Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giảm chi phí với phương án vận tải thủy từ ĐBSCL đi cảng Cái Mép, Cát Lái

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) vừa đưa ra đề xuất mở tuyến vận tải thủy kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với cảng nước sâu Cái Mép và Cát Lái qua kênh Quan Chánh Bố để giúp rút ngắn thời gian, giảm chi phí logistics, bớt ùn tắc giao thông đường bộ.

Tuyến vận tải thủy kết nối ĐBSCL với cảng nước sâu Cái Mép và Cát Lái qua kênh Quan Chánh Bố.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa và thủy sản lớn nhất cả nước với sản lượng xuất nhập khẩu chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Trong đó, 70 - 75% lượng hàng xuất nhập khẩu hàng năm của vùng này được vận chuyển lên cụm cảng khu vực TPHCM và Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Tuy nhiên, lượng hàng xuất khẩu vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ, trong khi cụm cảng ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ hoạt động cầm chừng.

Hiện nay, hai tuyến vận tải thủy kết nối từ cụm cảng Cần Thơ đến Cái Mép và TPHCM chủ yếu là đi qua Sông Tiền - Sông Vàm Nao (chiều dài tuyến khoảng 367km) hoặc tuyến luồng sông Tiền - Chợ Lách - Sông Mang Thít (chiều dài 235km), chi phí vận chuyển khoảng 7 triệu đồng/TEU (container tiêu chuẩn loại 20 feet).

Theo phân tích của VISABA, nếu vận chuyển theo tuyến mới, kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với cảng nước sâu Cái Mép và Cát Lái qua kênh Quan Chánh Bố, chiều dài tuyến được rút ngắn còn 200km, chi phí vận chuyển giảm chỉ còn khoảng 3 triệu đồng/TEU.

Ngoài việc giảm tải đường bộ, giảm chi phí logistics, phương án mới còn giúp giảm bớt việc nạo vét luồng lạch để duy trì cho tàu trọng tải lớn vào Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, khi ra đời tuyến mới, trong 5 năm đầu tiên hoạt động, sản lượng trên tuyến này sẽ tăng trưởng ít nhất 20%/năm.

Hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có các bến cảng gom hàng để phương tiện thủy/sà lan có thể cập bến nhận hàng như cảng Giao Long (Bến Tre), Mỹ Tho (Tiền Giang), Mekong (Vĩnh Long), Cao Lãnh, Sa Đéc, Phước Khang (Đồng Tháp), Mỹ Thới (An Giang), Thốt Nốt, Trà Nóc, Hoàng Diệu, Cái Cui (Cần Thơ), Vinalines (Hậu Giang)...

Để thu gom, tập kết hàng hóa từ các khu công nghiệp, cần nghiên cứu phát triển trung tâm logistics để giải quyết việc phân tán trong sản xuất, lưu thông phân phối, đảm bảo lượng hàng thường xuyên và đủ nhiều cho tàu có trọng tải lớn chuyên chở theo tuyến đề xuất nói trên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới