Gỡ “nút thắt” cho khởi nghiệp Đà Nẵng
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) - Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) là nơi duy nhất trên cả nước hoạt động theo mô hình công-tư. Bên cạnh một số lợi thế, mô hình này đang dần lộ ra những rào cản trong việc hỗ trợ các nhà khởi nghiệp cũng như phát triển bản thân DNES.
Ông Võ Duy Khương (giữa), Chủ tịch DNES, trò chuyện với các doanh nghiệp. Ảnh: Nhân Tâm |
Nhân dịp Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (Techfest Vietnam) 2018 diễn ra cuối tuần trước tại thành phố Đà Nẵng, TBKTSG Online có cuộc trò chuyện với ông Võ Duy Khương, Chủ tịch DNES, về những bất cập hiện tại và phương án nhằm tháo gỡ nút thắt trên.
TBKTSG Online: Ông có thể nói rõ hơn những nút thắt trong mô hình công tư này?
- Ông Võ Duy Khương: DNES ra đời cuối năm 2015, được quản lý bởi Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng (DSC) với nguồn vốn từ Nhà nước (66%) và các nhà đầu tư tư nhân (34%). Do không bị ràng buộc hoàn toàn bởi nhà nước, nên DNES có thể tự chủ được một số hoạt động và kinh doanh có lãi, chủ yếu từ 2 không gian làm việc chung.
Tuy nhiên, vì Nhà nước nắm giữ hơn 51% vốn tại DNES nên các hoạt động liên quan đến nguồn vốn, đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để tạo ra lợi nhuận phải theo cơ chế Nhà nước. Ví dụ, khi DNES muốn bỏ vốn đầu tư vào 1 dự án khởi nghiệp, việc triển khai và quyết toán theo quy trình: Dự án phải được duyệt bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Số tiền đầu tư phải được Sở Tài chính thẩm định và duyệt… Điều này vô tình tạo ra một trở lực cho phát triển của DNES nói riêng và hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng nói chung.
Vậy làm sao để xóa bỏ trở lực này?
- Tôi chuẩn bị trình lên DSC đề án cơ cấu lại DNES trong giai đoạn 2019-2021 với 2 phương án. Phương án thứ nhất là giảm vốn nhà nước xuống dưới 50% và tăng phần vốn tư nhân lên hơn 51% tại DNES, tạo điều kiện cho vươn ươm không còn bị chi phối bởi vốn nhà nước nữa, tức là không bị ràng buộc bởi cơ chế nữa.
Phương án thứ 2 là thoái gần hết vốn tư nhân tại DNES. Lúc đó, DNES vẫn hoạt động theo mô hình công-tư nhưng phần vốn nhà nước chiếm hầu hết. Phần vốn tư nhân rút ra sẽ được “đắp” vào quỹ đầu tư thiên thần FFI (Flying Fish Investment) do nhóm đầu tư cá nhân đối tác của DNES nắm giữ. Với phương án này, FFI sẽ hoạt động như sân sau của DNES, chịu trách nhiệm hỗ trợ, tư vấn, đầu tư các dự án khởi nghiệp.
Ông có thể cho biết lợi, hại của từng phương án? Và ông nghiêng về phương án nào?
- DNES hiện nay đang có một danh tiếng tốt và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Việc điều chỉnh cơ cấu theo phương án 1 sẽ giúp bản thân DNES có nhiều điều kiện hơn trong việc đem tiền đi hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, thách thức mà DNES phải đối mặt là vốn hoạt động sẽ giảm xuống đáng kể. Nhà nước sẽ rút bớt vốn tại DNES để chỉ còn sở hữu dưới 50% từ mức 66% hiện nay trong khi việc kêu gọi vốn tư nhân vào một tổ chức công-tư hiện nay gặp không ít khó khăn.
Trong khi đó, với phương án 2, khi phần vốn nhà nước tăng lên và chiếm đa số thì sẽ có sự thay đổi lớn về hoạt động. Có một thực tế phải đối mặt là những người lâu nay ngại làm dưới cơ chế nhà nước sẽ bỏ đi, dẫn đến thay đổi lớn về mặt nhân sự. Tuy nhiên, cái lợi của phương án này là sẽ tạo ra bước đột phá trong phát triển khởi nghiệp. Hiện nay FFI chỉ mơi là một quỹ nhỏ. Với phương án này, phần vốn tại FFI sẽ tăng lên và là cơ sở để phát triển một mạng lưới nhà đầu tư thiên thần tốt. Chúng tôi cũng sẽ có nhiều cơ sở để tăng thêm nguồn lực và vốn cho FFI từ các nhà đầu tư thiên thần.
Tôi muốn nói thêm rằng, hiện nay các doanh nghiệp sau khi được “ươm” tại DNES hoạt động theo 2 dạng: nhà khởi nghiệp phát triển nhanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ có doanh thu ổn định. Vì vậy phương án 2 sẽ có lợi hơn mô hình này.
Các bạn trẻ tham gia Cuộc thi DevFest Hackathon được DNES tổ chức mới đây tại Đà Nẵng với những dự án sáng tạo. Ảnh: Nhân Tâm |
Bên cạnh trở lực nói ở trên, trong xu thế nhà nhà làm khởi nghiệp hiện nay, DNES đang gặp những thách thức nào nữa không? Và giải pháp là gì?
- Hiện nay, nguồn nhân lực tài năng, những người sáng lập các dự án khởi nghiệp tại Đà Nẵng không nhiều như trước. Họ hiện nay có nhiều lựa chọn hơn. Những người giỏi thậm chí đã chọn Sài Gòn hoặc Hà Nội để phát triển sau khi được ươm tại DNES.
Vì vậy, bên cạnh nâng cao các hoạt động ươm tạo tại DNES, chúng tôi đang hoàn thành đề án đưa chương trình khởi nghiệp vào giảng dạy tại các trường đại học tại Đà Nẵng. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức các lớp huấn luyện cho các giảng viên tham gia dạy các lớp khởi nghiệp này, để dần dần tạo một cơ sở vững chắc và sức hút ngay từ ghế nhà trường.
Bên cạnh đó chúng tôi sẽ phát triển một dự án với quy mô 15 tầng. Nơi đây không chỉ là không gian làm việc chung thứ 3 của DNES mà còn trở thành không gian sáng tạo của các doanh nghiệp.
Ông có thể “vẽ” bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đà Nẵng 10 năm tới?
- Với định hướng “Innovation hub by the sea” (Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bên bờ biển), đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ là trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, Đà Nẵng có nhiều lợi thế và tiềm năng để làm được điều này. Còn về định hướng trước mắt, DNES sẽ nâng chất hoạt động ươm tạo với chương trình đào tạo đổi mới 2.0 – khởi nghiệp tinh gọn và các giám đốc, nhà doanh nghiệp đi trước “kèm cặp” các nhà khởi nghiệp.