Thứ Bảy, 19/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hiệp định kinh tế mở ra cơ hội cho thương mại điện tử

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiệp định kinh tế mở ra cơ hội cho thương mại điện tử

Vân Ly

(TBVTSG) - Tính đến thời điểm hiện tại, thương mại điện tử vẫn luôn là lĩnh vực kinh tế đầy tiềm năng của Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin sẽ là nền tảng để thương mại điện tử có những bước đột phá. Và cơ hội cho ngành này sẽ càng tăng lên sau khi Việt Nam gia nhập TPP.

Vào năm ngoái, lĩnh vực thương mại điện tử mang lại cho Việt Nam hơn 4 tỉ đô la Mỹ và theo sự dự báo, đến năm 2020, thị trường này sẽ đạt mức tăng trưởng 25%/năm, vào khoảng 10 tỉ đô la. Giá trị mua sắm trực tuyến tính theo bình quân đầu người vào năm 2020 là 400 đô la một năm. Điểm đáng chú ý là thương mại điện tử trên nền tảng di động (m-Commerce) sẽ phát triển mạnh mẽ và hạ tầng thanh toán trực tuyến, dịch vụ hậu cần (logistics) trong ngành sẽ được hoàn thiện.

Cộng hưởng về cơ hội kinh doanh

Độ mở cửa của thị trường thương mại điện tử sẽ được cộng hưởng nhờ vào số lượng người sử dụng Internet rất lớn ở Việt Nam. Năm 2015, lượng người sử dụng Internet đã là khoảng 40 triệu người và dự báo trong năm năm tới, con số này sẽ là 60 triệu.

Ở góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nói rằng ông lấy làm tiếc khi những điều cam kết của Việt Nam trong các hiệp định kinh tế quốc tế có liên quan đến lĩnh vực này lại chưa được các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành chú ý. Theo ông, một người từng đảm nhiệm vị trí Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin của Bộ Công Thương, những điều cam kết này không chỉ giới hạn ở một vài điều luật hay một vài công ước, hiệp ước mà nằm trong một tổng thể nhiều nội dung, ví dụ: điều 14 của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP; luật mẫu của Liên hợp quốc về thương mại điện tử; công ước của Liên hợp quốc về chứng từ điện tử; quyết định của Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới về thương mại điện tử ký năm 1998...

Trên thực tế, trong các điều cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì những nội dung liên quan đến thương mại điện tử cũng được nhắc đến trong các quy định có liên quan đến viễn thông và các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ xuyên biên giới.

Các cuộc nghiên cứu của các thành viên VECOM cho biết TPP là một hiệp định đàm phán về nhiều vấn đề, song đây là hiệp định thương mại quốc tế mẫu mực đầu tiên với quy mô lớn nhất mà người ta gọi là hiệp định thương mại thế hệ mới. Trong hiệp định này có hẳn một chương về thương mại điện tử (Chương 14). Đặc biệt, nhiều nội dung trong chương này đã được đề cập đến hoặc mang ý nghĩa tương tự như ở các hiệp định, công ước, cam kết quốc tế về thương mại điện tử đã nêu trên.

Cụ thể, Chương 14 về thương mại điện tử của TPP khẳng định giữa các nước thành viên của hiệp định này không được đánh thuế hải quan với các giao dịch trực tuyến xuyên biên giới. Nội dung này đã có trong hiệp định của WTO: từ năm 1997, các bộ trưởng thương mại các nước tham gia WTO đã có quyết định về nội dung này. Chương này cũng quy định giữa các thành viên với nhau không được phân biệt đối xử với các sản phẩm số hóa. Trên thực tế, đây là quy định không mới. Nó là nguyên tắc lớn trong thương mại quốc tế đã được thể hiện ở các điều cam kết của WTO, APEC và nhiều tổ chức khác.

Hiệp định cũng khuyến khích các nước TPP thúc đẩy thương mại không giấy tờ giữa doanh nghiệp và chính phu, ví dụ, các mẫu khai thuế dưới dạng điện tử hay các các chứng từ xác thực, chữ ký điện tử… ở các giao dịch thương mại.

Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế, rào cản kỹ thuật cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP sẽ thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này. Có thế nói, các quy định đó hướng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều hơn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này phát triển. Công nghệ thông tin là công cụ hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu xuất khẩu của các doanh nghiệp này. Việc phát triển công nghệ thông tin luôn phải đi kèm với thương mại điện tử. Chính vì vậy, Việt Nam cần những chiến lược dài hạn để trong những năm tới, việc xuất khẩu trực tiếp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vươn tới cái đích chiếm 25% tống sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Hiểu rõ để có sự chuẩn bị kỹ càng

Chương 14 của hiệp định TPP cũng quy định các thành viên khi ban hành các chính sách pháp luật không được trái, mà phải tuân thủ nguyên tắc luật mẫu của Liên hợp quốc về thương mại điện tử năm 1996 (mà Việt Nam đã cam kết tham gia), đồng thời phải tuân thủ công ước của Liên hợp quốc về chứng thực điện tử trong thương mại quốc tế. Ông Hưng cho biết công ước này Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đã tiến hành nghiên cứu từ cách đây tám năm nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa ký kết tham gia. Do đó, phần nội dung này được xem là mới đối với Việt Nam.

Trên thực tế, mặc dù Việt Nam chưa tham gia công ước của Liên hợp quốc về chứng thực điện tử trong thương mại quốc tế nhưng các nghị định về thương mại điện tử trong nước đã bám sát nội dung của công ước này.

Một trong những điểm mới cần chú ý trong Chương 14 của hiệp định TPP, theo ông Hưng, đó là quy định về việc các thành viên phải xây dựng chính sách pháp luật minh bạch để bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến. Bên cạnh đó, TPP cũng quy định về việc bảo vệ thông tin cá nhân, cụ thể là có những quy định, tiêu chuẩn hợp tác về việc bảo vệ, trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân, đặc biệt là với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới. Ông Hưng lưu ý khi đã tham gia TPP, giả định có sự cố an ninh mạng xảy ra và doanh nghiệp bị mất thông tin khách hàng thì trách nhiệm sẽ được quy về doanh nghiệp. Bên cạnh đó, TPP cũng chú trọng đến việc hợp tác về an toàn thông tin giữa các thành viên. Một điểm cần chú ý khác là hiệp định này ràng buộc các nền kinh tế thành viên phải tôn trọng quyền truy cập Internet của cá nhân và doanh nghiệp sở tại. Nếu như một thể nhân có một thiết bị có thể kết nối Internet để triển khai hoạt động thương mại (mua, bán) thì cơ quan quản lý nhà nước không được cấm.

Cuối cùng, TPP quy định không một bên tham gia ký kết hiệp định nào được quyền bắt các doanh nghiệp của các nền kinh tế thành viên khác cung cấp mã nguồn của các sản phẩm, phần mềm.

Ông Hưng cho biết những ý kiến đánh giá và phân tích nêu trên được đưa ra sau quá trình nghiên cứu sơ bộ về hiệp định TPP. Để có cái nhìn thấu đáo về những tác động của bản hiệp định đến ngành thương mại điện tử, các tổ chức, cơ quan quản lý chuyên ngành cần có những cuộc nghiên cứu sâu hơn. Trên thực tế, hiệp định TPP hiện nay vẫn chưa có hiệu lực, và Mỹ là thành viên có nền kinh tế lớn nhất tham gia hiệp định này.

Kỳ vọng xa hơn cho ngành phần mềm

TPP có ảnh hưởng như thế nào với ngành phần mềm Việt Nam, làm thế nào để tận dụng hiệp định này để ngành phần mềm có thể phát triển mạnh là các nội dung mà Thời báo Vi tính Sài Gòn trao đổi với ông Trần Phúc Hồng, Phó chủ tịch Liên minh các công ty gia công phần mềm Việt Nam (VNITO) và cũng là Phó tổng giám đốc TMA, một trong những công ty hàng đầu về gia công xuất khẩu phần mềm ở Việt Nam.

Ở góc nhìn của một chuyên gia phần mềm, theo ông, TPP có ảnh hưởng như thế nào đến ngành gia công phần mềm Việt Nam?

- Tôi cho rằng TPP sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Riêng về ngành gia công phần mềm thì hầu như chỉ có tác động tích cực. Đặc điểm của ngành này là xuất khẩu nên không có khó khăn trong việc hội nhập kinh tế quốc tế. Thuận lợi chính mà TPP mang lại cho ngành không phải là về thuế mà là sự tin tưởng của các công ty nước ngoài khi làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam, vì chúng ta phải tuân thủ các quy tắc thương mại chung với các quy định chặt chẽ về luật lệ, xử lý tranh chấp, quyền sở hữu trí tuệ… Khi các công ty nước ngoài tin tưởng vào thị trường Việt Nam thì sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng và công nghệ cao nói chung.

Và ở góc nhìn của một doanh nhân, theo ông thì cần làm gì để tận dụng TPP cho sự phát triển mang tính bền vững của ngành gia công phần mềm trong thời gian tới?

- Ngay cả khi không có TPP thì ngành gia công phần mềm đã có nhiều thuận lợi do nhu cầu của thị trường thế giới tăng cao. Khi cầu được bảo đảm thì chúng ta phải thúc đẩy nguồn cung. Trong 10 năm qua hàng trăm công ty phần mềm mới đã ra đời. Tuy nhiên, số lượng kỹ sư công nghệ thông tin ra trường chưa theo kịp sự phát triển của ngành dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực. Trong ngành phần mềm cũng như các ngành công nghệ cao khác, nguồn tài nguyên của Việt Nam là nhân lực nên để phát triển mạnh thì nguồn tài nguyên này phải dồi dào, dư thừa thì mới thu hút các công ty nước ngoài đến đầu tư và khai thác nó. Nếu chỉ đào tạo để đáp ứng nhu cầu hiện tại của thị trường thì khó tạo sự đột phá.

VNITO đã có kế hoạch gì để quảng bá cho ngành?

- Cho đến nay hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại vẫn là một điểm yếu của ngành phần mềm. Dù được ghi nhận là có sự phát triển mạnh mẽ nhưng trên thực tế ngành phần mềm Việt Nam vẫn còn ít được biết đến trên thị trường thế giới. Thay vì mỗi doanh nghiệp tự tiếp thị tại nước ngoài với chi phí cao, trong khi phần lớn các công ty Việt Nam có quy mô nhỏ và nguồn lực hạn chế, cách làm của VNITO là liên kết các công ty lại để cùng quảng bá và tiếp thị. Giải pháp này vừa có thể thu hút các công ty lớn nước ngoài, vừa giúp giảm chi phí. Từ năm 2015, VNITO đã có nhiều hoạt động như tổ chức các chuyến đi tiếp thị tại các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, giúp các công ty Việt Nam gặp gỡ, tiếp xúc các khách hàng tiềm năng. Đặc biệt, năm ngoái VNITO đã tổ chức rất thành công cuộc hội nghị về gia công phần mềm Việt Nam với hơn 100 khách quốc tế đến từ 20 nền kinh tế. VNITO đang chuẩn bị cho cuộc hội nghị tiếp theo vào năm 2017 với quy mô lớn hơn và sẽ tiếp tục tổ chức định kỳ mỗi 2 năm để VNITO Conference trở thành một thương hiệu mạnh và là kênh quảng bá hiệu quả cho ngành CNTT ra thị trường thế giới.

T. H thực hiện

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới