(KTSG Online) - Bộ Công Thương khẳng định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của bộ là đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 vừa duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
- Doanh nghiệp mong Chính phủ sớm có chương trình tổng thể phục hồi kinh tế
- Kỳ họp HĐND TPHCM: Thông qua các chính sách quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp đã để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của nền kinh tế. Tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công Thương với Samsung Việt Nam và hơn 20 nhà cung ứng của Samsung Việt Nam tại TPHCM, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai mới đây, các nhà cung ứng tại Việt Nam đã có kiến nghị về một số khó khăn mà đa số các doanh nghiệp đang phải đối mặt do đại dịch Covid-19.
Cụ thể, các doanh nghiệp phải hoạt động dưới công suất, thậm chí có doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thiếu nhân lực, di chuyển khó khăn giữa các khu vực, nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng chống dịch... “Đặc biệt, khi chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, thậm chí có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng” - đại diện các nhà cung ứng cho biết.
Bên cạnh đó, những quy định về kiểm soát lưu thông hàng hóa chưa phù hợp và thiếu sự đồng bộ giữa các địa phương cũng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp còn nêu lên các quy định về phòng chống dịch thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với tình trạng “bình thường mới”.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), từ nay đến cuối năm, cục sẽ tập trung công tác bảo đảm an toàn phòng dịch phục vụ sản xuất, kinh doanh; bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời đề xuất hỗ trợ chính sách về tài chính, tín dụng, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người lao động.
Song song đó, Cục Công nghiệp cũng tập trung cho việc hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương phát triển công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Công nghiệp chú trọng triển khai hỗ trợ doanh nghiệp theo các chính sách đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành trong thời gian qua. Ông nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn phòng dịch, dịch vụ sản xuất kinh doanh; bảo đảm lưu thông hàng hóa; đề xuất các chính sách như tài chính, tín dụng, lao động... Từ đó giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời, xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển của các hiệp hội doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh mới, hậu Covid-19.
Bộ trưởng cũng đề nghị đơn vị cần hướng dẫn, khuyến khích xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các địa phương có điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý Cục Công nghiệp khẩn trương phối hợp với các đơn vị thuộc bộ, các địa phương (nhất là những địa phương có tiềm năng về công nghiệp) để xây dựng chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp phù hợp với lợi thế cạnh tranh và nguồn lực của địa phương (tích hợp vào quy hoạch vùng, tỉnh). Cùng với đó, tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án, lĩnh vực sản xuất công nghiệp lớn (thép, ô tô, dệt may, da giày, thực phẩm) phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng trong nước; sớm đưa vào vận hành, tạo năng lực cho phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết bộ cam kết sẽ phối hợp triển khai, đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp. Cụ thể , sẽ bổ sung nguồn nhân lực sản xuất, nới lỏng quy chế di chuyển giữa các tỉnh, chính sách tiêm vaccine, giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ các loại phí, thuế… “Bộ Công Thương sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ, qua đó kịp thời thông tin các chính sách hỗ trợ, ưu đãi mới được ban hành cũng như tiếp thu các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp” - ông Hải nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương giải đáp, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp cung ứng liên quan tới việc giảm giá điện, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, tạo thuận lợi cho công tác xuất khẩu tại các cảng biển lớn... Bộ Công Thương sẽ tích cực làm việc với các địa phương nhằm tạo điều kiện cho các nhà cung ứng tiếp tục duy trì hoạt động và nâng dần công suất.
Theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt khu vực phía Nam của Bộ Công Thương, tỉnh Tiền Giang đang triển khai các phương án đảm bảo an toàn sản xuất đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã công nhận phương án sản xuất “3 tại chỗ” cho 78/186 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp (chiếm 41,9%) với tổng số lao động thực hiện phương án là 57.163 người.
Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên địa bàn hiện có 22 doanh nghiệp đang hoạt động.
Tại Hà Nội, sau khi thành phố thực hiện các biện pháp nới lỏng, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã tăng tốc sản xuất nhằm đảm bảo các đơn hàng mới, phục hồi sản xuất. Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến giữa tháng 10, lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường đã đạt trên 95% ở 9 khu công nghiệp tại Hà Nội. Trong số đó có 661 doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo Covid-19 với 3.600 tổ Covid an toàn.
(Tổng hợp)
Nhờ TBKTSG phản ánh ý kiến, nay Tổng cục Thuế đã tiếp thu và cho hạch toán vào chi phí trừ thuế thu nhập các khoản chi chống dịch Covid ( Vật tư tế/ Xét nghiệm/ Kit…). Đề nghị các ngành quản lý nhà nước cần phản ứng nhanh chóng hơn nữa đối với các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy bình thường sớm hiện thực.