Gieo nhân nào, gặt quả nấy
Phan Trọng Hiền
(TBKTSG) - Tại vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 mới diễn ra, phần thi ứng xử thực chất chỉ là cuộc thi “trả bài” để xem ai thuộc bài hơn.
Cụ thể, câu hỏi dành cho thí sinh N.H rất chung chung: Sứ mệnh của hoa hậu là gì? Và câu “trả bài” của thí sinh cũng chung chung không kém: "Sứ mệnh của một hoa hậu là chung tay đóng góp một phần sức lực của mình để làm những việc có ích cho cộng đồng chung, cho xã hội chung để phát triển đất nước” (Phụ nữ, 16-8-2010).
Không riêng gì các cuộc thi người đẹp, ngay cả các cuộc thi Người dẫn chương trình truyền hình do HTV tổ chức hằng năm, khán giả cũng từng chứng kiến không ít “MC” tương lai trân mình ra “trả bài” đến tội nghiệp! Thí dụ, nói về các danh nhân như Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định…, hầu như các thí sinh đều cố học thuộc lòng để sau đó “trả bài” cho ban giám khảo. Thậm chí, tự giới thiệu về bản thân và quê hương mình, thí sinh cũng học thuộc lòng và “trả bài” nốt. Theo tôi, “bệnh trả bài” tại các cuộc thi không còn là những biểu hiện riêng lẻ, mà đã có tính hệ thống. Và suy cho cùng, nguyên nhân của căn bệnh này bắt nguồn từ phương pháp giáo dục lạc hậu.
Thật vậy, nhiều thế hệ học sinh cho đến tận hôm nay đã quen với cách học nhồi nhét, hầu như không có một chút tư duy sáng tạo nào. Thậm chí làm văn muốn được điểm cao, phải làm giống (hoặc quay cóp) những bài “văn mẫu”. Giám khảo chấm các bài thi môn văn phải tuân thủ “ba rem” điểm, trong đó lắt nhắt đến một phần tư điểm. Làm văn hay, dở cốt ở cái thần, cái hồn, đôi khi “ý tại ngôn ngoại”, nhưng đằng này các bài văn muốn được điểm cao, phải liệt kê cho đủ các ý theo hướng dẫn ôn tập...
Chính cách giáo dục lạc hậu nói trên đã làm triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo của phần lớn học sinh, biến họ trở thành những con người thụ động, thiếu tự tin. Chẳng hạn, trong các chương trình trò chơi truyền hình, không ít khán giả rụt rè trả lời câu hỏi cũng bằng… một câu hỏi khác: “Có phải là (…) không ạ?”.
Gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Chuyện các người đẹp “trả bài” cũng bình thường, giống như chuyện một số “tiến sĩ” còn viết sai cả lỗi chính tả tiếng Việt.