Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giải trình hóa đơn khống: Góc nhìn từ cơ quan thuế và doanh nghiệp

Nguyễn Thị Thu Thủy(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các vụ án liên quan đến mua, bán hóa đơn không hợp pháp ngày càng trở nên phức tạp hơn, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm có nhiều chiêu thức tinh vi. Cơ quan thuế không thể có một phương án ngắn hạn mà cần thiết phải thực hiện các giải pháp trong dài hạn sao cho vừa ngăn chặn sai phạm, vừa không đẩy gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp.

Trong Công văn 1798/TCT-TTKT về việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp (sau đây viết tắt là Công văn 1798), Tổng cục Thuế đã có yêu cầu doanh nghiệp giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn khi giao dịch đối với 524 doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn. Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về thực tế áp dụng Công văn 1798.

Mua bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điều 6.7 Luật Quản lý thuế và có dấu hiệu cấu thành tội trốn thuế, tội mua bán trái phép hóa đơn được quy định trong Bộ luật Hình sự. Công văn 1798, xét về mục tiêu, là giải pháp mà Tổng cục Thuế thực hiện nhằm đảm bảo rằng các hóa đơn được sử dụng trong giao dịch kinh doanh là hợp pháp và có căn cứ thực tế. Dưới góc độ pháp lý, cơ quan thuế có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và người nộp thuế có nghĩa vụ chấp hành yêu cầu của cơ quan thuế (1).

Có thể thấy rằng lý do Tổng cục Thuế yêu cầu giải trình ở đây là mong muốn các doanh nghiệp hỗ trợ cơ quan thuế trong việc ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm về hóa đơn. Yêu cầu của Tổng cục Thuế là có cơ sở, giúp ngăn chặn và không để bỏ sót tội phạm hình sự. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc giải trình theo yêu cầu của cơ quan thuế, doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn.

Nhiều khó khăn cho doanh nghiệp

Dù mua hàng và được bên bán xuất hóa đơn mua hàng hợp lệ vào thời điểm mua hàng đó, rất nhiều doanh nghiệp vẫn chật vật khi (theo yêu cầu giải trình) phải kiểm tra và xác minh tình trạng hóa đơn của đối tác kinh doanh. Có thể kể những khó khăn như sau: (i) doanh nghiệp mua hàng không thể kiểm soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp bán hàng vì lúc giao dịch, doanh nghiệp bán hàng vẫn còn đang hoạt động; (ii) doanh nghiệp không chủ động kiểm tra được tính hợp pháp của hóa đơn từ doanh nghiệp bán hàng; (iii) kế toán trưởng/người phụ trách các vấn đề về hóa đơn của doanh nghiệp đã nghỉ việc trong khi người tiền nhiệm không nắm rõ các hóa đơn cũ nên gặp nhiều khó khăn khi giải trình; (iv) doanh nghiệp đã thực hiện giao dịch trong nhiều năm trước đây, khó tìm kiếm hợp đồng, hóa đơn, chứng từ thanh toán.

Mặt khác, một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp thắc mắc là pháp luật hình sự của Việt Nam đã có các quy định về tội trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra các tội phạm hình sự. Vậy tại sao cơ quan thuế lại nhất thiết yêu cầu các doanh nghiệp phải tự giải trình vụ hóa đơn khống như đã nêu trên.

Doanh nghiệp bị phạt là đúng hay sai?

Trong các tình huống nêu trên, doanh nghiệp mua hàng sẽ không bị phạt và vẫn có thể hạch toán hóa đơn vào chi phí nếu doanh nghiệp thực tế có mua hàng và được xuất hóa đơn hợp pháp trước thời điểm doanh nghiệp bán hàng bị cơ quan thuế xác định là doanh nghiệp bỏ trốn hoặc trước ngày cơ quan nhà nước kết luận đó là hóa đơn không hợp pháp(2).

Ngược lại, doanh nghiệp mua hàng sẽ bị phạt nếu có hành vi (i) khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu; hoặc (ii) trốn thuế. Ví dụ, bên mua hàng sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định thì bên mua vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính(3).

Dưới góc nhìn của người chủ doanh nghiệp, việc xử phạt doanh nghiệp có thể xem là không hợp lý nếu doanh nghiệp có hợp đồng mua bán, chứng từ thanh toán hợp lệ liên quan đến việc ghi nhận chi phí được trừ và chứng minh doanh nghiệp có thực chất mua hàng từ doanh nghiệp bán hàng.

Trong khi đó, dưới góc nhìn và quan điểm của cơ quan thuế, các tội phạm về thuế và hóa đơn đa phần mang tính chất thông đồng. Do đó, doanh nghiệp vẫn sẽ bị xử phạt nếu thuộc các trường hợp luật định.

Giải pháp nào cho cơ quan thuế và doanh nghiệp?

Với mục đích vừa ngăn chặn sai phạm, vừa không đẩy gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp, một số phương án mà cơ quan thuế có thể cân nhắc và chú trọng thực hiện như sau:

Thứ nhất, tiếp tục khoanh vùng các doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp trong số 524 doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn thay vì yêu cầu doanh nghiệp giải trình các hóa đơn mua hàng của những doanh nghiệp có rủi ro về thuế nói chung.

Cơ quan thuế có thể lập mẫu Cam kết về tính hợp pháp của hoạt động mua bán và cho phép những doanh nghiệp mua hàng hóa có hóa đơn từ 524 doanh nghiệp rủi ro trên được phép lập Cam kết và chịu toàn bộ trách nhiệm đối với tính hợp pháp của giao dịch. Tại các bước hậu thanh tra, kiểm tra định kỳ tại doanh nghiệp, cơ quan thuế sẽ xác minh hồ sơ thực tế của doanh nghiệp, đối chiếu với cam kết của doanh nghiệp để từ đó có quyết định xử lý phù hợp. Cách thức này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí trong quá trình giải trình tại cơ quan thuế.

Thứ hai, cơ quan thuế phải liên tục cập nhật danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn để có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời cho các doanh nghiệp khác.

Thứ ba, cơ quan thuế cần phải có bước xác định thời điểm ghi nhận hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp. Nếu tại thời điểm mua hàng, doanh nghiệp bán hàng vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường và doanh nghiệp mua hàng có hóa đơn, chứng từ đúng theo quy định pháp luật thì được hạch toán vào chi phí được trừ. Cơ quan thuế cần tập trung kiểm tra các nội dung liên quan đến tính hợp pháp và xác thực của giao dịch trước khi quyết định xử lý vi phạm (nếu có).

Thứ tư, cơ quan thuế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng hóa đơn tại doanh nghiệp trên cơ sở hàng năm, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp, thanh quyết toán để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ năm, cơ quan thuế cần tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại để liệt kê các công ty có dấu hiệu vi phạm về thuế, hóa đơn, đơn cử như các công ty mới thành lập, vốn ít, quy mô nhỏ nhưng giao dịch lớn thì cần đưa vào diện kiểm soát.

Về phía doanh nghiệp, một số biện pháp sau đây có thể giúp doanh nghiệp tránh trường hợp liên quan đến việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp:

Thứ nhất, doanh nghiệp cần tìm hiểu, xác minh thật kỹ thông tin về doanh nghiệp bán hàng bằng các kiểm tra trên Cổng thông tin đăng ký kinh doanh, thông tin người nộp thuế, trang web doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp bán hàng gửi hồ sơ (profile) để kiểm tra lịch sử kinh doanh. Trường hợp có thể, doanh nghiệp nên trực tiếp đến địa điểm kinh doanh của nhà cung cấp trước khi quyết định giao dịch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên cập nhật danh sách các doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc có rủi ro về hóa đơn theo thông báo của cơ quan thuế.

Thứ hai, doanh nghiệp cần lưu trữ đầy đủ tất cả các tài liệu liên quan (hợp đồng mua bán, chứng từ thanh toán, phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, biên bản giao nhận hàng hóa, biên bản thanh lý hợp đồng...) để chứng minh tính xác thực của giao dịch khi cơ quan thuế có yêu cầu giải trình.

Thứ ba, doanh nghiệp bán hàng phải liên tục cập nhật danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn được cập nhật bởi cơ quan thuế để tránh giao dịch với các doanh nghiệp này.

Thứ tư, để tăng tính răn đe, doanh nghiệp có thể thỏa thuận tại hợp đồng mua bán về cam kết và nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ rằng doanh nghiệp đó đang sử dụng hóa đơn hợp pháp và không vi phạm các quy định về hóa đơn, thuế. Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận trong trường hợp doanh nghiệp bán hàng có vi phạm về thuế, hóa đơn thì phải chịu phạt vi phạm đối với doanh nghiệp mua hàng. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm(4).

Với tình hình hiện tại và các vướng mắc khi thực hiện Công văn 1798, Tổng cục Thuế và các cơ quan thuế địa phương có thể sẽ cung cấp hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể hơn cho các doanh nghiệp, giúp họ giải trình một cách hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của cơ quan thuế.

(*) Công ty Luật Phuoc & Partners

(1) Điều 17.8 và 19.2 Luật Quản lý thuế 2019

(2) Điều 3.9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP

(3) Điều 142 Luật Quản lý thuế 2019 và điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP

(4) Điều 301 Luật Thương mại 2005

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới