Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giữ Thanh tra huyện để đảm bảo nguyên tắc ‘ở đâu có quản lý nhà nước, ở đó có thanh tra’

TH

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, sáng 25-10, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra; hoạt động thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; giải pháp chống xử lý chồng chéo, trùng lặp và phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước.

Các đại biểu Quốc hội đang nge báo cáo về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Luật Thanh tra sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 8 chương với 118 điều. So với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo luật lần này đã được chỉnh lý 111/118 điều, trong đó 102 điều được chỉnh lý về nội dung, 9 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản; về bố cục, tăng thêm 2 điều và sắp xếp, bố cục lại nhiều điều, mục trong các chương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà vì chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội thông qua quy định về Thanh tra huyện như trong dự thảo luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua.

Các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận một số vấn đề về hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra; về hoạt động thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra và đoàn thanh tra; về xử lý chồng chéo, trùng lặp và phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước.

Thảo luận tại hội trường về dự án luật này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị nghiên cứu thêm đối với trường hợp cơ quan thanh tra không đồng ý với văn bản trả lời của cơ quan chức năng có trách nhiệm liên quan trong việc xem xét, kiến nghị khởi tố vụ án.

Bà Phúc cũng đề nghị cần quy định rõ việc phối hợp xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng. Về kết luận thanh tra, để đảm bảo tính chặt chẽ của dự án luật, cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ sung, sửa đổi kết luận thanh tra, nhằm tránh tiêu cực, hạn chế việc sửa đi sửa lại kết luận thanh tra.

Theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định), dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này đã quy định các cơ quan thanh tra, cục thuộc tổng cục thuộc bộ được thành lập theo quy định của Chính phủ, thì với hệ thống của Bảo hiểm xã hội là cơ quan thuộc Chính phủ tương tự như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê nhưng chưa được Luật Thanh tra khẳng định vị trí của Thanh tra Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng cần thiết quy định trong Luật Thanh tra (sửa đổi) về cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội bao gồm ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ở Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng thanh tra Chính phủ đã trình bày tờ trình, dự thảo luật được thảo luận tại tổ và hội trường và cơ quan soạn thảo đã có tiếp thu giải trình gửi đại biểu Quốc hội. Thời gian qua cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Giải trình về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện nay gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện để đảm bảo nguyên tắc “ở đâu có quản lý nhà nước, ở đó có thanh tra”, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở, nhất là đối với Thanh tra cấp huyện. Do đó, sau khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc kiện toàn, tổ chức nâng cao năng lực cho cơ quan thanh tra huyện đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay.

Về hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành lĩnh vực tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã quy định việc thành lập Thanh tra tổng cục thuộc bộ với các tiêu chí cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này. Dự thảo luật đã chỉnh lý việc thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ như Bảo hiểm xã hội, Ủy ban Quản lý vốn, Ban Cơ yếu chính phủ theo hướng quy định tiêu chí, nguyên tắc thành lập. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể.

Theo Quochoi.vn

1 BÌNH LUẬN

  1. Theo tôi nên bỏ, tại vì có bộ phận này cũng chỉ là hình thức để “hợp thức hóa” hoặc “dọn đường” trước khi về hưu cho một số người thôi chứ không có tác dụng tích cực trong công cuộc làm trong sạch bộ máy, phát hiện sai phạm và tham nhũng…Thanh tra thì phải thanh tra chéo, thanh tra từ cấp tỉnh trở lên xuống kiểm tra cấp huyện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới