Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Hiệu quả có tương xứng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiệu quả có tương xứng?

Lô cốt trên đường vừa gây ùn tắc giáo thông, vừa dễ xảy tai nạn. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Hàng trăm điểm rào chắn, hay còn được gọi là lô cốt, mọc lên giữa các tuyến đường trong lòng thành phố đã góp phần làm cho đời sống của người dân ở nhiều khu vực bị xáo trộn, vượt quá sức chịu đựng.

Có thể xem đây là cái giá phải trả nhằm khôi phục môi trường kênh, rạch. Nhưng vấn đề đặt ra là hiệu quả các dự án mang lại có tương xứng với những gì người dân đang chịu đựng?

Hầu hết các lô cốt được dựng lên trên đường phố các quận nội thành là để phục vụ cho việc thi công hai dự án lớn: cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé – Tàu Hũ, Kênh Đôi – Kênh Tẻ và vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Tuy mục tiêu chung đều là cải thiện môi trường nước các con kênh, giảm bớt tình trạng úng ngập, nhưng do hạng mục đầu tư của hai dự án không hoàn toàn giống nhau, nên kết quả cuối cùng sẽ có nhiều khác biệt.

Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé – Tàu Hũ, Kênh Tẻ – Kênh Đôi (từ tháng 6-2008 được bổ sung thêm tiểu dự án rạch Hàng Bàng) được đầu tư khá hoàn chỉnh hơn với kinh phí 4.100 tỉ đồng.

Dự án này bao gồm việc xây dựng thêm, cải tạo và mở rộng hệ thống cống thu gom nước thải, cống thoát nước mưa cấp 1, cấp 2 và các tuyến nhánh, tăng tốc độ tiêu thoát nước mưa bằng các trạm bơm. Do vậy, khi hoàn tất, khả năng thoát nước mưa tại quận 5, quận 6 và 11 sẽ được tăng cường.

Theo thiết kế, nước thải trong các khu dân cư, sẽ được thu gom vào hệ thống cống bao rồi chuyển về nhà máy ở Bình Chánh để xử lý trước khi đưa trở lại kênh.

Như vậy, dự án này chẳng những cải thiện khả năng thoát nước mưa, mà còn giải quyết đáng kể vấn đề đổ nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra kênh, nhờ đó môi trường nước trên kênh rạch ở khu vực sẽ dần được cải thiện.

Trong khi đó, dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, với vốn đầu tư khoảng 200 triệu đô la Mỹ, ngay từ đầu đã bị một số nhà khoa học về môi trường không tán thành. Tiến sĩ Lê Huy Bá khẳng định: “Tuy mục tiêu vẫn là làm sạch nước kênh, nhưng ý tưởng và phương pháp thực hiện thì lại sai lầm và quá tốn kém”.

Lâu nay, các kênh rạch ở TPHCM, trong đó có kênh Nhiêu Lộc và Thị Nghè, vẫn được sử dụng như hệ thống thoát nước thải chính của thành phố. Tất cả nước thải sinh hoạt đều được đổ trực tiếp ra các con kênh này, sau đó một phần theo thủy triều thoát ra sông Sài Gòn và phần lớn nằm lại trong kênh.

Ý tưởng của dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc – Thị Nghè là xây dựng lại mạng ống thoát nước bẩn cấp 2, cấp 3 và hai tuyến cống bao dọc theo bờ kênh để thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt trong khu vực rồi chuyển về trạm bơm, pha loãng và bơm ra sông Sài Gòn. Như vậy, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè về cơ bản sẽ không phải trực tiếp hứng nước thải sinh hoạt chưa xử lý, nên mức độ ô nhiễm dần dần sẽ giảm.

Nhưng xét trên tổng thể, thực chất của dự án này là “di dời” ô nhiễm từ kênh ra sông Sài Gòn, nên nó vẫn không giải quyết được tình trạng ô nhiễm nước cho thành phố nói chung. Đó là ý tưởng mà ông Lê Huy Bá cho là sai lầm. Ngoài ra, do dự án chỉ tập trung nâng cấp mạng đường ống thoát nước bẩn, nên tác dụng đối với việc giảm úng, ngập do nước mưa không đáng kể.

Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu dự án này có làm cho vùng hạ lưu sông Sài Gòn bị ô nhiễm nặng hơn không?

Tiến sĩ Ngô Hoàng Văn, nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông Công chính TPHCM, cho biết cách nay năm năm, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (cơ quan tài trợ vốn cho dự án) đã tính toán và kết quả cho thấy mức ô nhiễm của sông Sài Gòn sẽ không vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm trên sông Sài Gòn sau năm năm đã có nhiều thay đổi nên các chuyên gia của ban quản lý dự án vẫn không dám khẳng định kết quả tính toán trước đây còn đúng hay không.

Như vậy, dự án sẽ làm cho tình trạng ô nhiễm trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè giảm và làm tăng mức độ ô nhiễm trên sông Sài Gòn. Theo ông Ngô Hoàng Văn, hiệu quả đáng kể nhất là xây dựng được mạng lưới thu gom nước bẩn cấp 1, cấp 2 và cấp 3 của khu vực và đây là tiền đề quan trọng để triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt ở giai đoạn sau. Khi ấy, hiệu quả của dự án cải thiện môi trường nước kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ trọn vẹn hơn.

Những gì người dân thành phố đang gánh chịu hiện nay cũng là cái giá phải trả để có được môi trường tốt hơn. Điều này cũng phù hợp. Tuy nhiên, họ không đáng phải trả giá lâu như vậy. Đến nay, tiến độ thực hiện dự án đã bị chậm mất hai năm và đó là hậu quả của tình trạng quản lý kém cỏi.

TẤN ĐỨC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới