Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hoàn thiện ‘hạ tầng’ pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các chuyên gia kiến nghị sửa đổi điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, sớm xếp hạng tín nhiệm và ban hành các quy định ràng buộc về công bố thông tin với các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp để nâng cao chất lượng thị trường này.

Tại diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững" chiều 19-5, các chuyên gia cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cần khung khổ pháp lý cao hơn với những quy định chất lượng hơn sau khi phát triển tương đối nhanh những năm gần đây.

Cần ưu tiên thực hiện công khai, minh bạch thông tin phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo kiến nghị của các chuyên gia.

TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế - kiến nghị sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp, gồm: Nghị định 153/2020 về phát hành TPDN riêng lẻ; Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Ngoài ra, cần rà soát Luật chứng khoán 2019 để sửa đổi theo hướng nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, cần cân nhắc mức độ phù hợp về quy định tài sản đảm bảo, bảo lãnh để phát hành, phân phối trái phiếu. Đặc biệt là tài sản đảm bảo có rủi ro thay đổi giá trị nhanh như cổ phiếu, quyền tài sản phát sinh hoặc tài sản khó xác định giá trị như bất động sản hình thành trong tương lai, cổ phiếu chưa niêm yết.

Về quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp, ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ Ban kinh tế của Quốc hội – cho rằng Điều 11 của Luật Chứng khoán có 2 điểm bất cập.

Thứ nhất, các điều kiện để một cá nhân trở thành nhà đầu tư chứng khoán rất dễ để đạt được về mặt luật pháp, nhưng có thể không làm thay đổi bản chất của nhà đầu tư đó. Cụ thể, cá nhân được xác định là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán.

Ngoài ra, cá nhân đó nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỉ đồng tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, theo xác nhận của công ty chứng khoán

“Vậy sau thời điểm đó thì như thế nào?”, ông Hiếu nêu vấn đề.

Thứ hai, Luật Chứng khoán giao cho chính công ty chứng khoán là những người bán hàng. Điều này đồng nghĩa với công ty chứng khoán được mua sản phẩm ở thị trường sơ cấp, rồi bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Quy định này, theo ông Hiếu, sẽ tạo ra xung đột vì nếu công ty chứng khoán muốn bán hàng, họ sẽ tìm mọi cách để xác nhận người mua đủ tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Với những cơ sở trên, ông Hiếu đề nghị Chính phủ xem xét, rà soát Điều 11 của Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020 liên quan điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

“Nếu như nâng được chất lượng thực sự của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ có một lợi ích rất dài hạn. Đây là công cụ thị trường để tự họ sàng lọc mà không cần can thiệp về mặt chính sách”, ông Hiếu nói.

Về xếp hạng tín nhiệm, TS Cấn Văn Lực kiến nghị cần xác định những trường hợp bắt buộc và khuyến khích xếp hạng tín nhiệm. Với các đơn vị xếp hạng, cần có quy định đảm bảo các doanh nghiệp có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

“Nên xem xét cấp phép thành lập thêm 2-3 công ty định hạng khác, ngoài 2 công ty đã có. Đồng thời, làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các trung gian tài chính liên quan”, ông Lực nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế - cho rằng các cơ quan quản lý có thể tham khảo một số quy định tại Đạo luật Dodd-Frank của Mĩ để bổ sung một số nội dung cho Nghị định số 88/2014 quy định về xếp hạng tín nhiệm, gồm: Quy định việc các Công ty xếp hạng tín nhiệm phải giải trình các phương pháp xếp hạng tín nhiệm sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế; Thống nhất các ký hiệu cho các hạng mức tín nhiệm như AAA, BBB, CCC.

“Tương tự như Mỹ, các hạng mức tín nhiệm có thể chia thành 2 nhóm gồm đầu tư và không đầu tư để các nhà đầu tư nhận đinh ngay mức độ rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, Chính phủ cần thành lập riêng một Văn phòng trực thuộc Bộ tài chính về xếp hạng tín nhiệm để thực hiện các phần việc, gồm: Giám sát hoạt động của các Công ty xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động; Kiểm soát việc tuân thủ các quy định về xếp hạng tín nhiệm và áp dụng các phương pháp xếp hạng tín nhiệm; Kiểm soát xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI – đề xuất các cơ quan quản lý thực hiện thúc ép xếp hạng tín nhiệm trong ngắn hạn. Theo đó, có thể quy định việc xếp hạng theo hướng đánh đổi.

“Nếu doanh nghiệp có kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ không cần thêm điều kiện phát hành, hoặc chỉ thêm 1-2 điều kiện vì xếp hạng tín nhiệm đã bao trùm nhiều điều kiện về kiểm toán. Nếu không chấp nhận xếp hạng tín nhiệm thì doanh nghiệp phải đánh đổi bằng việc đáp ứng hàng chục điều kiện”, ông Đức nói.

Về công bố thông tin, Luật sư Đức cho rằng các quy định pháp luật cần hướng đơn vị phát hành và trung gian phân phối trái phiếu thực hiện minh bạch thông tin.

“Doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng phải công khai thông tin này cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp cũng có thể phát hành trái phiếu khi doanh nghiệp thua lỗ, nhưng phải thông báo cho nhà đầu tư đang lỗ bao nhiêu? Hay có thể phát hành trái phiếu để đảo nợ, miễn là công khai minh bạch", ông Đức nói

Về cách thức công khai thông tin, ông Đức cho rằng cần bắt đầu từ việc công khai thông tin trên website của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cần công bố trên một số phương tiện thông tin đại chúng để chịu sự giám sát của nhà đầu tư, đại chúng.

“Yếu kém nhất của hệ thống chúng ta là đã không công khai minh bạch, lại không giám sát, kiểm tra kịp thời nên làm cho mọi người mất lòng tin. Do đó, chúng ta phải củng cố những cái đang có, không tăng thêm điều kiện, không có gì giám sát tốt bằng thị trường, nhà nước chỉ là một phần trong giám sát”, ông Đức cho biết.

Ông Phạm Xuân Hoè - nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược thuộc Ngân hàng Nhà nước – cần quy định trách nhiệm cụ thể với các chủ thể tham gia vào quá trình phát hành, gồm doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, các công ty trung gian dịch vụ để nguồn thông tin trên thị trường được minh bạch, có sự ràng buộc, cam kết.

“Hiện hành lang pháp lý vẫn đang bỏ ngỏ điều kiện này, còn các nhà đầu tư nhỏ lẻ hoàn toàn thiếu thông tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù thị trường đã chứng kiến sự bùng nổ trong 2 năm trở lại đây”, ông Hoè nêu thực tế.

Về vĩ mô, TS Cấn Văn Lực kiến nghị cần hoàn thiện hạ tầng của thị trường TPDN như thiết lập thị trường thứ cấp tập trung với TPDN, quy định áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế. Ngoài ra, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ như một chuẩn định hạng với TPDN.

Chuyên gia này cũng đề xuất Chính phủ khuyến khích phát triển nền tảng nhà đầu tư chứng khoán đa dạng, chuyên nghiệp; phát triển các nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, quỹ mở, quỹ hưu trí; hình thức ủy thác đầu tư.

Đặc biệt, cần cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân qua việc tăng cường giáo dục tài chính cho người dân và những nhà đầu tư mới và đưa ra các sản phẩm phù hợp để họ có thêm các lựa chọn đầu tư tùy vào khẩu vị rủi ro.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới