Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hỗ trợ doanh nghiệp đâu chỉ cần chính sách tài khóa

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mới đây đã nói đến việc cần phải kết thúc chính sách tài khóa mở rộng để tập trung năng lực tài chính công đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội, cải cách tiền lương.

Ông cho rằng “đã đến lúc phải thôi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng và cần thắt chặt điều hành chính sách tài khóa kể từ năm 2025 nhằm tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững”.

Giúp doanh nghiệp khơi thông ách tắc về pháp lý, thủ tục hành chính, tạo lập môi trường pháp lý minh bạch và dễ dự đoán mới giải pháp hỗ trợ quan trọng nhất với cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Phước Thành

Trong các năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội giảm gần 200.000 tỉ đồng mỗi năm tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp.

Áp dụng chính sách tài khóa nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn là điều cần làm. Tuy nhiên trong thực tế, với rất nhiều doanh nghiệp, khó khăn không phải do thuế, phí hay tiền thuê đất - là những chi phí có thể tính trước, mà đến từ những yếu tố không thể lường trước được như sự trì trệ của bộ máy trong việc giải quyết các thủ tục pháp lý của doanh nghiệp, nhất là thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng và hoàn thuế giá trị gia tăng; cùng với chính sách, pháp luật chồng chéo và biến động khó lường...

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2023 (PCI 2023), được công bố cách nay vài tháng, cũng phần nào cho thấy những khó khăn cụ thể mà doanh nghiệp đang phải đối mặt là gì. Điều đáng nói là trong 11 nội dung được doanh nghiệp phản ánh gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2023, không có nội dung nào liên quan đến thuế, phí hay tiền thuê đất, nhưng khó khăn về thực hiện thủ tục hành chính và biến động pháp luật lại nổi lên như một yếu tố cần phải quan tâm. Vì với 14,5% doanh nghiệp gặp loại khó khăn này, và tuy chỉ đứng thứ 6 trong số các khó khăn được phản ánh của năm 2023, nhưng đây là lần đầu tiên con số này đã tăng trở lại kể từ năm 2018 và tăng rất mạnh, đến 1,54 lần so với năm 2022 và là mức tăng lớn thứ 2 trong số các nội dung khảo sát trong năm 2023.

Ngoài ra, Báo cáo PCI 2023 còn nêu ra hai con số đáng lo ngại về mức độ lạc quan của doanh nghiệp, trong đó chỉ có 27% cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong hai năm tiếp theo, thấp hơn cả mức đáy năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước; và có tới 16,2% dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa, gần bằng mức kỷ lục 16,6% của năm 2021 khi Việt Nam còn nằm trong tâm dịch Covid-19. Những con số này phần nào lý giải được vì sao tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường so với thành lập mới cao ngất trong những năm gần đây.

Có thể nói, chính sách tài khóa được Chính phủ áp dụng trong mấy năm qua để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là rất mạnh mẽ, nhưng đồng thời môi trường kinh doanh cũng xuất hiện những rủi ro khôn lường, như nạn cán bộ nhà nước sợ sai nên đùn đẩy trách nhiệm và không dám làm; hay những thay đổi chính sách liên quan đến điện gió và điện mặt trời, giá xăng dầu, trái phiếu doanh nghiệp, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng. Đây có thể là nguyên nhân làm cho những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ thông qua chính sách tài khóa, dù mạnh mẽ, nhưng vẫn không cứu được rất nhiều doanh nghiệp khỏi phá sản hoặc đóng cửa, dừng hoạt động.

Vì vậy, giúp doanh nghiệp khơi thông ách tắc về pháp lý, thủ tục hành chính, tạo lập môi trường pháp lý minh bạch và dễ dự đoán mới là giải pháp hỗ trợ quan trọng nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới