(KTSG Online) - Sự sốt sắng của các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè và Hóc Môn mong muốn chuyển đổi mô hình lên quận, thành phố đã khiến lãnh đạo TPHCM lo lắng, khi hiện trạng hạ tầng các huyện vẫn chưa đảm bảo các tiêu chuẩn của đô thị, khi các đề xuất này được nhắc đi, nhắc lại trước kỳ họp HĐND thành phố khiến giá đất có thể tăng vọt, gây khó khăn trong thu hồi đất để phát triển cơ sở hạ tầng sau này.
Theo báo cáo tại kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố khóa X tuần qua, kế hoạch đầu tư xây dựng các huyện để lập đơn vị hành chính quận hoặc thành phố là nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần XI nhiệm kỳ 2020-2025(1).
Hai năm qua, theo ghi nhận của Sở Nội vụ tại kỳ họp, 5 huyện trong quy hoạch: Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè và Hóc Môn đã có tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành; trình độ dân trí, lối sống đô thị ở 5 huyện không khác nhiều các quận nội thành.
Dựa vào các thông số như dân số, diện tích, phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị... Sở Nội vụ đánh giá Bình Chánh đạt 26/30 tiêu chí, Nhà Bè và Củ Chi đạt 23/30 tiêu chí, Hóc Môn 22/30 tiêu chí, Cần Giờ thấp nhất với 19/30 tiêu chí(2).
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng phân công từng sở, ngành thực hiện các đề án riêng: kinh tế đô thị (Sở Kế hoạch và Đầu tư), văn hóa đô thị (Sở Văn hóa và Thể thao), hạ tầng đô thị (Sở Quy hoạch và Kiến trúc), con người đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển) và quản lý nhà nước (Sở Nội vụ). Các đánh giá nhánh này đang được tập hợp để chuyển về UBND thành phố nghiên cứu.
Xin nhắc câu chuyện năm 2021, sau khi đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021-2030 được công bố, 5 huyện ngoại thành đã khẩn trương tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà đầu tư về định hướng phát triển.
Một số huyện đưa ra mục tiêu lên quận trước năm 2025 như Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn; Củ Chi, Cần Giờ dự kiến lên quận trước năm 2030. Tuy nhiên, sau đó lần lượt 5 huyện đều công bố ý định nâng cấp lên thành phố, thay vì quận(3)
Việc các huyện sốt sắng xin lên thành phố sẽ dẫn đến phát triển tự phát, xuất hiện tình trạng đô thị... nổi giữa đồng không mông quạnh, không đường sá, hệ thống cấp, thoát nước thiếu hoàn chỉnh...
Chưa hết, thông tin lên thành phố của các huyện có thể sẽ gây sốt đất, bong bong giá và dẫn đến khó thu hồi khi dự án hạ tầng thật sự được triển khai… Theo thông tin người viết nắm được, ngay khi có thông tin một số huyện tại TPHCM được định hướng lên quận, giá đất huyện ven đô tăng ở biên độ phổ biến 3-20% so với hồi trước dịch Covid-19, theo đó giá đất 5 huyện đã đến 45-92 triệu đồng/m2 và có xu hướng tăng thêm 15-25% trong năm 2022 nếu 5 huyện này xin lên thành phố.
Những hệ lụy của sự nóng vội đã thấy rõ, và ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND thành phố, đã lên tiếng yêu cầu 5 huyện không xin lên quận hoặc thành phố trong thời gian này.
Dẫn lời Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan, mục đích chính của đề án chuyển huyện thành quận hoặc thành phố là tập trung đầu tư để phát triển đô thị, chứ không phải muốn lên là được ngay, phải dựa trên các tiêu chí và thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Do đó, địa phương xin thì thành phố cũng không có gì để cho…(4)
Ẩn ý của Phó chủ tịch UBND thành phố cũng cho thấy, các huyện nếu tập trung quá nhiều vào mục tiêu lên quận hoặc thành phố dễ dẫn đến quá trình đầu tư xây dựng để phát triển đô thị bị xem nhẹ, các bộ tiêu chí về quy hoạch đô thị, dân số, giáo dục, khoa học công nghệ, phát triển bền vững không đầy đủ.
Được biết, năm 2023, theo định hướng của HĐND TPHCM, đề án lên quận của 5 huyện sẽ thay đổi, phát triển các huyện thành đô thị vệ tinh của TPHCM. Thành phố sẽ tập trung xây dựng các huyện thành đô thị, khi đạt tiêu chí đô thị loại 1, 2, 3 hoặc quận, thành phố, thì TPHCM báo cáo để Quốc hội quyết định.
Tư duy mới của TPHCM cho thấy cách làm bài bản, chắc chắn, hạn chế sự nóng vội của cấp cơ sở. Các huyện cần tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, thành phố giúp các huyện thu hút nguồn lực, chăm lo cho đời sống nhân dân về văn hoá, giáo dục, y tế… Khi nào đảm bảo đủ các tiêu chuẩn, tự khắc sẽ phát triển thành quận, thành phố.
-----
(1) https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/ky-hop-thu-8-hdnd-tphcm-khoa-x-da-ban-hanh-36-nghi-quyet-quan-trong-1491902472
(2) https://thanhuytphcm.vn/tin-tuc/trien-khai-cac-de-an-khoa-hoc-thuoc-de-an-dau-tu-xay-dung-cac-huyen-thanh-quan-hoac-tp-thuoc-tphcm-1491894839
(3) https://vnexpress.net/ly-do-5-huyen-tp-hcm-muon-len-thanh-pho-4471954.html
(4) https://thesaigontimes.vn/doi-tien-do-de-an-xay-dung-huyen-thanh-quan-thanh-pho
Có 3 dạng tư duy phát triển 1. Vượt rào, 2. Vượt trội, 3. Vượt bậc. Vượt rào, khi cái khó ló cái khôn. Vượt trội, khi biết nắm bắt thời cơ, vượt qua thử thách. Vượt bậc, khi hội đủ thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Những dạng “tư duy” còn lại, ngoài 3 dạng trên, nếu có, đồng nghĩa với sự chủ quan, duy ý chí, đi ngược lại quy luật thực tiễn khách quan. Thậm chí đó là những ý đồ đầu cơ, vụ lợi. Cần phải ngăn chặn và cảnh giác ngay từ đầu.