Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hội chợ sản phẩm thích ứng biến đổi khí hậu: ĐBSCL tìm giải pháp phát triển bền vững

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hội chợ trưng bày các sản phẩm, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã khai mạc hôm nay, 21-10. Đây là cơ hội để vùng ĐBSCL tìm ra mô hình, giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Thiết bị theo dõi môi trường nước thông minh của một doanh nghiệp trưng bày tại sự kiện. Ảnh: Trung Chánh

Sự kiện thu hút 28 doanh nghiệp tham dự trưng bày các sản phẩm thuộc 5 nhóm ngành, bao gồm sản phẩm và giải pháp công nghệ thích ứng biến đổi khí hậu; sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển cộng đồng; sản phẩm, dịch vụ xử lý môi trường; sản phẩm về năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối; và các tổ chức nghiên cứu, quỹ đầu tư cho doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho biết sự kiện được tổ chức với mục tiêu giới thiệu sản phẩm, giải pháp công nghệ trong nuôi trồng, sản xuất và chế biến nông thuỷ sản thích ứng biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, việc tổ chức sự kiện để khẳng định vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế bền vững, hướng đến các mục tiêu như Việt Nam đã cam kết tại COP26.

“Sự kiện được chúng tôi tổ chức cũng nhằm xúc tiến thương mại, hợp tác kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công nghệ giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường giữa các nhà cung cấp và khách hàng”, ông Lam cho biết.

Ông Lam kỳ vọng, từ sự kiện này sẽ góp phần thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp và khu vực tư nhân vào các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu và phòng chống rủi ro thiên tai. Đồng thời, tìm ra các giải pháp, mô hình sản xuất bền vững cũng như thúc đẩy cơ hội kinh doanh.

“Biến đổi khí hậu mà cụ thể là tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn đang ngày càng nghiêm trọng đối với vùng ĐBSCL”, ông Lam nói. Theo ông, điều này gây thiệt hại rất lớn đến vùng nguyên liệu, nuôi trồng và chế biến nông, thuỷ sản.

Một khảo sát gần đây của VCCI Cần Thơ cho thấy, mùa khô năm 2019-2020 vừa qua, vùng cây ăn trái của tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã bị thiệt hại lên đến 30.000 héc ta. “Dù chưa ước lượng được những thiệt hại trực tiếp và gián tiếp, nhưng đã làm cho nhiều nông dân và doanh nghiệp thiệt hại lớn và kéo dài trong nhiều năm”, ông Lam cho biết.

Theo ông Lam, việc tham gia của cộng đồng nhằm tìm cách thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó, doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt để tránh thiệt hại là điều cần thiết. Bởi, nếu không có giải pháp từ xa, mang yếu tố nền tảng cho thích ứng với biến đổi khí hậu thì ngành nông nghiệp và doanh nghiệp chế biến nông sản sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới