Thứ Hai, 20/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giao 10 doanh nghiệp nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý 2

Y.M

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chiều ngày 24-2 đã ký Quyết định số 242/QĐ-BCT về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý 2-2022. Theo đó, 10 doanh nghiệp lớn sẽ có nhiệm vụ nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu trong khoảng thời gian này để phục vụ thị trường trong nước.

Cơ quan quản lý chuyên ngành đã giao 10 doanh nghiệp lớn nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu trong khoảng thời gian này để phục vụ thị trường trong nước. Ảnh: N.K

Theo quyết định, việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước không đạt kế hoạch, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục hồi kinh tế đất nước.

Cụ thể, có 10 đầu mối chịu trách nhiệm nhập khẩu tăng thêm 2,4 triệu m3 xăng, dầu bổ sung lượng thiếu hụt từ nguồn sản xuất trong nước trong quý 2-2022.

Trong số đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được giao nhập khẩu bổ sung thêm 1.065.567 m3; Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) nhập khẩu 488.688 m3; Công ty TNHH Thủy bộ Hải Hà 140.401 m3; Công ty TNHH Hải Linh 124.898 m3; Công ty cổ phần đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu 66.804 m3.

Ngoài ra, Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt được giao 165.117 m3; Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ 89.642 m3; Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp 73.094 m3; Công ty Thiên Minh Đức 144.152 m3 và Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội 41.636 m3.

Bộ Công Thương lưu ý số lượng xăng dầu kinh doanh tạm nhập, tái xuất không tính vào lượng nhập khẩu xăng dầu giao bổ sung tại quyết định này.

Các doanh nghiệp được giao tăng sản lượng nhập khẩu xăng dầu nêu trên phải thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn sản lượng xăng dầu giao bổ sung tại quyết định này đồng thời phải chứng minh được hoạt động xuất, nhập khẩu của mình bằng các hóa đơn, chứng từ xuất, nhập xăng dầu trong mỗi tháng và báo cáo về Bộ Công Thương tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 20 hàng tháng.

Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã liên tục có các cuộc họp ngày 22-2 và ngày 24-2 với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu về tình hình cung ứng xăng dầu trong nước. Các cuộc họp đều thống nhất phân giao chỉ tiêu nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhập khẩu, trong đó có 10 doanh nghiệp đầu mối lớn. Tổng sản lượng nhập thêm trong 3 tháng tới sẽ là 2,4 triệu m3 bao gồm số xăng dầu bị thiếu hụt bởi sản xuất trong nước không ổn định và 20% nhập thêm để dự phòng cho khả năng phục hồi kinh tế đất nước.

Việc ban hành Quyết định về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý 2-2022 được đánh giá là cần thiết. Bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia nên trong bất cứ tình huống nào cũng phải đảm bảo ổn định nguồn cung ứng.

Liên quan đến giá nhiên liệu, trưa ngày 24/2, giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 100 đô la Mỹ/thùng, mức kỷ lục kể từ năm 2014. Nguyên nhân được cho là do thông tin Nga phát động một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Giá dầu đã tăng 5% sau tin tức về hoạt động quân sự của Nga. Đã có lúc giá dầu Brent giao sau có thời điểm vượt mức 102 đô la mỗi thùng trước khi giảm nhẹ về mức 101 đô la. Trong khi đó, giá dầu WTI cũng tăng gần 5%, lên mức gần 97 đô la mỗi thùng.

Giá khí đốt tự nhiên tăng 4,7%. Vàng giao ngay, theo truyền thống được coi là tài sản trú ẩn an toàn cũng tăng 1,82% và giao dịch ở mức 1.942,26 đô la/lượng. Như vậy, vàng đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2021. Đồng đô la Mỹ và đồng yên Nhật cũng tăng, trong khi đồng rúp giảm giá 1%.

Thị trường chứng khoán Á đồng loạt giảm điểm. Kết thúc phiên sáng 24-2, Nikkei 225 giảm hơn 1% và đang giảm hơn 2% trong phiên chiều. Chỉ số Hang Seng đóng cửa phiên sáng với mức giảm 3% và đà lao dốc tiếp tục duy trì trong phiên chiều. Chỉ số chính các thị trường khác tại Hàn Quốc, Úc cũng đồng loạt giảm từ 2-3%.

Vàng, theo truyền thống được coi là tài sản trú ẩn an toàn, đã tăng giá trên toàn thế giới sau khi có thông tin Nga tấn công Ukraine. Đà tăng mạnh của giá vàng thế giới đã kéo giá vàng trong nước tăng liên tục. Ảnh minh họa: TTXVN

Đà tăng mạnh của giá vàng thế giới sau khi Nga tấn công Ukraine đưa giá vàng trong nước tăng liên tục và đang hướng tới mốc 67 triệu đồng/lượng, cao chưa từng thấy trong lịch sử.

Do giá vàng biến động nên các doanh nghiệp cũng có sự điều chỉnh khác nhau. Công ty Doji và Phú Quý bán ra vàng miếng SJC ở mức 66,8-67,1 triệu đồng/lượng, trong khi đó vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn bán ra ở mức 65,65 triệu đồng, chêch nhau khoảng 1,4 triệu đồng.

Cụ thể, tính đến 17 giờ 30 chiều ngày 24-2, Công ty Doji Hà Nội điều chỉnh tăng 2,9 triệu đồng/lượng so với giờ mở cửa sáng nay, hiện doanh nghiệp này đang giao dịch từ 65,10-67,10 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra) và tăng 3,3 triệu so với chốt phiên trước.

Tương tự, tại Công ty Phú Quý, thương hiệu vàng SJC cũng tăng 2,6 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp này mua và bán từ 65,40-66,80 triệu đồng/lượng và tăng 3,15 triệu đồng so với chốt phiên trước.

Tổng hợp từ Bộ Công Thương, TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới