu trung gian.

Với mặt hàng thịt lợn, một trong những yếu tố khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung của tháng 7-2022 tăng 0,15 điểm phần trăm so với tháng trước, ông Phú cho biết giá bán lẻ 1 kg thịt lợn cao hơn 170% so với giá bán tại trang trại chăn nuôi do có nhiều khâu trung gian.

“Hiện một viên thuốc, một con lợn, một con cá đi từ bán buôn, bán lẻ rồi lò mổ, rồi vào siêu thị thì một số siêu thị chiết khấu cao, thậm chí chiết khấu còn cao hơn cả lợi nhuận người sản xuất. Tất cả cái đó cho vào giá chứ đâu nữa”, ông Phú nhấn mạnh.

Theo ông Phú, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ Hàn Quốc trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, đi từ sản xuất đến bán lẻ. Thậm chí, luật hóa và minh bạch hoá việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị như Thái Lan.

“70% lợi nhuận của một ký hàng hoá ở Thái Lan chia cho người nông dân, người làm ra của cải vật chất cho xã hội, còn 30% là các khâu khác”, ông Phú nói.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các sàn giao dịch thương mại và hệ thống phân phối để tránh tình trạng “mua dấm - bán dúi”, ép giá lẫn nhau.

“Có sàn giao dịch công khai thì mớ rau, con lợn đều đưa lên đó. Như vậy sẽ tránh được tình trạng có 10 bó rau sạch thì chỉ có 1 bó vào siêu thị, 9 bó cũng phải đi ra thị trường bán với giá rau không sạch”, ông Phú nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới