Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Gồng mình giữ việc làm và lương thưởng cho công nhân

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong bối cảnh đơn hàng sản xuất bị sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp đã xoay xở nhiều cách để duy trì hoạt động của các phân xưởng, để người lao động vẫn có việc làm và lương thưởng trong những ngày cận kề năm mới.

Qua cuộc ghi nhận của KTSG Online trong những ngày vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp đều đang chịu áp lực lãi suất vay vốn tăng cao hơn trước trong khi hoạt động sản xuất và sức mua đều sụt giảm. Các nhà sản xuất xoay xở trăm bề, vừa phải đi tìm đơn hàng và thị trường mới, vừa phải linh hoạt trong quản trị nội bộ khi áp dụng các biện pháp giãn tiến độ sản xuất, cho người lao động làm việc luân phiên, sử dụng khung thời gian trống cho việc đào tạo, nâng cao tay nghề... Đáng chú ý, doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo lương tháng 13 cũng như lên kế hoạch tặng quà, thưởng tiền... cho người lao động trong mùa Tết Nguyên đán sắp đến.

Nhiều doanh nghiệp may mặc xoay xở nhằm không để người lao động mất việc. Ảnh minh họa: website Vitas

Không để người lao động mất việc

Trong bối cảnh chung bị sụt giảm đơn hàng xuất khẩu của toàn ngành dệt may, Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 vẫn cố gắng duy trì việc làm cho hàng ngàn người lao động. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết bắt đầu từ quí 4 đến nay, đơn hàng sản xuất tại May Sài Gòn 3 bị sụt giảm khoảng 20% và dự báo trong quí 1-2023 hoạt động sản xuất sẽ chỉ ở mức 70% năng lực. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là đến hiện tại, doanh nghiệp không để bất cứ người lao động nào mất việc làm.

"Dù đơn hàng sản xuất bị sụt giảm nhiều nhưng chúng tôi vẫn duy trì việc làm ổn định cho hơn 3.000 lao động của công ty", ông Hồng chia sẻ, và cho biết: "Chỉ một vài bộ phận sản xuất, công nhân tạm thời không làm việc vào ngày thứ Bảy như lúc đơn hàng dồi dào".

Tại Công ty cổ phần May Phương Đông, thời gian gần đây đơn vị nhận gia công những đơn hàng không thuộc thế mạnh của mình, nhằm đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm. Nhờ những giải pháp linh hoạt này mà May Phương Đông vẫn có thể duy trì việc làm cho hơn 2.000 lao động đến hiện tại.

Câu chuyện khó khăn của ngành dệt may đã diễn ra trên diện rộng. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết đơn hàng các tháng cuối năm 2022 và quí 1-2023 của nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận mức sụt giảm mạnh, bình quân 25-27%. Đáng chú ý, với các doanh nghiệp làm hàng gia công, tỷ lệ sụt giảm càng nặng nề hơn.

Bên cạnh đó, áp lực lãi suất ngân hàng tăng cao, chi phí mua nguyên vật liệu biến động do tỷ giá tăng trong thời gian dài cũng đang thử thách năng lực cùng sự kiên trì nơi các nhà sản xuất. Ông Vũ Đức Giang chia sẻ nhiều doanh nghiệp vẫn gồng mình cố gắng giữ chân người lao động. Đây cũng là một trong những lý do giải thích cho việc sự sụt giảm về lực lượng lao động nghỉ việc của ngành dệt may vẫn còn khá thấp, khoảng 5-7% theo thống kê mới nhất của Vitas.

Hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thâm dụng lao động khác như đồ gỗ, da giày, điện tử... cũng đang trải qua những khó khăn tương tự khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, và đang nỗ lực áp dụng các giải pháp giãn việc, bố trí luân phiên để giữ việc cho công nhân.

Đại diện một số doanh nghiệp chia sẻ phần lớn nhân sự đều là những người có tay nghề, kỹ năng và gắn bó lâu dài cùng đơn vị nên không thể để họ thất nghiệp. Nhất là cuối năm và Tết đến, người lao động rất cần có việc làm để có thu nhập trang trải cho cuộc sống cùng nhiều khoản chi phí khác khi năm mới đang đến gần.

Tại Công ty Lê Thành, doanh nghiệp có hệ sinh thái đa dạng ngành nghề, vẫn đang duy trì công việc ổn định cho hơn 1.500 lao động, dù lĩnh vực quan trọng của đơn vị là bất động sản đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết.

"Người lao động đã gắn bó lâu dài, quen công việc và văn hóa của công ty, không vì khó khăn lúc này mà đi đến quyết định sa thải họ", ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, chia sẻ và cho biết quỹ lương trả cho người lao động tại Lê Thành hiện nay vào khoảng 10 tỉ đồng/tháng.

"Giữ chân người lao động cũng là bước chuẩn bị để khi thị trường hồi phục, công ty có thể bắt tay vào hoạt động ngay mà không lo việc tìm kiếm nhân sự, đào tạo, huấn luyện... mất rất nhiều thời gian", ông Nghĩa nói.

Người lao động trong xây dựng đang bị ảnh hưởng nhiều khi ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: DNCC

Xoay xở, linh hoạt để thích nghi với những tình huống mới

Tình hình hoạt động sản xuất tại các nhà máy của doanh nghiệp đang chững lại vì đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu và thiếu đơn hàng. Do đó, san sẻ việc làm là cách mà nhiều doanh nghiệp đang áp dụng để giữ người lao động hiện nay. Người lao động được bố trí làm việc luân phiên các ngày trong tuần nhằm đảm bảo ai cũng có việc và thu nhập để trang trải trong cuộc sống.

Có thể nói 2022 là năm khó khăn chung của nền kinh tế và đặc biệt là với doanh nghiệp ngành xây dựng. Không chỉ đối mặt với thách thức hậu Covid-19, giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, mà những sự kiện không tốt liên quan đến thị trường bất động sản, nhà đầu tư cùng việc thắt chặt tín dụng,… cũng đang kéo lùi tăng trưởng của ngành.

Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons cho biết trong thời gian qua, đặc biệt ngay cả ở thời điểm khó khăn do Covid-19, đơn vị đã không cắt giảm nhân sự. Trong sáu tháng cuối năm 2022, doanh nghiệp tuyển thêm lao động để phù hợp với yêu cầu thực tế từ số lượng dự án đảm nhận.

Năm 2023, doanh nghiệp sẽ bắt đầu quá trình tối ưu hoá nhân lực, để tập trung vào chiến lược phát triển dài hạn hơn như mở rộng các dự án xây dựng các dự án nhà xưởng công nghiệp, cở sở hạ tầng, phát triển các dự án đầu tư FDI… thay vì tập trung hẳn vào các dự án bất động sản nhà ở như thời trước đây, đại diện Coteccons nói, và cho biết đơn vị đang tìm cáchthúc đẩy các hoạt động kinh doanh mới trong chiến lược đa dạng hóa lĩnh vực. Đơn cử, cùng hợp tác với doanh nghiệp khác để đầu tư phát triển dự án bất động sản.

Với việc mở rộng tệp khách hàng và tham gia đầu tư phát triển dự án bất động sản, Coteccons cũng có thể tạo thêm nhiều cơ hội việc làm mới để có thể luân chuyển người lao động trong công ty.

Doanh nghiệp lạc quan và kỳ vọng năm 2023 có nhiều nguồn việc hơn, từ đó xác định ưu tiên cho mục tiêu tạo ra các cơ hội việc làm mới để cố gắng duy trì được lực lượng người lao động hiện nay.

Để duy trì hoạt động và giữ việc làm cho công nhân, các doanh nghiệp trong ngành dệt may, đồ gỗ, da giày... đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới từ các thị trường phi truyền thống; cắt giảm tối đa chi phí sản xuất; hay tìm cơ hội cả ở thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp còn chấp nhận thực hiện những đơn hàng giá thấp, thậm chí huề vốn để có việc cùng làm...

Một số đơn vị khác phải chọn cách giảm giờ làm, giãn việc nhưng vẫn giữ ổn định lực lượng lao động. Thời gian trống đó, người lao động được đào tạo thêm nhiều kỹ năng, nâng cao tay nghề. Tại Ecco Việt Nam (Bình Dương), doanh nghiệp dùng khung thời gian trống của người lao động cho các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động, dành thời gian cho các hạng mục, phần việc chưa làm được trong những năm qua. Do đó, công ty xem thử thách trong giai đoạn hiện tại là một điều tích cực hơn là tiêu cực.

Xây dựng các phương án kinh doanh mang tính chủ động và linh hoạt cũng là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú (PPJ) - doanh nghiệp có hơn 17.000 lao động ở 10 tỉnh thành, cho biết nếu trước đây doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất từ 6 tháng hoặc nhiều hơn thì nay linh hoạt từng tháng thậm chí từng tuần để hoạt động không bị gián đoạn.

Một số nhà máy tìm cách chuyển đổi dòng sản phẩm, thích ứng trong điều kiện khó khăn đảm bảo việc làm cho người lao động. Ngoài ra, theo bà Liên từ nhiều năm qua PPJ đã đa dạng dòng hàng hóa để không bị động nếu một dòng sản phẩm bị sụt giảm số lượng. "Dòng hàng này giảm còn có dòng hàng khác bù vào, sắp xếp kế hoạch sản xuất phù hợp để các nhà máy đảm bảo có việc giữ chân lao động", bà Liên nói.

Dù khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có kế hoạch lương thưởng Tết cho người lao động. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Đảm bảo lương và thưởng cho người lao động

Dù bị ảnh hưởng của tình hình chung, đơn hàng thiếu hụt, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay xở để không những có lương tháng 13 khi kết thúc năm mà còn có quà hoặc thưởng tiền cho người lao động khi cái Tết cận kề đến.

Một số doanh nghiệp cũng công bố kế hoạch thưởng Tết sớm để người lao động an tâm làm việc trong những ngày cận tết và đây là cách giữ chân lao động trong dịp giáp Tết và sau Tết.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, dù tình hình khó khăn, nhưng tại Lê Thành năm nay sẽ thưởng 1,5 đến 2 tháng lương, tùy từng người lao động, tức trung bình mức thưởng từ 15-20 triệu đồng/người.

Bà Nguyễn Thị Liên cho biết dù khó khăn hơn so với mọi năm nhưng tại Công ty PPJ vẫn thực hiện các chính sách lương, thưởng như đã thông báo từ đầu năm.

Với cương vị là Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM, ông Phạm Xuân Hồng cho biết đa số các doanh nghiệp hội viên cũng có mức thưởng 1,5 tháng lương cho người lao động. Và có doanh nghiệp cũng có mức thưởng cao hơn.

Trong khi đó, Coteccons phối hợp Báo điện tử Dân trí tổ chức dự án “Xây Tết 2023” nhằm triển khai tại 60 công trường đang hoạt động của Coteccons trên khắp cả nước mang đến 12.000 phần quà Tết cho những người công nhân xây dựng.

Tại Nissei Electric Việt Nam dù đơn hàng những tháng cuối năm giảm 20%-30%, nhưng công ty vẫn giữ mức thưởng người lao động từ 1,8-2,2 tháng lương/người, bình quân mỗi lao động được thưởng hơn 13 triệu đồng.

Những nhà máy quy mô hàng chục nghìn lao động thiếu đơn hàng nhưng thưởng Tết năm nay cao hơn năm ngoái giúp giải tỏa áp lực thiếu việc, giảm lương cuối năm. Đơn cử tại Tập đoàn Quốc tế Pou Yuen, từ tháng 12 đến tháng 2-2023, 18.000 lao động ở một số bộ phận phải nghỉ luân phiên thứ 7 vì đơn hàng giảm. Tuy nhiên, trong hơn 130.000 lao động ở 8 nhà máy nhận tin vui được thưởng Tết tăng so với Tết năm ngoái.

Cụ thể Tết năm ngoái, người cao nhất nhận 1,54 tháng và con số này năm trước đó là 1,87 tháng. Sau hai năm giảm, mức thưởng Tết 2023 bằng thời điểm chưa xuất hiện Covid-19. Người làm đủ một năm nhận một tháng lương, tiền thưởng tăng dần theo thâm niên nhưng không quá 2,2 tháng.

Tương tự, hơn 20.000 công nhân Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam ở TPHCM cũng nhận niềm vui thưởng Tết tăng 20% so với năm ngoái và bằng thời điểm chưa xuất hiện dịch. Năm nay, công nhân chưa đủ 3 năm sẽ nhận một tháng lương và tăng dần theo thâm niên, người cao nhất nhận 3 tháng.

Vì vậy trong bối cảnh đơn hàng ở nhiều ngành giảm nhưng các nhà máy lớn công bố thưởng Tết cao hơn năm ngoái thể hiện chia sẻ khó khăn với người lao động.

Trên thực tế, trừ những doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đơn hàng phải giảm giờ làm, tạm hoãn sản xuất thì dự kiến mức thưởng Tết ở nhiều doanh nghiệp dành cho người lao động là 1 tháng lương cơ bản. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều doanh nghiệp tính toán kỹ lưỡng tình hình lợi nhuận để người lao động có phần thưởng Tết tương xứng.

Bên cạnh sự nỗ lực và xoay chuyển của mỗi doanh nghiệp, tại nhiều tỉnh thành cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất. Bởi lẽ chỉ khi doanh nghiệp ổn định được sản xuất thì mới ổn định được thu nhập cho người lao động. Do đó, theo các chuyên gia, giải pháp tốt nhất để chăm lo cho người lao động là ổn định việc làm tại doanh nghiệp.

Theo yêu cầu của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội các địa phương báo cáo tình hình thực hiện lương tối thiểu, tiền thưởng, kế hoạch thưởng Tết cho người lao động trong doanh nghiệp trước ngày 25-12-2022.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới