Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Giới doanh nghiệp có năm nhóm vấn đề khó khăn cần Chính phủ tháo gỡ

TH

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sáng nay (11-8), Chính phủ đã tổ chức hội nghị với doanh nghiệp trên toàn quốc với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững". Hội nghị được kỳ vọng là sẽ tìm ra các giải pháp phù hợp, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp để giới kinh doanh sớm phục hồi sau đại dịch, góp phần cho phát triển kinh tế.

Tại đây, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu ra 5 nhóm vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp trong các tháng cuối năm 2022, cần được Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại 63 địa phương với sự tham gia của 1.200 đại biểu đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp cùng và các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố.

Năm nhóm khó khăn doanh nghiệp cần sớm giải quyết triệt để

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn báo cáo của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cho thấy, hiện nay thị trường của doanh nghiệp đặc biệt là thị trường nội địa trong một số ngành phục hồi trên 75-85% so với trước dịch Covid-19. Doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch.

Mặc dù hiện nay, khu vực doanh nghiệp đang có sự phục hồi tích cực nhưng thực tế các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng đáng kể nhưng tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao; đồng thời thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn.

Qua tổng hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cho thấy các tháng cuối năm 2022 dự kiến tiếp tục đối mặt với 5 nhóm khó khăn gồm:

Giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, giá thành gói thầu xây dựng tăng từ 18-30%; chi phí logistics tăng cao từ 3 - 5 lần. Trong quí 2 vừa qua, mức độ tăng về chi phí của doanh nghiệp cao hơn mức độ tăng về doanh thu.

Tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành và địa phương; quy định tăng mức lương tối thiểu vùng cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp do phải tăng các khoản chi phí được tính tỷ lệ theo lương trong khi giá bán không thể thay đổi đối với đơn hàng đã ký kết, đặc biệt đối với những ngành sử dụng nhiều lao động.

Việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp.

Biến động bất lợi ở cả phía cung và cầu. Một số ngành hàng đang xảy ra tình trạng cung linh kiện không đủ phục vụ cho sản xuất. Trong khi đó, ở một số ngành khác như dệt may, dự báo đến tháng 9, tháng 10 năm nay tình trạng thiếu đơn hàng sẽ ngày một gia tăng do sức mua của các thị trường nước ngoài giảm mạnh, hàng tồn không bán được, các nhãn hàng trên thế giới không ký đơn hàng mới.

Một số vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh như nhiều dự án đầu tư ở địa phương chưa triển khai được do các thủ tục liên quan kéo dài nhiều năm; các quy chuẩn về môi trường trong sản xuất chế biến thuỷ sản, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy; quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang còn nhiều bất cập…

Đây cũng là vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp liên tục phản ánh trong các kỳ hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp trước đó, là điều mà doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ tài chính khác nhưng vẫn chưa được giải quyết thực chất và triệt để.

 

Dự báo đến tháng 9, tháng 10 năm 2022, tình trạng thiếu đơn hàng sẽ ngày một gia tăng do sức mua của các thị trường nước ngoài giảm mạnh. Ảnh minh họa: vietnamtextile.org.vn.

Nợ đọng xây dựng đang cản trở đầu tư công

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng, các gói hỗ trợ của Chính phủ không triển khai được đến doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là mức giảm VAT 2% quá ít, nên quay lại mức giảm là 5%.

Các gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch, thị trường chưa trở lại nên tác dụng không nhiều, cần xem lại chính sách này. Gói hỗ trợ 2% đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp, như doanh nghiệp du lịch không tiếp cận được do vướng nhiều rào cản.

Các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp nhưng tài sản trong 2 năm dịch đều đã thế chấp. Doanh nghiệp lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu, các yếu tố này không thế chấp được.

Kiến nghị tại hội nghị, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may, thành lập khu công nghiệp dệt may lớn để giải quyết vấn đề về vải, nhuộm, hoá chất… Vấn đề này liên quan đến xử lý nước thải mà nhiều địa phương cũng không mặn mà trong khi đó ngành dệt may cần có nguồn vải đáp ứng yêu cầu xuất xứ để hưởng những lợi ích mà FDI mang lại.

Về thuế giá trị gia tăng, hiệp hội này kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính quy định thuế cho sản phẩm dệt may xuất khẩu tại chỗ. Ông Cẩm cũng “cầu cứu” về vấn đề lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay rất hay gặp các trường hợp khủng bố, đòi nợ, do công nhân đi vay nhưng lãnh đạo bị đòi nợ, gây ra rất nhiều mệt mỏi, bức xúc.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị tháo gỡ gấp hai vấn đề đang cản trở đầu tư công là nợ đọng xây dựng và  đơn giá - định mức.

Theo ông Hiệp, khoảng 90% doanh nghiệp xây dựng Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô vốn dao động dưới 100 tỉ đồng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng chỉ phổ biến quy mô vốn từ 500-1.000 tỉ đồng và vốn trên 1.000 tỉ đồng chưa đến 10 doanh nghiệp.

Trong khi đó, nợ đọng không thanh toán được khá phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp, các tổng công ty, tập đoàn xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài ngàn tỉ đồng trong khi vốn eo hẹp phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm.

Có những khoản nợ từ công trình vốn đầu tư công đã kết thúc 2-3 năm nhưng chưa quyết toán và thanh toán được do có phát sinh hoặc do hồ sơ thanh toán chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên vẫn còn tồn đọng.

Ngoài ra còn tình trạng nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách do một số chủ đầu tư chây ì cố tình không thanh quyết toán đặc biệt ở 25% cuối của dự án mặc dù đã đưa vào khai thác sử dụng.

Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết các nợ dồn toa để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.

Đối với vốn đầu tư ngoài ngân sách, đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc để đảm bảo sự bình đẳng cho các nhà thầu với chủ đầu tư. Trước mắt, có chế tài cụ thể để cơ quan chức năng giải quyết cho các khoản nợ đọng kể cả biện pháp công bố tình trạng chây ì thanh toán của một số chủ đầu tư.

Đối với vấn đề đơn giá – định mức, hiện các công trình xây dựng, đặc biệt các công trình vốn đầu tư công, đều sử dụng hệ thống đơn giá định mức do Bộ Xây dựng ban hành làm căn cứ cho cả khâu lập tổng mức đầu tư và thanh toán cho các dự án ở tất cả các loại hình công việc.

Tuy nhiên, do trình độ công nghệ của phát triển rất nhanh nên một số công việc không có định mức, một số công việc định  mức đã trở nên lạc hậu không cập nhật kịp thời với giá thực tế nên dẫn tới những khó khăn cho các nhà thầu, đặc biệt với khu vực đầu tư công. Hiện nay có tình trạng một số doanh nghiệp xây dựng không muốn đảm nhận các dự án đầu tư công.

Theo Baochinhphu.vn, TTXVN

1 BÌNH LUẬN

  1. Những nhóm vấn đề này không có gì mới. Thậm chí đã đề cập, kêu cứu… các kiểu, từ rất lâu. Quan trọng là quyết sách giải quyết vấn đề. Trước hết là lạm phát, kể cả giá VLXD, đã có dấu hiệu hạ nhiệt, cả từ ngoài nước và trong nước. Như vậy dư địa để tăng cung tín dụng cần được nới rộng, nhanh chóng mở van/ nới room để các doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhất là hiện nay các khoản vay hỗ trợ lãi suất gần như tắc, không giải ngân được. Nợ đọng vốn dĩ trầm kha bao nhiêu năm nay rồi, nếu gỡ rối được bằng cách bù trừ vào chỉ tiêu giải ngân đầu tư công năm nay, chắc chắc tỷ lệ hoàn thành giải ngân sẽ tăng vọt, không phải đợi chính phủ đốc thúc cả ngày cả năm ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới