Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Giải quyết ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu phía Bắc trước Tết Nguyên đán

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan của Trung Quốc để đẩy nhanh thông quan, phấn đấu không còn xe ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc trước Tết Nguyên đán.

Yêu cầu này được Phó Thủ tướng đưa ra tại cuộc họp trực tuyến về tình hình xử lý hàng hoá ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc chiều 8-1.

Tại cuộc họp, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương – cho biết lượng xe còn tồn tại các cửa khẩu là 3.609 xe tính tới 7-1-2022, giảm khoảng 2.500 xe so với thời điểm 26-12-2021. Trong đó, xe tồn tại Lạng Sơn và Quảng Ninh lần lượt là 2.015 chiếc và 1.260 chiếc.

Lý giải nguyên nhân, ông Khánh cho rằng số lượng xe tồn giảm xuống chủ yếu do chuyển hướng sang tiêu thụ nội địa, một phần chuyển sang xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Hữu Nghị, một phần chuyển qua xuất khẩu theo đường biển.

Hiện tuyến biên giới phía Bắc có 10 cửa khẩu hoạt động. Có 4 cửa khẩu quốc tế đang hoạt động, gồm: Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Ga quốc tế đường sắt Đồng Đăng (Lạng Sơn), Ga quốc tế đường sắt Lào Cai, Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai).

Ngoài ra, có 4 cửa khẩu chính và 2 cửa khẩu phụ khác đang hoạt động. Còn các lối mở/điểm thông quan vẫn đang tạm thời đóng, theo ông Khánh.

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết tổng lượng xe xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu thuộc tỉnh chỉ còn 1.921 xe, trong đó có 919 xe chở hoa quả.

"Với năng lực thông quan hiện nay từ 80-100 xe mỗi ngày, dự kiến đến khi nghỉ Tết, số lượng xe đang tồn tại cửa khẩu Chi Ma sẽ được giải quyết", lãnh đạo Lạng Sơn khẳng định.

Để giải quyết vấn đề ùn tắc hàng hoá, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đề nghị rà soát, đánh giá tổng thể để xây dựng kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm. Theo đó, Việt Nam cần có kế hoạch tổng thể, dự báo sản lượng gắn với kế hoạch sản xuất, vùng trồng và khả năng tiêu thụ tại các thị trường cả trong và ngoài nước để có những phương án, giải pháp chủ động hơn.

Còn ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải – cho biết hoàn toàn có thể xuất khẩu qua đường sắt, đường biển sang Trung Quốc.

Với đường sắt, có thể chuyên chở 80 container hàng hóa mỗi ngày vào thị trường này nhưng phải là xuất chính ngạch và có hồ sơ đầy đủ.

Tương tự, ông Lê Quang Trung - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – khẳng định việc chuyển đổi từ đường bộ, sang đường thủy, đường sắt hay không phụ thuộc vào tiêu chuẩn, nguồn gốc truy xuất, thủ tục giấy tờ.

"Hàng xuất đường tiểu ngạch chỉ cần mở tờ khai và có giấy phép biên mậu, trong khi hàng chính ngạch cần nhiều tiêu chuẩn, thủ tục, giấy tờ nên ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí", ông Trung nói.

Ông cũng khẳng định Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và các doanh nghiệp logistics sẵn sàng điều chuyển tàu đi chuyến quốc tế đưa về Quảng Ninh, Hải Phòng để chuyển hàng nông sản sang Trung Quốc nếu doanh nghiệp xuất hàng có thể đáp ứng các thủ tục cần thiết. Ngoài ra, Tổng công ty Hàng hải Các doanh nghiệp vận tải biển cũng sẵn sàng giảm giá cước, logistics, hỗ trợ chuyển phương thức vận tải, bao gói, container.

Phản hồi kiến nghị của các Bộ, ngành và địa phương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các Bộ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngoại giao, Tài chính, ngành Hải quan, lãnh đạo các địa phương biên giới tiếp tục có các cuộc làm việc với các cơ quan chức năng, các địa phương của Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thông quan hàng hoá đang ùn tắc tại cửa khẩu với mục tiêu tăng thời gian thông quan, số lượng cửa khẩu hoạt động.

“Phấn đấu trước Tết Nguyên đán không còn tình trạng xe tồn đọng tại các cửa khẩu”, ông nhấn mạnh.

Với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu có hướng dẫn cụ thể, tăng cường cho các địa phương về phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm cả trang thiết bị và nhân lực.

Với các địa phương biên giới, ông yêu cầu nắm chắc tình hình để điều phối xe, tránh tình trạng xe hàng dồn ứ về cửa khẩu biên giới.

“Các đồng chí thông tin cho các địa phương khác biết để thông báo cho doanh nghiệp không để xe chở hàng về biên giới phải nằm chờ hàng tuần. Các địa phương có quyền thông báo, có quyền điều phối theo chỉ đạo của Chính phủ”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm việc, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để đẩy mạnh chế biến nông sản. Bộ Công Thương tích cực triển khai các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ trong nước, đặc biệt là qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống.

Về dài hạn, các bộ này cần có chương trình, kế hoạch tổng thể từ khâu quy hoạch, kế hoạch sản xuất, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc; nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ logistics. Các kế hoạch này cần xác định rõ các thị trường tiêu thụ để bảo đảm hàng hóa nông nghiệp đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch.

"Phải làm bài bản, căn cơ để chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch là chủ yếu sang xuất khẩu chính ngạch", Phó Thủ tướng nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới