Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hiệp hội Ngân hàng có khả năng bị kiện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiệp hội Ngân hàng có khả năng bị kiện

Số người đi gửi tiền không tăng đột biến trong ngày đầu áp dụng trần lãi suất mới 12%/năm tại các ngân hàng -Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG Online)- Ngày 29-4, đa số các ngân hàng TMCP đã tăng lãi suất huy động tiền gửi lên đến mức trần lãi suất mới như đã cam kết với Hiệp hội Ngân hàng. Tuy nhiên, người dân không còn đổ xô đi gửi tiền như tháng 2 vừa rồi.

Hầu hết các ngân hàng khi được hỏi đến đều tỏ ra không phấn khởi với trần lãi suất mới. Ông Trương Hoàng Lương, Tổng giám đốc Ngân hàng Kiên Long có trụ sở tại tỉnh Kiên Giang, cho biết lãi suất 11% hay 12% đối với ngân hàng nhỏ cũng vậy thôi vì mặt bằng lãi suất chung tại các ngân hàng như nhau thì các ngân hàng lớn vẫn có lợi hơn.

Tại hội sở ngân hàng Eximbank, khá đông người ngồi đợi giao dịch, nhưng số người đến gửi tiền tiết kiệm chỉ đếm trên đầu ngón tay và đều gửi vì mục đích thanh toán chứ không phải tiết kiệm. Chị H. đem một ít tiền đến gửi tại Eximbank cho biết: “Tôi có tiền là đều đặn bỏ vào tài khoản tiết kiệm vì không muốn giữ tiền mặt chứ không phải vì lãi suất cao. Mức lãi suất 12% hiện nay thực ra là không cao”.

Đại diện các ngân hàng như Việt Á, SeA Bank, Eximbank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đều cho biết là lãi suất mới 12%/năm đối với các kỳ hạn trên sáu tháng không làm tình hình huy động sáng sủa hơn trong ngày đầu tiên áp dụng.

Thậm chí, giám đốc một ngân hàng TMCP trụ sở tại TPHCM cho biết từ đầu tháng 4 đến nay, huy động của ngân hàng đã sụt giảm gần 1.000 tỉ đồng từ thị trường 1 (huy động từ dân cư) và nếu cứ tiếp tục tình trạng này trong vòng hai ba tháng tới, nhiều ngân hàng sẽ gặp rắc rối lớn. Nhiều ngân hàng nhỏ đến nay vẫn chưa lo đủ dự trữ bắt buộc để nộp cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mà vay trên thị trường liên ngân hàng thì chẳng ai cho vay, vị giám đốc này nói.

Trần lãi suất vi phạm Luật Cạnh tranh

Dư luận gần đây cho rằng việc ấn định mức lãi suất trần của Hiệp hội Ngân hàng là không đúng và đã vi phạm Luật Cạnh tranh. Điều 8 có quy định về các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có bao gồm thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Điều 9 quy định về các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm nêu ra rằng cấm các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên.

Luật sư Nguyễn Vân Nam cho biết: “Việc ấn định lãi suất trần của Hiệp hội Ngân hàng hoàn toàn vi phạm Luật Cạnh tranh và có thể khởi kiện được”. Đối với việc khởi kiện, ba đối tượng có khả năng kiện hiệp hội đó là các ngân hàng không thuộc hiệp hội như chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc các ngân hàng liên doanh, các ngân hàng thuộc hiệp hội nhưng không đồng tình với thỏa thuận này, và người tiêu dùng.

Đối với các ngân hàng không thuộc hiệp hội, mức lãi suất 12%/năm thực sự không hấp dẫn người dân nên các ngân hàng này sẽ không đi kiện mà đang áp dụng các chương trình khuyến mãi như tặng thêm lãi suất để thu hút khách hàng.

Đối với các ngân hàng thuộc hiệp hội nhưng không đồng tình với thỏa thuận, nếu điều lệ của hiệp hội có quy định rằng những quyết định quan trọng của hiệp hội được sự đồng ý của 2/3 số thành viên thì các thành viên còn lại phải tuân theo và nếu số ngân hàng đồng ý trần lãi suất thấp hơn 2/3 thì các thành viên khác có thể kiện.

Tuy nhiên nếu muốn, các ngân hàng này hoàn toàn có thể phá rào, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phạt thì ngân hàng đó có quyền kiện chính NHNN vì đã trừng phạt không có cơ sở. Theo nguyên tắc, việc khống chế lãi suất đã là phạm luật, trong khi ngân hàng không làm việc phạm luật mà bị trừng phạt thì hoàn toàn có thể kiện lại chính người phạt mình. Nhưng kiện NHNN là một vấn đề mà khó có ngân hàng nào dám thực hiện vì hoạt động của họ sẽ còn gắn chặt với NHNN trong thời gian tới.

Đối với người tiêu dùng, hoàn toàn có thể kiện hiệp hội vì việc khống chế lãi suất đã gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng, khiến họ không có quyền lựa chọn để bảo đảm lợi ích cho mình. “Người tiêu dùng có thể kiện tại Cục quản lý cạnh tranh để có câu trả lời thỏa đáng; còn nếu không được, có thể đưa thẳng ra tòa án dân sự”, luật sư Nam nói.

Theo ông Nam, ở các nước đều có một điều luật quy định rằng nếu đất nước lâm vào tình trạng nguy cấp về kinh tế thì có thể vô hiệu hóa một điều luật hoặc có thể làm một điều gì đó ngược lại với luật. Nhưng phải xét đến vấn đề là tình trạng hiện nay đã khẩn cấp chưa tức là khi “thị trường đã bất lực, quan hệ cung cầu không thể giải quyết được vấn đề” và Việt Nam hoàn toàn chưa rơi vào tình trạng đó. Vì vậy, việc ấn định lãi suất trần cho các ngân hàng là không đúng.

THỦY TRIỀU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới