Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giải phẫu thẩm mỹ và văn hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giải phẫu thẩm mỹ và văn hóa

(TBKTSG) – Trong xã hội ngày nay (và có thể cả trong thời tiền sử), rất hiếm có ai hoàn toàn hài lòng về thân thể của chính mình. Hầu như mỗi chúng ta đều, không nhiều thì ít, không hài lòng với thể diện của chính mình.

Một số trong chúng ta thấy cái tai vểnh cao quá. Số khác thì lo lắng đến cái mũi quá dài hay quá thấp. Phụ nữ thì có người quan tâm đến bộ ngực quá to; nhưng cũng có người ăn không ngon, ngủ không yên vì thấy ngực không to như mong muốn…

Lịch sử thân thể con người là một phần của lịch sử phấn đấu để vượt qua chính mình. Từ xa xưa, con người đã tranh đấu để xóa bỏ những hạn chế của thân thể qua chính trị, nghệ thuật, tôn giáo, tái sản sinh, và [khi có thể] giải phẫu. Ngày nay, không ít đàn ông và phụ nữ, trẻ cũng như già, đang tìm đến các nhà giải phẫu để giải quyết sự bất mãn đối với sắc diện của mình.

Những con số thống kê cho thấy kỹ nghệ giải phẫu thẩm mỹ đang rất phát đạt: chỉ riêng tại Mỹ vào năm 1981, có 296.000 trường hợp giải phẫu thẩm mỹ; năm 1984 tăng lên 477.700; mười năm sau (1994) là 1,3 triệu. Năm 1995, có hơn 825.000 trường hợp giải phẫu sửa mặt. Năm 1996, cứ 150 người thì có một người tìm đến giải phẫu thẩm mỹ. Ở Việt Nam, dù chưa có thống kê chính thức, nhưng sự xuất hiện của hàng loạt cơ sở giải phẫu thẩm mỹ là một tín hiệu cho thấy kỹ nghệ sửa sắc đẹp đang phát triển rất nhanh, và chắc chắn con số khách hàng cũng tăng theo cấp số nhân trong thời gian qua.

Khách hàng giải phẫu càng ngày càng trẻ hơn. Phụ nữ gốc châu Á ở Mỹ thường sửa mắt từ một mí thành hai mí. Một số gia đình coi việc sửa sắc đẹp cho con như một món quà sinh nhật, cũng giống như trong cộng đồng người Do Thái vào thập niên 1950 và 1960 thường sửa mũi cho con gái nhân ngày sinh nhật 16 tuổi. Ở Brazil, nhiều gia đình giàu có thường khuyến khích con gái giải phẫu ngực (làm cho vú nhỏ hơn) để phân biệt với những thiếu nữ thuộc thành phần nghèo khó trong xã hội. Các bậc cha mẹ hy vọng rằng những món quà giải phẫu này sẽ góp phần làm cho con gái họ hạnh phúc hơn cũng như có lợi thế về kinh tế. Một quan điểm khá phổ biến trong việc giải phẫu thẩm mỹ là nó cũng giống như trang trí cho chiếc xe, và ai cũng làm vậy cả.

Nhưng giới khoa học nhìn hiện tượng này khác hơn. Qua nhiều nghiên cứu và ví dụ về việc phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi những đặc tính liên quan đến chủng tộc, các nhà tâm lý đã giải thích rằng giải phẫu thẩm mỹ phát triển dựa vào lòng khát khao vượt qua, chinh phục. Vượt qua “khuyết tật” bẩm sinh để trở thành người da trắng, hay một người phương Tây, hay phi Á Đông, phi Ireland, trẻ hơn, hấp dẫn hơn. Lòng khát khao vượt qua, tự nó, bắt nguồn từ sự thống trị của một lý tưởng thẩm mỹ đang thịnh hành trong một sắc dân hay thành phần kinh tế và quyền lực nào đó. Điều này giải thích tại sao phụ nữ Á Đông sống ở các nước phương Tây có khuynh hướng nhuộm tóc thành màu vàng, để tự đồng hóa mình với lý tưởng đẹp của phụ nữ bản xứ.

Qua nghiên cứu các sách giáo khoa về giải phẫu, tiểu thuyết, tác phẩm điêu khắc…, các nhà tâm lý có thể dựng lên một lịch sử về giải phẫu thẩm mỹ. Câu chuyện bắt đầu từ thế kỷ thứ 16, khi một số nhà giải phẫu cố gắng phục hồi khuôn mặt của những bệnh nhân mà mũi bị biến dạng do bệnh giang mai.

Thời đó chưa có thuốc khử trùng và gây mê, những phẫu thuật này rất nguy hiểm và đau đớn. Nhưng theo quan điểm xã hội thời đó, người có khuôn mặt mà mũi bị đục khoét do bệnh giang mai được xếp vào thành phần xấu (cho dù nạn nhân bị bệnh do di truyền), vì thế, nạn nhân không ngần ngại chịu đau đớn và hiểm nguy để được giải phẫu. Những cuộc giải phẫu đầu tiên này đặt ra vấn đề phân biệt giữa giải phẫu thẩm mỹ và giải phẫu tái thiết (reconstructive surgery).

Quá trình phát triển của kỹ nghệ giải phẫu thẩm mỹ thực sự bắt đầu từ thế kỷ 19, với sự ra đời của thuốc khử trùng và kỹ thuật gây mê, và quan trọng hơn hết là sự ra đời của lý thuyết khoa học về chủng tộc. Trong một thời gian dài, các nhà cơ thể học châu Âu từng bị mê hoặc với thân thể của các phụ nữ da đen ở châu Phi. Theo đà bành trướng của thực dân châu Âu, các nhà cơ thể học Pháp và Anh bắt đầu so sánh cơ thể của phụ nữ da đen với những phụ nữ mà họ xem là “bình thường” (tức là phụ nữ châu Âu).

Trong cuốn tiểu thuyết Beloved, tác giả đoạt giải Nobel Văn học, người Mỹ gốc Phi, Toni Morrison vẽ lên một cảnh tượng “khoa học” đau lòng khi bà mô tả một nhân vật nguyên là thầy giáo, nhưng cũng là người chủ nô lệ và một số đứa cháu ghê tởm của ông ta, nghiên cứu một người nô lệ tên là Sethe. Ông phân tích và so sánh cái “nhân tính” với cái “thú tính” của cô. Cuối cùng, Sethe quyết định giết chết con gái của mình để tránh cho đứa trẻ không phải rơi vào những bàn tay hung ác của những con người nhân danh khoa học này. Sethe không muốn bất cứ ai trên hành tinh này liệt những đặc tính của con gái mình vào đặc tính thú vật trên giấy tờ.

Sự chủng tộc hóa của khoa học trong thế kỷ 19 quy định giá trị văn hóa cho mỗi bộ phận của cơ thể – mông, tai, vú – nhưng đặc biệt là mũi. Người Ireland có mũi quá nhỏ, mũi người Do Thái quá to, mũi người châu Phi quá thấp. Trong các sắc dân này, hình thù của mũi không nằm trong hình thù của cái “mũi lý tưởng” của người châu Âu. Quan điểm nhân chủng học này còn kéo dài mãi cho đến thế kỷ 20: Hitler bị ám ảnh với đôi tai của Stalin, bỏ công phân tích kỹ lưỡng và tin rằng đặc tính này thể hiện gốc Do Thái của Stalin!

Nhưng nếu giả thuyết về sự vượt lên và hòa nhập vào một nền văn hóa thống trị là đúng thì người ta có thể đoán được rằng phần lớn những khách hàng giải phẫu thẩm mỹ phải là người châu Á hay châu Phi. Nhưng trong thực tế, một số đông người da trắng thuộc giai cấp trung lưu hay thượng lưu lại là những khách hàng làm cho ngành giải phẫu thẩm mỹ phát triển.

Tuy nhiên, sự chủng tộc hóa của khoa học vào thế kỷ 19 đã hình thành một quan điểm đương đại về cơ thể và những tiêu chuẩn được xem là đẹp và gợi tình. Sự chủng tộc hóa về cái đẹp cùng với thời đại Khai sáng nhấn mạnh đến sự tự chủ và độc lập là những yếu tố đã làm cho kỹ nghệ giải phẫu thẩm mỹ phát triển như ngày nay, và nó đã phát triển ra ngoài mục tiêu ban đầu là xóa bỏ sự khác biệt giữa các chủng tộc. Một khi đã xóa bỏ được những dị biệt chủng tộc, người ta phải suy nghĩ đến việc thay đổi những cơ phận khác trong cơ thể để chống lại lão hóa.

Hitler và Mussolini từng ra lệnh giải phẫu thẩm mỹ cho lính để nâng cao sức khỏe, kể cả sửa mí mắt. Kết hợp du lịch với giải phẫu thẩm mỹ cũng đang dần trở thành một kỹ nghệ. Ngày nay, người ta có thể đi du lịch sang Ba Lan và sửa mặt, hay sang Li Băng để giải phẫu thay đổi giới tính!

Giải phẫu thẩm mỹ luôn đi kèm với sự rủi ro, ngay cả trong thời đại có thuốc gây mê và khử trùng. Một ca giải phẫu thẩm mỹ thường tốn rất nhiều thời gian. Sự rủi ro còn dính dáng đến vấn đề chuyên môn. Ngày nay, ở một số nơi, ai cũng có thể hành nghề giải phẫu thẩm mỹ. Báo chí mới tường thuật một trường hợp tử vong vì giải phẫu mí mắt mà nhà giải phẫu là một bác sĩ về mắt! Thậm chí, có nha sĩ tiến hành cả những ca giải phẫu thay tóc!

Một nghệ sĩ nổi tiếng người Pháp, Orlan, đã từng đi giải phẫu ít nhất là 10 lần kể từ năm 1987. Bà còn làm phim để mô tả những ca giải phẫu của chính mình, để theo đuổi cái lý tưởng mà bà gọi là “Sự tái sinh của thánh Orlan”. Orlan có một quan điểm hết sức cực đoan và ao ước có được một cơ thể hoàn hảo theo lý tưởng của cái đẹp phương Tây. Bà muốn có cái cằm của thần Vệ nữ (Venus), đôi mắt của Diana, môi của Europa, mũi của Psyche, và lông mày của Mona Lisa. Với những tiêu chuẩn này, Orlan muốn đấu tranh chống lại thiên nhiên và ý tưởng về Thượng đế.

Nhưng có phải giải phẫu thẩm mỹ là biểu hiện của một sự từ chối ý muốn của Thượng đế hay không? Những ca giải phẫu và tái giải phẫu của Orlan thực ra được thực hiện không chỉ vì muốn từ chối sự hiện hữu của một đấng thiêng liêng, mà còn nhân danh nghệ thuật và hiện thực văn hóa. Đàn ông cũng như phụ nữ liên tục tìm đến giải phẫu để mong đạt đến sự hoàn hảo. Một cuộc giải phẫu lần này, sẽ dẫn đến một cuộc giải phẫu kế tiếp, kế tiếp…

Và, trong xu hướng khách hàng giải phẫu càng ngày càng trẻ, chu kỳ giải phẫu thẩm mỹ sẽ còn kéo dài và nhiều hơn trong tương lai. Với cái giá khá đắt của giải phẫu thẩm mỹ, cơ thể con người dần dần trở thành, không phải như là một món quà huyền nhiệm của tạo hóa, mà là một công trình, một dự án đầy thử thách.

Những dấu vết phía ngoài cơ thể là một yếu tố có thể làm cho người ta không hạnh phúc, và có khi là hàng rào cản trở trong các quan hệ hàng ngày. Trong một xã hội hiện đại, nhiều khi chúng ta được đánh giá qua vẻ bề ngoài của cơ thể, do đó, giải phẫu thẩm mỹ có thể xem như một cách thức chăm sóc nhu cầu của cơ thể con người. Trong thực tế, đường ranh phân biệt giữa giải phẫu thẩm mỹ và giải phẫu tái thiết càng ngày càng khó nhận ra, đặc biệt là khi các nhà giải phẫu mô tả công việc của họ như là “chữa trị tâm thần” qua việc điều chỉnh cơ thể.

Giải phẫu thẩm mỹ có thể là một món quà huyền diệu của khoa học. Nhưng món quà đó cần phải được đặt trong lý tưởng thẩm mỹ và bối cảnh văn hóa của một dân tộc, hơn là một sản phẩm lai căng của sự đầu hàng trước một văn hóa ngoại lai.

NGUYỄN VĂN TUẤN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới