Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Giữ lửa’ và hồi sinh làng nghề truyền thống

Quỳnh Như

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong sức ép về cải tiến chất lượng và mẫu mã thiết kế để bắt nhịp cùng yêu cầu của người tiêu dùng, nhiều sản phẩm làng nghề đã chậm chân, dẫn đến sự mai một trên thị trường. Song, trong dòng chảy hối hả của cuộc sống, vẫn còn những nghệ nhân, bằng sự đam mê và tâm huyết đã nỗ lực "giữ lữa" cho các làng nghề, góp phần bảo tồn và lan tỏa những nét tinh hoa của nghề truyền thống.

Hoa giấy Thanh Tiên bao đời nay đã trở thành nét văn hoá tín ngưỡng của người dân xứ Huế. Ảnh: Hoàng Lê

Đưa các sản phẩm của làng nghề truyền thống vượt ra khỏi một địa phương cục bộ, tiếp cận và thuyết phục các nhóm khách hàng trẻ tuổi hơn... đó là những thách thức không nhỏ mà các nghệ nhân làng nghề đang phải vượt qua. Họ không chỉ xoay xở để tìm kiếm và mở rộng thị trường, thu hút sự quan tâm của đối tác, khách hàng, xây dựng hình ảnh cho sản phẩm mà còn là những hành trình mang thông điệp giáo dục ý thức giới trẻ trong việc bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc.

Cách tân và bảo tồn giá trị truyền thống

Theo nhiều nghệ nhân, các sản phẩm nghệ thuật truyền thống nói chung hiện đã có sự cách tân để hướng tới thế hệ tiêu dùng trẻ và trong tương lai là khách hàng quốc tế. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy luôn phải cẩn trọng và bám sát yếu tố truyền thống cốt lõi, đây cũng là những giá trị giúp sản phẩm tìm kiếm và trụ lại được tại các thị trường mới.

Một trong những làng nghề truyền thống (LNTT) lâu đời ở Huế là làng nghề hoa giấy Thanh Tiên. Những sản phẩm của ngôi làng thường được dùng vào các dịp lễ, thờ ông Táo, Thổ Công, tổ tiên,… và hoa được thay mới một lần vào dịp Tết nguyên Đán.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều sản phẩm thay thế phong phú và bắt mắt hơn, được người tiêu dùng yêu chuộng hơn. Do đó, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này giảm, dẫn đến hoa giấy cũng không được sản xuất nhiều như trước, thu nhập của người dân bấp bênh, không ổn định. Nhiều người trong làng đã không còn gắn bó với nghề.

Hơn nữa, nhiều LNTT muốn giữ lại những giá trị xưa để lại nên vẫn sản xuất thủ công, số lượng làm ra trong một ngày không nhiều, mẫu mã chưa đa dạng, quy mô nhỏ lẻ. Do đó, họ khó cạnh tranh lại với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại tại các nước trong khu vực. Nhất là những đơn hàng đòi hỏi số lượng lớn, đa dạng chủng loại và yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian giao hàng. Vì vậy, những sản phẩm từ các LNTT vẫn chưa tiếp cận nhiều với thị trường trong nước và quốc tế.

Hay như làng nghề dệt lụa Mã Châu (tỉnh Quảng Nam), cũng gặp nhiều khó khăn trong việc dựng khung cửi, xe tơ, dệt lụa để đánh thức làng nghề vàng son tưởng đã đi vào quá khứ. Cuộc trở về của những người trẻ với khát vọng gầy dựng nên thương hiệu lụa Mã Châu đầy cam go. Bởi lẽ, làng nghề Mã Châu gần 600 năm tuổi nhưng thương hiệu lụa Mã Châu dường như không có.

Thêm vào đó, việc thay đổi suy nghĩ của những người lớn tuổi làm nghề truyền thống không hề dễ dàng, họ giỏi dệt lụa nhưng không am hiểu về kinh doanh, sản xuất. Thế nên, phục dựng làng nghề và xây dựng thương hiệu lụa Mã Châu là cả một chặng đường dài.

Cái khó về mặt kinh tế khiến nghề truyền thống khó giữ chân các bạn trẻ ở lại. Theo thời gian những LNTT không còn người kế thừa sẽ dần bị lãng quên và mai một đi. Những LNTT vẫn sẽ luôn hiện hữu nếu vẫn còn có người biết đến và quan tâm đến sự tồn tại của những ngôi làng này. Festival nghề truyền thống Huế là một ví dụ, nơi mở ra cơ hội giao lưu cho các LNTT. Festival nghề truyền thống Huế 2023 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” sẽ diễn ra từ ngày 28-4 đến 05-05.

Sự kiện năm nay giới thiệu 21 nhóm nghề truyền thống với sự tham gia của 69 làng nghề, cơ sở nghề truyền thống của Huế và nhiều địa phương trong cả nước. Festival nghề truyền thống Huế năm nay có sự góp mặt của các nghệ nhân đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nghề chằm nón ở Huế. Ảnh: Hoàng Lê

Điểm nổi bật của Festival nghề truyền thống Huế 2023 là có tính tương tác cộng đồng, giúp các sản phẩm truyền thống đền gần hơn với người dân và du khách. Cùng với đó, không gian giới thiệu các ngành nghề truyền thống là sự kết hợp giữa nhà rường truyền thống và nhà tranh tre. Mỗi gian hàng trưng bày là một câu chuyện về nghề.

Ngoài các chương trình chính thường có trong các kỳ tổ chức trước đây, “Tinh hoa nghề Việt” năm nay sẽ có các chương trình lần đầu được tổ chức như: Lễ hội ẩm thực với chủ đề “Tinh hoa nghề Bún”, Lễ hội Quảng diễn đường phố, chương trình Tri ân dòng Hương,…

Đây là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn, nhằm tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành nghề truyền thống. Sự kiện cũng nhằm tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Giữ lửa nghề, lan tỏa những giá trị bền vững

Chính những sự kiện, lễ hội quy mô như Festival nghề thống Huế sẽ giúp hồi sinh và phát triển các LNTT.

Ví dụ như tại ngôi làng thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, cuộc hồi sinh của nghề trồng dâu nuôi tằm là nhờ vào áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới giúp vực dậy nghề cũ tưởng chừng đã mai một.

Vẫn còn đó những rủi ro tiềm tàng do biến động giá cả thị trường, song chính quyền có thể hỗ trợ để người dân giảm tối đa chi phí, giảm rủi ro thiệt hại, đồng hành với những người làm nghề “ăn cơm đứng” bằng việc đưa tới những giải pháp mới trong sản xuất dâu và chăm sóc dâu tằm. Cùng với đó, chính quyền địa phương xúc tiến quảng bá sản phẩm kén tằm Hoài Ân, khai thác các mô hình du lịch nông nghiệp từ nghề trồng dâu nuôi tằm, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Đối với làng lụa Mã Châu (tỉnh Quảng Nam, từ chỗ rệu rã, đứng trên bờ giải thể, ngôi làng đã sống dậy nhờ việc đổi mới tư duy sản xuất, áp dụng máy móc công nghệ hiện đại cùng chiến lược kinh doanh, quảng bá sản phẩm thông qua du lịch, hướng đến làng du lịch cộng đồng của người trẻ như chị Trần Thị Yến. Lối tư duy mới mẻ, đầy quyết tâm là gạch nối giữa hai thế hệ để làng nghề này bước tới tương lai tươi sáng hơn…

Hay như Maypaperflower, một dự án start-up làng nghề truyền thống đã khai thác tiềm năng nghề hoa giấy truyền thống ở Huế. Chị Phan Ngọc Hiếu, người sáng lập dự án, đã kết hợp hoa giấy truyền thống với nghệ thuật đương đại nhằm cung cấp những sản phẩm trang trí mới. Qua hai năm hoạt động, những sản phẩm của Maypaperflower không chỉ được người dân Huế yêu chuộng mà còn nhận được nhiều đơn hàng trong nước và quốc tế.

Câu chuyện “giữ lửa” LNTT là cả một chặng đường dài. Nếu một cá nhân hay một dự án khởi nghiệp (startup) thành công trong việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ hiện đại và tìm thị trường tiêu thụ cho những sản phẩm truyền thống, mà họ kết nối được với người dân trong LNTT thì sẽ mở ra cơ hội để người dân duy trì với nghề.

Cùng với đó là sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong việc quảng bá thương hiệu sản phẩm truyền thống, đẩy mạnh hợp tác với các trung tâm du lịch, lữ hành nhằm tăng số lượng khách đến tham quan, tiêu thụ sản phẩm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới