Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hàn Quốc: Đối diện quá khứ  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hàn Quốc: Đối diện quá khứ  

(TBKTSG Online) – Trong lúc Campuchia mở phiên tòa xét xử các thủ lãnh Khmer Đỏ để phơi bày sự thật về giai đoạn bi thảm nhất trong lịch sử dân tộc mình thì người Hàn Quốc cũng bắt đầu nhìn thẳng vào quá khứ – kể cả những sự kiện tang thương nhất.

Người Hàn Quốc coi đó là phương thuốc hàn gắn những rạn nứt trong xã hội và thúc đẩy đất nước tiến lên.  

Những câu chuyện của quá khứ

Tháng 6-1950, ông Kim Man-sik, lúc ấy là trung sĩ cảnh sát, được cấp trên ra lệnh canh chừng rồi hành quyết hàng loạt “cán binh cộng sản” đang bị giam giữ tại doanh trại của ông. “Họ bị cột vào nhau bằng dây điện thoại. Khi chúng tôi nổ súng, họ xô nhau cố chạy trốn, dây điện cắt vào cổ tay họ bật máu…” Những việc ông thấy, ông làm trong những ngày ấy đã hằn sâu trong tâm trí ông đến tận bây giờ khi ông đã là ông lão 81 tuổi. Ông thú nhận, trong cái ngày đen tối 28-6-1950, ông đã góp phần thủ tiêu 170 “cán binh cộng sản”, phần lớn là nông dân.

Ông Chung Nam-sook, năm nay 80 tuổi, cũng nhớ như in chuyện của hơn nửa thế kỷ trước. Tháng 12-1950, sư đoàn bộ binh thứ 11 của Nam Hàn tiến vào làng Hampyong của ông để truy quét du kích cộng sản. Những người du kích đã rời làng từ lâu nhưng dân chúng vẫn bị lùa hết ra đồng. “Chúng tôi bị bắn bằng súng trường và súng máy. Một lát sau, viên sĩ quan chỉ huy bảo ‘Ai còn sống thì được phép đứng lên đi về nhà’. Người nào đứng lên đều bị bắn”. Bị trúng bảy phát đạn nhưng ông Chung chỉ ngất đi dưới đống xác người mà không chết, để rồi bây giờ ông tường thuật lại sự việc trước công luận…

Những câu chuyện như của ông Kim, ông Chung rọi ánh sáng vào một sự kiện đen tối trong cuộc chiến tranh Triều Tiên: năm 1950 trước khi rút lui do sức tấn công mãnh liệt của quân đội miền Bắc được Hồng quân Trung Quốc hậu thuẫn, các đơn vị quân đội Nam Hàn đã hành quyết hàng chục ngàn dân thường và tù nhân vì nghi ngờ họ là cộng sản. Sự kiện đó bị che giấu suốt nửa thế kỷ khi Hàn quốc được cai trị bởi các chính quyền quân sự sau ngày đất nước bị chia đôi.

Tình hình chỉ thay đổi khi các tổng thống dân sự Kim Đại Trọng (Kim Dae-jung) và Roh Moo-hyun lên nắm quyền. Việc đào xới quá khứ loạn lạc gần đây của đất nước vẫn bị coi là một công việc nhạy cảm và đau đớn. Mặc dù Hàn quốc đã là một đất nước hiện đại và thịnh vượng, những tranh chấp ý thức hệ và tình trạng hận thù trong lòng dân tộc vẫn còn dai dẳng…  

Tìm lại sự thật

Mãi đến năm ngoái, Quốc hội Hàn Quốc mới cho thành lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải Hàn Quốc, theo mô hình Ủy ban Sự thật và Hòa giải Nam Phi do “người tù thế kỷ” Nelson Mandela lập ra để làm sáng tỏ những bất công và man rợ của thời kỳ phân biệt chủng tộc. Khác với Nam Phi, ủy ban của Hàn quốc không được đưa ra phán quyết và xét xử mà chỉ có nhiệm vụ tìm hiểu, phơi bày sự thật để ghi lại làm tài liệu, chỉnh sửa sách giáo khoa, khuyến nghị việc bồi thường và tưởng niệm các nạn nhân… Mục tiêu cao nhất của ủy ban là qua việc trình bày sự thật mà góp phần hàn gắn vết thương trong lòng những người Triều Tiên, tuy chung một dân tộc nhưng có thời đứng ở hai bên chiến tuyến.

Hiện nay, ủy ban đang xúc tiến việc điều tra, khai quật các địa điểm được cho là “mồ chôn tập thể” từ lâu bị bỏ hoang. Các nhà điều tra đã phát hiện được hài cốt của hàng ngàn nạn nhân, có cả phụ nữ và trẻ em, bị giết hơn 50 năm về trước. Các địa điểm này được công chúng gọi là “Những cánh đồng giết người (killing fields)” của Hàn Quốc. Sau khi rà soát các lời khai của nhân chứng, ủy ban đã xác định được địa điểm của 1.222 “cánh đồng giết người” như vậy và công tác khai quật được tiến hành mấy tháng nay.

Hồi tháng 7-2007, Ủy ban đã cho khai quật 4 trong 160 địa điểm chôn cất tập thể, phát hiện 400 bộ hài cốt cùng với đầu đạn, băng đạn rỗng và còng tay. Các bộ xương nằm chồng lên nhau, các hộp sọ còn nguyên lỗ đạn và xương tay vẫn còn bị cột bằng dây điện thoại hoặc dây thép gai. Theo giáo sư Park Sun-joo, một nhà nhân chủng học phụ trách cuộc khai quật, hiện trường các mồ chôn tập thể đã xác nhận lời miêu tả của các nhân chứng: nạn nhân bị bắt quỳ thành hàng trước một cái hố, bị bắn vào đầu từ sau gáy, sau đó bị đẩy xuống hố.

Cuộc khai quật tương tự ở một mỏ đồng bỏ hoang gần thành phố Daegu phát hiện 240 bộ hài cốt song các nhân chứng còn sống cho rằng đây chỉ là một phần trong khoảng 3.500 tù nhân và dân thường bị tình nghi cộng sản và bị đưa đến hành quyết tại mỏ đồng này. Ở Cheongwon, cuộc khai quật đã tìm thấy 100 hài cốt song số nạn nhân được cho là vào khoảng 7.000 người…  

Hòa giải để tiến bộ

Ông Kim Dong-choon, quyền giám đốc cơ quan điều tra của Ủy ban Sự thật và Hòa giải Hàn Quốc, chua chát nhận xét: “Sự kiện những mồ chôn tập thể, những bộ hài cốt nạn nhân nằm rất gần nơi chúng ta sống trong một thời gian dài không ai chú ý cho thấy rằng xã hội chúng ta vẫn còn trong giai đoạn man rợ”.

Để tiến ra khỏi giai đoạn man rợ ấy, nhất là để tái lập sự thanh thản trong tâm hồn những người còn sống trong lòng một xã hội hòa hợp và nhân ái, Hàn Quốc đã chọn con đường nhìn thẳng vào quá khứ, tạo điều kiện cho người trong cuộc được bày tỏ niềm ân hận và xin tha thứ cũng như xin lỗi và xây đài tưởng niệm cho các nạn nhân…

“Cho tới bây giờ, tôi vẫn thấy mình có tội vì đã giết họ. Tôi xin cúi đầu bày tỏ niềm ân hận của mình,” cựu trung sĩ cảnh sát Kim Man-sik nói.  

HUỲNH HOA (theo IHT)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới