(KTSG Online) – Dù chưa có quyết định chính thức về mức phí được áp dụng tại cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, nhưng với mức giá dự kiến cao nhất lên đến 432.000 đồng/xe, Hiệp hội vận tải ô tô An Giang đã lên tiếng kiến nghị các cơ quan chức năng giảm mức thu phí đối với dự án này.
- Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận dự kiến thu phí từ 108.000 đến 432.000 đồng/xe
- Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận thu phí quá cao, doanh nghiệp vận tải chọn đi quốc lộ 1
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô An Giang vào hôm nay, 15-6, đã có văn bản tham gia ý kiến về việc thu phí đối với dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận trong thời gian tới (dự kiến bắt đầu thu từ ngày 1-7).
Theo đó, Hiệp hội vận tải ô tô An Giang kiến nghị các cơ quan chức năng giảm mức thu phí "nhẹ nhàng hơn" trong một thời gian nhất định và tăng dần trong tương lai.
Theo ông Xuân, đa phần xe khách tuyến cố định đã có lộ trình và các điểm tiếp nhận khách dọc đường nên loại hình này sẽ không tham gia vào cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, tức vẫn hoạt động trên quốc lộ 1 để đến TPHCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ và miền Trung.
Trong khi đó, đối với xe tải, xe container, việc thu phí cao tốc quá cao sẽ dẫn đến có sự chọn lựa, đó là tiếp tục chạy trên quốc lộ 1 để đấu nối vào cao tốc TPHCM - Trung Lương và ngược lại, để không phải gánh thêm chi phí. Bởi, lĩnh vực vận tải hàng hóa đang phải chịu quá nhiều chi phí khi thực hiện một “tua” hàng và lợi nhuận thu được là rất hạn chế.
Theo ông Xuân, với xe chở hàng tươi sống cần nhanh chóng, giao hàng nhận kịp chợ, thì may ra những loại phương tiện này mới tham gia vào đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận.
“Đại dịch tạm lắng chưa đầy 6 tháng, ngành vận tải phải gồng gánh giá xăng dầu liên tiếp vượt đỉnh, thì nay phải gánh thêm phí quá cao khi qua cung đường này nữa hay sao?”, ông Xuân nêu câu hỏi và có đề xuất giảm phí như đã nêu ở trên.
Trước đó, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, xác nhận doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận đã có đề xuất về mức thu phí đối với dự án này và đang được các sở, ngành địa phương xem xét để trình UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt theo quy định.
Theo đó, với chiều dài tuyến là 51,5 km, mức phí đối với xe ô tô dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 2.100 đồng/xe/km, tức mức phí cho xe đi toàn tuyến là khoảng 108.000 đồng. Xe ô tô từ 12 đến 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn là 3.000 đồng/xe/km, tức mức phí cho xe đi toàn tuyến là khoảng 154.000 đồng/xe.
Đối với xe khách từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn có phí 3.700 đồng/xe/km, tức mức phí cho xe đi toàn tuyến khoảng 190.000 đồng/xe. Xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet là 6.000 đồng/xe/km, tức mức phí cho xe đi toàn tuyến là khoảng 309.000 đồng/xe.
Đặc biệt, đối với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet có mức phí là 8.400 đồng/xe/km, tức mức phí cho xe đi toàn tuyến là khoảng 432.000 đồng/xe.
Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận được thiết kế có hai làn xe cao tốc mỗi bên (không có làn dừng khẩn cấp), có vận tốc lưu thông tối đa cho phép là 80 km/giờ và tối thiểu là 60 km/giờ. Dự án chính thức cho xe lưu thông (chưa thu phí) từ ngày 30-4 đến nay.
Cứ quốc lộ 1 mà chạy, ế chừng vài năm thì sẽ hạ giá. Cần gì xin. Chạy cao tốc cũng không rút ngắn thời gian cho một hành trình mà phí cao thì thà đi quốc lộ 1 cho đỡ tốn kém.