Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Giấy phép điều kiện kinh doanh LPG: Chờ cho đến tháng 10

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Giấy phép điều kiện kinh doanh LPG: Chờ cho đến tháng 10

Phi Tuấn

Sang chiết gas tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) - Còn không đầy hai tháng nữa các doanh nghiệp kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đang chạy đua nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng điều kiện kinh doanh như quy định trong Nghị định 107 (xem bài Tạo điều kiện cho độc quyền, TBKTSG số ra ngày 29-7-2010). Để có thể có được một giấy phép đủ điều kiện kinh doanh ngành khí hóa lỏng LPG, nhiều doanh nghiệp đã phải xoay xở đủ điều, nhưng cũng vướng mắc đủ thứ, và nhiều doanh nghiệp đang thấp thỏm về thời gian chờ đợi cho đến tháng 10.

Đủ thứ bất cập

Công ty Tân An Bình ở Hà Nội cho đến nay vẫn đang cân nhắc chưa biết xác định mình là một công ty xuất nhập khẩu hay là đại lý cấp 1, bởi lẽ, xét các yêu cầu theo quy định mới, công ty chỉ đáp ứng được một phần. Dù có kinh doanh nhập khẩu, nhưng công ty không có kho bãi, không có cầu cảng, số lượng bình cũng như thiếu một số điều kiện cơ sở vật chất khác.

Điều đáng nói ở đây là Tân An Bình là một công ty được đánh giá là có kỹ thuật và công nghệ hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn của Đức, nhất là trong lĩnh vực cấp gas trung tâm cho các chung cư cao tầng và các khu đô thị mới. Đại diện công ty này cho rằng việc kinh doanh gas bằng hệ thống trung tâm thay cho dùng bình là một hình thức kinh doanh vừa an toàn, vừa thuận tiện, là xu thế hiện đại, nhưng lại không được quy định trong nghị định mới.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp cho rằng sự ra đời của Nghị định 107 là tốt nhằm ngăn chặn tình trạng trăm hoa đua nở trong lĩnh vực kinh doanh LPG. Thế nhưng những quy định mới cái thì quá khắt khe, điều thì quá cứng nhắc, cái thì quá tỉ mỉ, điều thì quá mơ hồ đang là những rào cản khiến cho nhiều doanh nghiệp đang đối diện với viễn cảnh không có được giấy phép kinh doanh LPG sau ngày 30-9.

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, hiện nay hiệp hội có khoảng 180 doanh nghiệp thành viên, nhưng con số các đại lý và cửa hàng trên toàn quốc cũng lên đến hàng chục ngàn, riêng TPHCM có khoảng 5.000 thương nhân kinh doanh LPG. Một trong những yêu cầu khiến nhiều doanh nghiệp không biết xoay xở ra sao là về quy định nhân viên trong các doanh nghiệp, các đại lý, cửa hàng cần phải được đào tạo và tập huấn nghiệp vụ. Câu chuyện tưởng là nhỏ đó hóa ra thực hiện rất phức tạp.

Số là, theo quy định, bốn bộ sẽ phụ trách các phần đào tạo, gồm Bộ Công Thương đào tạo về nghiệp vụ kinh doanh, Bộ Khoa học và Công nghệ đào tạo về quản lý đo lường và chất lượng, Bộ Công an đào tạo nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đào tạo về an toàn môi trường. “Ngặt một nỗi, các bộ không chịu ngồi lại với nhau, mà ai cũng muốn đưa học viên về các trường của mình quản lý”, một doanh nghiệp ở Hà Nội bức xúc.

Ở TPHCM, việc đào tạo được giao cho trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, và mọi chuyện tưởng dễ dàng hơn khi mà các chuyên gia của các bộ, ngành được mời về đứng lớp, nhưng cái khó lại từ phía doanh nghiệp.Ông Lê Châu Báu, Giám đốc kinh doanh Công ty Gas Đại Việt, giải thích doanh nghiệp có khoảng 200 nhân viên, và đào tạo cùng một lúc là không thể. Nếu chia ra từng đợt, ngay cả trong năm nay cũng không thể xong, trong khi thời hạn tháng 10 sắp đến. Điều ông Báu lo lắng là đặc thù của ngành gas đòi hỏi làm việc liên tục, nên khi một lượng nhân viên khoảng 50 người đi học, thì công việc của công ty sẽ bị ngưng trệ, nhưng nếu không đi học thì sẽ bị phạt, và không đủ điều kiện cấp giấy phép.

Điều này còn rắc rối hơn cho các đại lý. Ông Báu nói rằng nhân công làm việc ở các đại lý không ổn định, và sẽ rất ít các chủ đại lý chịu bỏ ra 1,2 triệu/người để cho những nhân viên của mình đi học. Bởi lẽ khi nhân viên đi học, vừa không biết lấy ai làm việc, vừa chưa chắc người đó có quay lại làm việc cho mình khi học xong hay không. Mà một khi các đại lý, cửa hàng không hoạt động được, thì công việc kinh doanh của công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Một bất cập nữa mà các doanh nghiệp phản ánh là sự thiếu thống nhất giữa các tiêu chuẩn. Chẳng hạn, về khoảng cách an toàn hiện nay được điều chỉnh bởi tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, và thêm Nghị định 107, cùng với một nghị định khác sắp được ban hành. Điều đáng nói, nhiều công ty kinh doanh gas đã xây dựng các trạm chiết nạp gas trong các khu đô thị từ lâu nay, được cấp phép từ các cơ quan chức năng, được bảo đảm tính an toàn, đủ điều kiện hoạt động, nhưng nay áp dụng theo nghị định mới, thì phải xây dựng lại. Theo phản ánh của một doanh nghiệp ở Hà Nội, sự chồng chéo giữa các công văn nghị định thể hiện rõ ở quy định về giấy phép an ninh trật tự, khi mà ở một nghị định khác, thì kinh doanh LPG lại không cần loại giấy phép này. Vì thế, khi làm thủ tục, các cơ quan công an địa phương không chứng nhận, mà thiếu thì sở Công Thương sẽ không cấp giấy phép. Đến lúc đó, chờ Bộ Công an chỉ đạo các địa phương chứng nhận, doanh nghiệp lại phải vòng vèo với những thủ tục, các nghị định, công văn chồng chéo, khiến cho kinh doanh bị ảnh hưởng.

Kiến nghị lùi thời hạn và chỉnh sửa

Chính những bất cập trong quy định như thế, các chuyên gia, cũng như giới doanh nghiệp cho rằng thời hạn tháng 10 là không thể nào thực hiện được. Và đến lúc đó, nếu chiếu theo quy định, thì hầu hết doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Một chuyên gia tham gia soạn thảo nghị định này nói rằng đến lúc đó, sẽ không loại trừ yếu tố các doanh nghiệp lớn bắt tay nhau làm giá, thao túng thị trường, còn các doanh nghiệp nhỏ lại tìm cách mua bán giấy phép, khiến cho tình hình càng thêm khó kiểm soát.

Chuyên gia này kiến nghị Bộ Công Thương nên có các bước đi cụ thể trong việc xem xét tính khả thi của Nghị định 107, trước hết là về mặt thời hạn, sau đó là điều chỉnh những bất cập. “Nếu không khi thực hiện nghị định lại lòi ra nhiều bất cập, mâu thuẫn, hoặc không thực hiện được, hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn lại làm mất đi uy lực của pháp luật, của văn bản”, ông nói.

Hiện tại Hiệp hội Gas Việt Nam đã có các công văn gửi Bộ Công Thương về những bất cập, và đang tiếp tục tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp. Điều các doanh nghiệp mong muốn là Bộ Công Thương cần sớm tổ chức hội nghị đánh giá, tổng kết nhằm tháo gỡ các vướng mắc trước giờ G, để tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm được một thị trường kinh doanh gas lành mạnh, vừa tránh đưa vào thế độc quyền cho một số doanh nghiệp lớn.

Trong lúc chờ đợi, các doanh nghiệp phải xoay xở bằng nhiều cách. Theo một chuyên gia của Hiệp hội Gas Việt Nam, để tháo gỡ khó khăn, các thành viên trong hiệp hội cần phải cùng nhau chia lửa, hỗ trợ nhau bằng cách các doanh nghiệp lớn giúp các doanh nghiệp nhỏ cho thuê lại một phần các tiện ích để đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh trước mắt, sau đó mới tìm cách phát triển.

Đối với quy định về khoảng cách an toàn, một số doanh nghiệp đành phải đối phó bằng cách thuê nhà xưởng cho đủ 6.000 mét vuông như một hình thức hợp thức hóa theo nghị định nhưng thực chất số diện tích này, theo một doanh nghiệp, chỉ là nhằm đối phó mà thôi, chứ vẫn không được sử dụng. Để đáp ứng tiêu chuẩn mới, văn phòng của các doanh nghiệp ở TPHCM hầu hết đều dời ra ngoại thành, riêng bồn chứa và hệ thống chiết nạp thì vẫn giữ nguyên. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị nên cho giữ lại những gì còn phù hợp và bảo đảm an toàn.

Điều may mắn là, theo một doanh nghiệp ở TPHCM, Nghị định 107 cũng có chỗ thoáng khi không quy định rõ các cơ sở vật chất như cầu cảng, kho bãi, số bình gas là thuộc chủ sở hữu của doanh nghiệp hay là thuê mướn, vì thế các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện có thể bắt tay liên kết với nhau để cùng có đủ các điều kiện kinh doanh. Chẳng hạn, tám kho cảng của các doanh nghiệp ở Đồng Nai đều không đáp ứng được yêu cầu, các doanh nghiệp đã ký các hợp đồng, liên kết cùng chia sẻ để đáp ứng điều kiện. Tuy vậy, ở khu vực khác, các doanh nghiệp vẫn chưa có các động thái này, và vẫn đang hồi hộp chờ đến ngày 1-10 cho số phận của mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới